NSƯT Vũ Linh trong ngày họp mặt nghệ sĩ cũng là ngày mừng sinh nhật lần thứ 59 của NSƯT Phương Hồng Thủy
Theo NS Vũ Linh, tính từ ngày đất nước thống nhất sân khấu cải lương đã trải qua chặng đường thăng trầm. Những thành quả đạt được cho thấy sức sống của cải lương thực là bền bỉ, cho dù còn nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng sàn diễn vẫn tồn tại và sẽ vượt qua thử thách hiện nay, hướng tới một viễn cảnh sáng sủa hơn. Mỗi năm các nghệ sĩ ở hải ngoại như: Phượng Liên, Thanh Hằng, Linh Tâm, Cẩm Thu, Phương Hồng Thủy…đều về nước để tham gia biểu diễn. Trong đó, người tích cực nhất là Phương Hồng Thủy. Hầu như năm nào cũng về, có năm về hai đến ba lần, không chỉ tham gia biểu diễn trên sân khấu mà còn đến với sân khấu học đường.
NSƯT Phương Hồng Thủy hạnh phúc khi được là bạn diễn của NSƯT Vũ Linh
Là người làm sân khấu anh tự hào với quá khứ huy hoàng của loại hình nghệ thuật truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Nam bộ, đồng thời anh thẳng thắn thừa nhận những thất bại để rút ra những bài học kinh nghiệm cho tương lai. Từ năm 1991, anh được trao HCV triển vọng giải Trần Hữu Trang, năm đó NSƯT Phương Hồng Thủy cũng đoạt giải. "Tôi khẳng định trong số những cô đào đã diễn với tôi, mỗi cô đều có một nét diễn duyên dáng, đáng yêu, nhưng diễn tình tứ nhất vẫn là Phương Hồng Thủy" – ngôi sao được mệnh danh là "anh cả" đã nói.
Sân khấu cải lương ở giai đoạn phát triển mạnh đã có sự sánh bước của Vũ Linh và nhiều cô đào, nhưng nhắc đến NSƯT Phương Hồng Thủy, khán giả mê đắm nhiều vở cải lương video, trong đó phải nhắc đến vở "Cô đào hát" mà chị và NSƯT Vũ Linh đã tạo được dấu ấn đậm nét.
NSƯT Hồng Ánh chúc mừng NSƯT Phương Hồng Thủy trong ngày họp mặt
NS Vũ Linh cho hay anh được thừa hưởng từ di sản rất lớn của những tiền nhân đi trước để lại, đó là giai đoạn có khoảng 60 đơn vị nghệ thuật cấp trung và đại bang ở 17 tỉnh thành phía Nam với hai hình thức tập thể và quốc doanh. Mỗi tỉnh ít nhất có hai đoàn hát, riêng TP HCM có hơn 10 đoàn. Một nền ca kịch dân tộc chính thống và chuyên nghiệp đã được định hình, với đầy đủ các tài năng của nhiều lãnh vực: tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, kỹ thuật và nhiều nghệ sĩ ngôi sao. Vở diễn đã gắn liền với bảng hiệu của đoàn hát và nói đến tên vở là khán giả nhớ ngay đến tên tác giả – đạo diễn, nói đến nhân vật là người ta nhớ ngay đến tên nghệ sĩ. Anh và Phương Hồng Thủy được yêu thích qua nhiều vai. Chỉ riêng ở TP HCM giai đoạn lúc cả hai còn trẻ, sức sống năng động của các đoàn: Văn Công TP, Trần Hữu Trang I, II, III, Sài Gòn I, II, III, Phước Chung, Hương Mùa Thu, Huỳnh Long, Minh Tơ, Thanh Nga, 2/84, Trung Hiếu, Tuổi Trẻ Thương Nghiệp…đã là những bài học kinh nghiệm quý để anh chị em nghệ sĩ cùng học hỏi, đúc kết kinh nghiệm diễn xuất. Từ đoàn cải lương Đồng Nai lên TP HCM để tham gia biểu diễn, Phương Hồng Thủy đã được sự dìu dắt, nâng đỡ của NSƯT Út Bạch Lan. Với tinh thần cầu tiến, Phương Hồng Thủy đã được khán giả đón nhận với nỗ lực không ngừng.
NSƯT Hữu Quốc và các nghệ sĩ ưu tú: Thoại Mỹ, Phượng Loan, Vũ Linh, Phương Hồng Thủy trong ngày họp mặt
NSƯT Vũ Linh trăn trở: "Nguồn kịch bản cải lương hay hiện nay rất hiếm bởi các tác giả chuyên nghiệp không còn được các đoàn hát nuôi dưỡng. Chế độ chính sách với người viết kịch bản cải lương chưa bảo đảm nên họ khó yên tâm cho công việc sáng tác, để tìm tòi cái mới. Cuộc chạy đua với thời gian, tiền bạc của một số người làm sân khấu đã làm giảm tính chuyên nghiệp vốn là những đòi hỏi rất cao của nghệ thuật cải lương".
NSƯT Phương Hồng Thủy trong chương trình Sân khấu học đường
Nhấn mạnh về yếu tố làm suy giảm niềm tin đối với nghề, NSƯT Vũ Linh cho rằng TP HCM đã thiếu một chiến lược đào tạo đội ngũ kế thừa. Rất nhiều nghệ sĩ lớn của sân khấu cải lương đã lớn tuổi, không còn đủ sức diễn trên sân khấu. Lực lượng kế tiếp lại quá mỏng, chưa đủ sức thay thế những người đã tạo nền móng cho sàn diễn. Anh vẫn ấp ủ những đêm diễn với chủ đề "Người đưa đò", nhằm góp phần thắp sáng ngọn lửa yêu nghề cho các em, mà Phương Hồng Thủy đã đồng hành trong công việc ý nghĩa đó.
Bình luận (0)