Nhất cử nhất động của Phạm Băng Băng, thậm chí cả người thân của cô, cũng được công luận theo dõi kỹ lưỡng. Đặc biệt, những ngày qua, thông tin, hình ảnh cho rằng Phạm Băng Băng đeo còng số 8, mặt mày phờ phạc khi bị cảnh sát bắt giữ vì tội trốn thuế xuất hiện tràn ngập trên internet càng khiến cho cái tên Phạm Băng Băng bùng nổ mất kiểm soát trên truyền thông trong nước và quốc tế.
Chỉ là ảnh ghép nhưng giới truyền thông vẫn cứ ngồi nhà xào nấu và thông tin như sự thật
Công ty quản lý của Phạm Băng Băng vẫn chưa có phản hồi nào về sự việc cho tới thời điểm này. Nhưng người quản lý truyền thông của Phạm Băng Băng lên tiếng phủ nhận tin đồn nữ diễn viên này bị bắt. Theo đó, Trương Hinh Linh (quản lý truyền thông nước ngoài của Phạm Băng Băng) cho biết: "Hai ngày nay, báo chí nước ngoài đưa tin sai sự thật về vụ việc của Phạm Băng Băng, điều này khiến tôi có nhận thức khác về đạo đức làm nghề của họ. Các bạn có thể nhìn thấy một thông tin sai sự thật, không chính thức được lưu truyền trên mạng xã hội, còn thêm mắm dặm muối, chế bản thành câu chuyện khác, không cần chứng cứ đã vội vàng đăng báo và phát lên sóng truyền hình. Thậm chí, các bạn còn chia sẻ clip và hình ảnh giả mạo này một cách mập mờ để tăng tính nghiêm trọng của sự việc. Vì tỉ suất lợi nhuận, các bạn làm tất cả những gì mình muốn, làm sai lệch, xuyên tạc thông tin bằng mọi giá, phớt lờ những tổn thương mà mình có thể gây ra cho người khác, tìm kiếm lợi ích của mình trên sự đau khổ của người khác".
Chưa cần nói đến thông tin liên quan đến Phạm Băng Băng là đúng hay sai vì đến nay chưa có thông tin chính thức. Khán giả quan tâm đến sự việc này cũng bởi Phạm Băng Băng là một ngôi sao lớn, có thu nhập cao nhưng lại "trốn thuế". Thế nhưng, cái sai ở đây chính là việc chạy theo sự kiện một cách mù quáng của giới truyền thông. Trương Hinh Linh nói không sai khi cho rằng "báo chí cố tình đưa thông tin khi còn mập mờ, thậm chí giả mạo để tăng tính nghiêm trọng của sự việc". Đó là hành vi thiếu chuyên nghiệp, một thái độ tư lợi cá nhân và là hành động không có trách nhiệm.
Thông tin phải chính xác và trung thực là trách nhiệm và đạo đức của người làm báo. Nhưng do sự cạnh tranh quyết liệt giành độc giả của các phương tiện truyền thông ngày nay khiến cho giới này đề ra mục tiêu thông tin là phải nhanh, "độc". Càng nhanh thì càng dễ sai sót, càng độc càng dễ nhầm lẫn. Truyền thông hôm nay dễ sập "bẫy" của những dân mạng giỏi công nghệ. Những người này làm ra những tấm ảnh, cắt ghép sự kiện cho thỏa mãn ý thích của mình và mua vui cho bạn bè trên mạng. Nhưng với truyền thông, mạng xã hội cũng là một nguồn tin nên không ít "thợ săn tin" mạng sập "bẫy".
Đó chính là hệ quả của kiểu làm báo đưa tin nhanh nhưng lại thiếu trách nhiệm. Giá trị của truyền thông ngày càng giảm đi là vì thế.
Bình luận (0)