Xem NSƯT Tuyết Thu thể hiện vai bà mẹ trong vở "Cánh đồng rực lửa" (đạo diễn: Quốc Thảo), khán giả đã không cầm được nước mắt vì thương cho nhân vật chịu đựng quá nhiều đau khổ trong cuộc chiến tranh. Diễn những vai thể hiện nỗi đau quặn thắt là lợi thế của Tuyết Thu trong suốt 27 năm theo nghề.
Duyên may của nàng út
Trong gia đình chẳng có ai theo nghệ thuật vậy mà cô gái út Tuyết Thu được cưng nhất nhà lại theo nghiệp diễn, dù phải khóc hết nước mắt xin ba mẹ cho theo nghề này. Tuyết Thu từ bé thích nghe và xem cải lương. Những tài danh của thế hệ vàng sân khấu cải lương không một ai mà Tuyết Thu không nhớ đến. Thậm chí nhớ đến từng vai diễn, thuộc từng lời ca. Chính niềm đam mê đó khiến chị quyết định nộp thêm hồ sơ thi vào Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM), sau khi nộp hồ sơ thi vào Trường ĐH Tổng hợp TP HCM theo ý nguyện của gia đình. Vậy là Tuyết Thu trở thành sinh viên khoa cải lương, dấn bước vào nghiệp Tổ.
Tuyết Thu đúc kết sự nghiệp của mình: "Học cải lương, khởi nghiệp bằng nghề múa, gắn kết với kịch nhưng lại nổi tiếng trên phim".
NSƯT Tuyết Thu
"Thời đó, vừa ra trường không dễ có được vai diễn ở các đoàn cải lương, nhờ năng khiếu vượt trội về vũ đạo mà được NSND Thái Ly tuyển làm diễn viên múa cho chương trình ca múa nhạc dân tộc của Saigontourist, trở thành học trò cưng của thầy. Từ đó, tôi đầu quân về nhóm múa của NSND Kim Quy thuộc Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM" - Tuyết Thu kể lại trong bồi hồi.
Chính sàn múa đã giữ chân chị lại với nghề. Dù phải rời xa sàn diễn cải lương nhưng Tuyết Thu đã có những lối rẽ thành công hết sức ngoạn mục sau đó.
Luôn đủ sức tỏa sáng
Sau thời gian gắn bó với múa, Tuyết Thu được biên tập viên Hoàng Vũ Quân mời tham gia diễn kịch truyền hình của HTV. Tuyết Thu từng chia sẻ nếu không có kịch truyền hình thì không có Tuyết Thu của ngày hôm nay.
Trên mỗi chặng đường Tuyết Thu đi qua, những bài học quý trong nghề được chị vận dụng một cách tinh tường vào từng vai diễn.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, ở mỗi lĩnh vực, sự xuất hiện của Tuyết Thu luôn đủ sức tỏa sáng, những trải nghiệm của lĩnh vực này lại bổ sung cho lĩnh vực khác. Nghề múa đã giúp Tuyết Thu đưa vào vở "Nguyệt hạ" những điệu ballet hoàn hảo, kể cả sự vận dụng vũ đạo tuyệt đẹp cho vai Ngọc Hân công chúa trong vở độc diễn "Hồn thơ ngọc" (tác giả: Lê Duy Hạnh).
Chị còn có thêm vai Hà trong vở "Đôi bờ", Hồng Nhiên và Chéry trong vở "Trò chơi tham vọng", Bích Hồng trong vở "Cảm ơn mình đã yêu em"... đều làm hài lòng người xem. "Với sân khấu, Tuyết Thu đi chậm mà chắc, nhẫn nại và âm thầm chứ không đến độ dữ dội. Chính nhờ vậy, khi đến với phim truyền hình, những vai diễn của Tuyết Thu chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng luôn tròn trịa, lưu lại trong tâm trí khán giả thật lâu" - NSƯT Việt Anh từng nhận xét.
Tuyết Thu nói chính sân khấu cải lương đã cho chị khả năng thể hiện nội tâm nhân vật. Xem thế hệ nghệ sĩ đi trước hóa thân thành công các nhân vật phụ nữ, Tuyết Thu học rất nhanh và tìm những góc cạnh tâm lý để khai thác, nhằm tạo thêm sự gai góc cho vai diễn. Kế đến là nghệ thuật múa mang lại cho cô vóc dáng cân đối, hình thể khỏe khoắn và dáng đi mềm mại, uyển chuyển. Xem ra lợi thế trải nghiệm đa dạng đã cho phép Tuyết Thu bước đi thong dong trên con đường đã chọn, dù lối rẽ có hơi phức tạp và ly kỳ.
Theo đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc: "Tuyết Thu chịu khó học hỏi và thích trải nghiệm nên dễ dàng tìm được chìa khóa sáng tạo".
Khi đến với phim, Tuyết Thu đã dám làm những điều mà người khác không thể, đó là nhận vai bác sĩ (phim "Blouse trắng"), trong khi chị chưa biết một chút gì về nghề này. Vai bác sĩ Oanh đã tạo dấu ấn đẹp cho chị ngay từ ngày đầu.
Có thể nói, khi gắn với phim truyền hình, Tuyết Thu đã nối dài thêm con đường nghệ thuật của mình. Đáng nể ở chỗ hơn 15 năm gắn kết với phim, chị chỉ nhận trên dưới 10 vai diễn. Như thế, chị có thời gian để xóa mờ những nét diễn cũ, làm tươi trẻ những vai diễn mới nên những số phận chị diễn ở lại rất bền trong lòng người xem. Đó là vai vú Thảo trong "Tấm lòng của biển", Thy Mai trong "Cha dượng", Mười Một trong "Sông dài"…
Nhìn lại con đường nghệ thuật có nhiều ngã rẽ, Tuyết Thu mang ơn những người thầy giỏi nghề. Họ đã dìu dắt tận tâm, chăm sóc, hướng dẫn và một mái ấm gia đình tuyệt vời luôn cho cô toàn tâm toàn ý với nghệ thuật. Cô đã thầm cảm ơn cuộc đời và Tổ nghiệp đã cho mình nhiều may mắn như thế.
Vẫn đi tìm "hồn thơ ngọc"
27 năm theo nghề, tính từ cột mốc năm 1992, khi tốt nghiệp lớp diễn viên cải lương Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, Tuyết Thu vẫn giữ được sự giản dị nhưng đầy lôi cuốn. Không tham công tiếc việc, không nhận quá nhiều vai cùng một thời điểm, thi thoảng khán giả thấy Tuyết Thu "lặn" mất trong muôn trùng thông tin giải trí. Nhưng rồi khi xuất hiện trở lại, vai diễn ngời sáng, khán giả hài lòng. Tuyết Thu nói: "Tôi vẫn đi tìm hồn thơ ngọc". Chị ví von cho sự tìm kiếm chất liệu từ trong cuộc sống để vun đắp cho sáng tạo không ngừng của mình như thế.
Có được như hôm nay, Tuyết Thu nói chị còn nhờ tình thương yêu của gia đình. Điểm tựa cho chị là hạnh phúc của mái ấm mà chị đã gầy dựng và giữ gìn bao lâu nay. Tuyết Thu mong muốn dựng lại vở "Hồn thơ ngọc" - tác phẩm ghi dấu ấn đậm nét nhất trong sự nghiệp diễn xuất của mình.
Bình luận (0)