Phim "Sài Gòn trong cơn mưa" là tác phẩm đầu tay của đạo diễn trẻ Lê Minh Hoàng ra mắt từ ngày 6-11 nhưng đến trưa 12-11, theo thống kê của trang Box Office Việt Nam, chỉ thu về hơn 2 tỉ đồng.
Ảm đạm doanh thu
Đây không phải lần đầu phim thể loại tình cảm lãng mạn, khai thác đề tài âm nhạc Việt doanh thu không cao mà trước đó cũng đã có những phim cùng đề tài rơi vào tình trạng tương tự.
"Sài Gòn trong cơn mưa" là tác phẩm kể lại câu chuyện về nhân vật Vũ (Avin Lu đóng) - một nhạc sĩ của Bồng Bềnh Band, từ Hà Nội vào TP HCM chỉ mới vài tháng. Trong một lần trú mưa, Vũ gặp gỡ Mây (Hồ Thu Anh đóng) và cảm mến cô.
Sau một vài biến cố, cả hai sống chung nhà và bắt đầu mối tình lãng mạn. Vũ theo đuổi dòng nhạc indie (độc lập) ít phổ biến còn Mây mong muốn trở thành nhà thiết kế để mở cửa hàng quần áo mưu sinh. Cả hai đều có ước mơ riêng nhưng hiện thực cuộc sống khắc nghiệt khiến họ dần xa nhau.
Phim tạo được cảm xúc bồi hồi cho người xem khi mô tả một Sài Gòn gần gũi qua những cơn mưa bất chợt. Tuy nhiên, cảm xúc này không được đẩy lên đến mức cao nhất bởi phần kịch bản chưa tới, các nút thắt mở qua loa, chưa tạo cao trào.
Tâm lý nhân vật chuyển biến quá nhanh theo tình tiết phim khiến mọi thứ trở nên nhạt nhòa, không có điểm nhấn và người xem chưa thấy thuyết phục. Đặc biệt, âm nhạc trong phim, chủ đề chính kết nối cả câu chuyện lại chưa tạo sự thỏa mãn cho người xem.
Phim "Anh thầy ngôi sao" của đạo diễn Đức Thịnh chỉn chu và tâm huyết, có được ca khúc tạo chú ý nhưng cũng chưa đủ sức thắng doanh thu khi chỉ đạt gần 24 tỉ đồng (theo thống kê từ Box Office Việt Nam).
Phim "Mùa viết tình ca" của đạo diễn Thắng Vũ không phải phim độc lập nhưng cũng khai thác đề tài âm nhạc lồng ghép trong câu chuyện tình lãng mạn, tình yêu tuổi trẻ, khát vọng thành danh của người trẻ. Phim không có ca khúc tạo gây chú ý nên cũng không thắng doanh thu như kỳ vọng.
Kể từ phim âm nhạc Việt đầu tiên thành công trên màn ảnh rộng là "Những nụ hôn rực rỡ" do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn năm 2010, đến nay điện ảnh Việt vẫn chưa thấy có phim nào cùng chủ đề thắng doanh thu.
Cảnh trong phim “Sài Gòn trong cơn mưa”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Cần sự bứt phá
Phim âm nhạc không mới lạ với điện ảnh thế giới và khán giả thế giới cũng từng vô cùng yêu thích các phim như: "Mamma Mia!", "La La Land"... Nhiều phim tiểu sử kể về các ngôi sao một thời của làng nhạc thế giới cũng thắng doanh thu không kém. Nhưng tại thị trường phim Việt, số lượng phim khai thác chủ đề âm nhạc và thắng doanh thu lại ít ỏi. Theo đạo diễn và biên kịch Key Nguyễn, lý do cho thực trạng này là vì sự đứt gãy nối kết giữa nhà sản xuất điện ảnh và nhà sản xuất âm nhạc.
Ở nước ngoài, các nhà sản xuất điện ảnh thường được đặt hàng làm về chủ đề âm nhạc dạng tiểu sử âm nhạc hoặc chính nhà sản xuất âm nhạc giỏi chủ động đặt hàng, đầu tư sản xuất phim âm nhạc. Trong khi đó, ở nước ta ngược lại, nhà sản xuất phim thường yêu thích và chủ động chọn đề tài về âm nhạc rồi đặt hàng các nhạc sĩ sáng tác các ca khúc trong phim.
Cách làm này khó tạo được sự kết nối về chất nhạc cùng câu chuyện được kể để thuyết phục khán giả do các ca khúc phải chạy theo một câu chuyện và thiếu đời sống riêng. Một nhà sản xuất âm nhạc sở hữu nhiều ca khúc đình đám và muốn kể một câu chuyện dựa trên các ca khúc hoặc về cuộc đời họ, tìm đặt hàng một nhà làm phim thì cơ hội thắng sẽ nhiều hơn.
"Thêm vào đó, những phim ca nhạc Việt thuộc dòng độc lập không có nhiều kinh phí, ê-kíp đều là người trẻ làm phim đầu tay với dàn diễn viên mới. Tất cả đều chưa phải là những yếu tố để tạo được sự bứt phá về chất lượng lẫn doanh thu.
Những người trong giới nhìn nhận về mặt chất liệu thì nhạc Việt không thiếu nhưng khai thác thế nào để phim âm nhạc có sức hút khán giả thì không dễ. Nó đòi hỏi nhà sản xuất không trông chờ vào vận may mà cần sự cộng hưởng nhiều phía để cùng tạo ra một tác phẩm có sức hút nhất định với khán giả.
Bình luận (0)