NS Tú Trinh và các đồng nghiệp trong ngày họp mặt mừng 31 năm gắn bó với nghề
Từ nhóm lồng tiếng được thành lập năm 1988, nghệ sĩ Tú Trinh xúc động kể: "Tôi rất vui và hạnh phúc khi tất cả nghệ sĩ lồng tiếng, thuyết minh tại TP HCM đều có mặt để ôn lại những kỷ niệm của chặng đường 30 năm. Kỳ thực, tôi may mắn hơn các bạn vì là người đi trước, có nhiều kinh nghiệm và tôi đã trao truyền lại cho các bạn, rồi nghề dạy nghề, các bạn thăng tiến, có người đứng ra làm chủ những nhóm lồng tiếng, cung ứng cho tất cả các sản phẩm điện ảnh, truyền hình của khu vực phía Nam. Đó là điều mà tôi xúc động vì các bạn không quên những ngày đầu gian khó đến với nghề nghiệp không mấy vinh quang này".
Trên thực tế, khi thưởng thức các bộ phim nước ngoài, nhiều khán giả đã vô cùng ngạc nhiên vì tài năng ứng biến của các diễn viên lồng tiếng.
NS Ngọc Lan và Anh Đông trong ngày họp mặt
Lời thoại của nhân vật trùng khớp với khuôn miệng và tính cách, tình huống đến hoàn hảo. Nghệ sĩ Tú Trinh đã có hơn 50 năm kinh nghiệm, nên chị là người đã chủ động làm nghề bằng lương tâm và niềm đam mê, để qua màn ảnh, đứng trước micro chỉ với riêng mình, chị đã lột tả chính xác những biểu cảm tâm lý của vai diễn trong mọi hoàn cảnh. Từ bí quyết của chị mà các đồng nghiệp trẻ đã làm theo, họ biến không gian nhỏ hẹp trong những phòng thu thành phim trường để cùng khóc, cười với các nhân vật.
"Nhưng ít ai biết cái tài lồng tiếng đi đôi với nhiều khổ luyện và bi hài. Vì để có được chất giọng "họa nét" nhân vật phải tập trung cao độ, có trí nhớ và giọng nói truyền cảm. Nếu chất giọng mắc nhiều khuyết điểm, không biết cách "tự biên tự diễn" thì lời thoại sẽ không có hồn. Bởi vì khái niệm "giọng nói truyền cảm" trong nghề lồng tiếng vô cùng trừu tượng, phụ thuộc phần lớn vào cảm nhận của khán giả. Để truyền đạt đúng hoặc gần đúng nhất so với biểu cảm nhân vật, diễn viên lồng tiếng phải tìm hiểu kỹ về kịch bản, về nội dung phim và tính cách, tâm lý vai diễn. Chưa hết, phải am hiểu rõ những giao tiếp của nhân vật với các tuyến nhân vật trong phim; đồng thời sử dụng thành thạo các kỹ thuật diễn xuất bằng thanh điệu, âm lực"- NS Tú Trinh chia sẻ.
NS Tú Trinh, Hà Mỹ Xuân, Cát Phượng và Kiều Phượng Loan
NS Kim Lan - người đã có trên 30 năm gắn bó với nghề - nói: "Chúng tôi học ở nghệ sĩ Tú Trinh rất nhiều. Để từ những phân tích của chị, bản thân mình cần thực sự có cảm xúc, khóc cười, vui buồn theo nhân vật để hình thành nên vai diễn. Dù mình chỉ đứng trước micro và không có sự tương tác nào với bạn diễn, có khi chỉ đọc và khóc cười một mình với các phân đoạn của mình" – NS Kim Lan bày tỏ niềm vui trong ngày hội ngộ với người chị tinh thần của nghề lồng tiếng.
Theo nghệ sĩ Ngọc Lan, việc nghiên cứu các trường đoạn tâm lý của nhân vật là công cuộc quan trọng nhất để lồng tiếng hiệu quả và cái hay là tạo sự khác biệt qua tính cách. Giọng nói Nam Bộ vốn sang sảng, cương nghị, thật thà nên người chịu khó luyện tập sẽ lành nghề, đạt được tốc độ và không để bị sai sót những biểu cảm nhỏ nhất trên gương mặt nhân vật khi thoại. Đó là cách học từ người đi trước.
NS Tú Trinh và đạo diễn Đoàn Khoa
Điều khiến nghệ sĩ Tú Trinh vui mừng là hiện đời sống của các nghệ sĩ lồng tiếng tương đối ổn định. Một ngày các nghệ sĩ có thể làm 20 - 30 tập phim, trung bình mỗi tập 45 phút, nhưng chỉ mất nửa thời gian đó để lồng tiếng. Tuy nhiên, diễn viên mới vào nghề chắc chắn sẽ phải thu đi thu lại cả chục lần vì đọc "rớt lời", "mất lời". Nhưng nghệ sĩ Tú Trinh vui mừng vì các bạn trẻ làm nghề này luôn ý thức rèn luyện để nâng mình lên và xứng đáng với niềm đam mê của bản thân.
"Nghề lồng tiếng không phải "nghề đọc thuê" mà là diễn xuất thực thụ, thậm chí phải trải nghiệm những gian nan vì mình chỉ có âm thanh là công cụ truyền đạt duy nhất. Bí quyết để diễn tròn vai là phải khổ luyện. Ngày nay, thị trường điện ảnh đã thay đổi, kéo theo thị hiếu của khán giả cũng khác trước. Họ có xu hướng ưa chuộng phim ngoại thu âm trực tiếp hoặc phụ đề hơn. Khán giả có gu thưởng thức tinh tế, nên làm ẩu sẽ bị đào thải. Tôi hạnh phúc vì các em trong nghề đến nay vẫn còn rất "máu lửa" với công việc"-NS Tú Trinh tâm sự.
Bình luận (0)