Ông Đoàn Văn Vươn (trái) gọi cuộc đời mình là "trớ trêu" và bày tỏ sự cảm kích trước sự quan tâm của các nhà văn đến người nông dân
Ông Đoàn Văn Vươn đã gây nhiều chú ý khi có mặt tại buổi phát động cuộc thi truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" ngày 26-4 tại Hà Nội.
Sau những thăng trầm cuộc đời, trở thành người nổi tiếng bất đắc dĩ trong vụ án án cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng, Hải Phòng và phải vào tù hơn ba năm rưỡi, ông Đoàn Văn Vươn hiện tiếp tục dành nhiều thời gian cho việc đầu tư chăn nuôi vịt biển. "Gia đình chúng tôi muốn làm kinh tế trên chính mảnh đất của mình" - ông Vươn nói.
Người nông dân nổi tiếng này cũng cho biết hiện tại đang tập trung vào công việc chăn nuôi vịt biển. Ông đã có thương hiệu Vườn Biển, chuyên cung cấp thịt vịt, trứng vịt,... và đã có 2 nhà hàng vịt biển Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng và Hà Nội.
Trước câu hỏi liệu ông có muốn cuộc đời mình được đưa vào văn học, ông Đoàn Văn Vươn cho hay thật sự cảm kích trước sự quan tâm của Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà văn, nhà thơ đến người nông dân Việt Nam. Ông cũng bày tỏ niềm vui, nếu từ "cuộc đời trớ trêu" và những kinh nghiệm của mình, có thể giúp đỡ được những người khác.
Báo Người Lao Động đã từng có nhiều bài viết về ông Đoàn Văn Vươn, kỹ sư nông nghiệp sinh năm 1963 tại Tiên Lãng, Hải Phòng. Ông Vươn từng phục vụ trong quân đội, đến năm 1993, bắt đầu thực hiện việc quai đê lấn biển để nuôi trồng thuỷ sản khi huyện Tiên Lãng ban hành quyết định giao cho ông diện tích 21 ha đất bãi biển khu vực nam cống Rộc thuộc xã Vinh Quang để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản. Ông đã khởi nghiệp bằng việc bán tài sản, vay mượn bạn bè, người thân và ngân hàng, chịu nhiều thiệt hại mất mát trong quá trình lấn biển mưu sinh. Con gái đầu lòng của ông Vươn bị rơi xuống cống chết đuối trong một lần theo bố mẹ ra đầm, năm đó cháu 8 tuổi.
Từ năm 1995, ông Đoàn Văn Vươn đã xây được một con đê cao tạo thành bờ bao cho một vùng đầm rộng lớn hàng chục hecta cùng hàng ngàn cây sú, vẹt mọc lên tạo thành cánh rừng chắn sóng. Gia đình ông đã có đầm nuôi tôm, cá để sinh sống.
Hai năm sau, ông Đoàn Văn Vươn làm đơn xin được giao bổ sung phần diện tích đất đã lấn chiếm ngoài diện tích được giao. Tháng 4-1997, huyện Tiên Lãng ra quyết định giao bổ sung cho ông Vươn 19,3 ha giáp với diện tích đã giao, thời hạn 14 năm tính từ thời điểm giao 21 ha năm 1993. Tổng cộng, ông Vươn được sử dụng 40,3 ha đất để nuôi trồng thủy sản đến năm 2007. Đê lấn biển của ông Vươn đã góp phần giúp nhân dân trong vùng không phải lo vỡ đê mỗi khi bão lũ.
Năm 2009, huyện Tiên Lãng đã làm thủ tục thu hồi toàn bộ 40,3 ha của ông Đoàn Văn Vươn. Tuy nhiên, ông Vươn đã khiếu nại việc thu hồi 19,3 ha đất giao bổ sung lên huyện, sau đó không đồng tình quyết định của huyện, ông khởi kiện lên tòa án.
Tháng 1-2012, huyện Tiên Lãng đã tiến hành cưỡng chế với lực lượng đông đảo hơn 100 người nhưng bị gia đình ông Đoàn Văn Vươn chống trả. Sau vụ cưỡng chế bất thành, việc thu hồi đất đã bị hủy bỏ. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chính quyền địa phương thi hành các thủ tục cho phép gia đình ông Đoàn Văn Vươn tiếp tục được sử dụng đất. Tuy nhiên, ông Vươn bị tuyên phạt 5 năm tù và sau khi thụ án được hơn 3,5 năm thì được đặc xá.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng những tác phẩm hấp dẫn về nông thôn mới đang cực kỳ thiếu
Cuộc thi truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức. Ông Lưu Quang Định, Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay, cho rằng nông nghiệp-nông thôn-nông dân luôn là một trong những mảng đề tài lớn góp phần làm nên nền văn học Việt Nam. Tuy nhiên, đáng tiếc mảnh đất ấy dường như đang bị bỏ quên, văn học Việt Nam thời gian qua thiếu vắng những sáng tác về đề tài này, ngay cả người đọc cũng ngày càng ít quan tâm hơn. Theo ông Định, để có được những tác phẩm xứng tầm về đề tài nông thôn trong thời đại mới, ngoài tâm huyết và tài năng của đội ngũ sáng tác còn rất cần sự đầu tư tương xứng.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cũng chia sẻ những tác phẩm nổi tiếng về đề tài nông thôn thường viết từ trước khi đổi mới. "Những tác phẩm được coi là đặc sắc và hấp dẫn về nông thôn mới, về người nông dân thời hội nhập tay cầm smartphone chỉ đạo cả khu chăn nuôi lớn chưa thấm vào đâu" - nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
Cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập" kéo dài từ nay đến hết 28-2-2021 với những tác phẩm phản ánh đời sống hiện thực, tôn vinh người nông dân và cổ vũ tinh thần cho họ, bảo vệ và phát huy nét đẹp làng quê, phê phán mặt trái và tiêu cực trong quá trình đô thị hoá ở làng quê. Ban tổ chức dự kiến sẽ trao giải vào tháng 5-2021 với giải nhất lên đến 50 triệu đồng.
Bình luận (0)