Sức hút của loạt phim, của những câu chuyện dân gian, đồng thoại lưu truyền qua bao thế hệ vẫn giữ nguyên giá trị đến ngày nay.
Trên nền tảng YouTube, các kênh đăng tải phim cổ tích thuộc hệ thống của THVL gồm: THVL Cổ tích, Cổ tích Việt Nam, Yêu cổ tích… Hầu hết kênh này đều có lượng người theo dõi ở mức đạt nút bạc trở lên, có những tập thu hút hàng triệu lượt xem với nhiều bình luận thích thú.
Cảnh trong bộ phim cổ tích “Cậu bé nước Nam”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Khán giả bày tỏ niềm yêu thích với truyện cổ tích, tán thưởng việc đưa các phim cổ tích lên nền tảng mạng một cách hệ thống, dễ tìm kiếm. Nhiều khán giả đã viết: "Tôi muốn cho các con xem phim cổ tích nhưng trước kia tìm kiếm vất vả, chất lượng lại kém. Bây giờ, việc tìm kiếm đã trở nên dễ dàng hơn"; "Câu chuyện phim cổ tích luôn có ý nghĩa, dạy con người về luật nhân quả"; "Phim cổ tích thường không cần phân biệt độ tuổi, người lớn hoặc trẻ em đều xem được và có bài học rút ra, đậm tính nhân văn. Tôi ủng hộ phát triển phim cổ tích"…
Để tạo sự hứng thú, hấp dẫn hơn với tính giải trí vốn có, khán giả được thưởng thức trên đài THVL và hiện tại là trên nền tảng YouTube những bộ phim tổng hợp nhiều chuyện cổ tích có chung một chủ đề, được xử lý khéo léo với một nhân vật trung tâm, tạo ra một câu chuyện thú vị, vừa quen mà lại vừa lạ.
Như bộ phim "Câu bé nước Nam" được nhà sản xuất đầu tư kỹ lưỡng về nội dung, bối cảnh, trang phục, đạo cụ cùng phần hậu kỳ, kỹ xảo được xử lý tốt. Phim có 50 tập, tập hợp các tình tiết chọn lọc từ các câu chuyện cổ tích và các dị bản về mô-típ nhân vật "em bé thông minh". Truyện trạng, dã sử… phim có nhân vật chính với những tình tiết xoay quanh đi hết các tập mà không phải là từng câu chuyện riêng biệt nối kết lại.
Bộ phim "Hai chàng hảo hớn" dựa trên loạt truyện cổ tích về các nhân vật ngốc: "Chàng Ngốc học khôn", "Con vợ khôn lấy thằng chồng dại", "Ba Giai - Tú Xuất"... và các anh hùng nông dân: "Chàng Lía", "Quận He", "Hầu Tạo"... Thông qua các phim này một bức tranh hiện thực xã hội được vẽ lên với những mâu thuẫn thường thấy, với các hình mẫu nhân vật từ lương thiện tới bất lương ở đủ mọi vị trí xã hội.
Dòng phim cổ tích này ngoài phim vừa ra mắt khán giả là "Gái khôn được chồng", dự kiến cuối năm nay sẽ bấm máy phim "Vua dế".
Bình luận (0)