Phim "Cô gái nhà người ta" (đạo diễn: Trịnh Lê Phong) do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) thực hiện, phát sóng trên VTV3, nhận được nhiều phản hồi từ khán giả, lượng tương tác trên mạng xã hội cũng tăng mạnh. Đây là phim khai thác đề tài nông thôn nhưng ở một cách làm mới, góc tiếp cận mới, khác xa so với phim kiểu chính luận trước đây.
Thổi làn gió mới
"Cô gái nhà người ta" đã lên sóng được 21 tập, nội dung tập trung vào nhân vật Khoa (Đình Tú thủ vai) và 2 người bạn thân từ bé là Cận (Việt Bắc thủ diễn), Viễn (Quang Trọng thủ diễn). Khoa tốt nghiệp ở thành phố, về làng Yên với ước mơ lập nghiệp bằng việc xây homestay kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, mọi chuyện không hề đơn giản đối với những chàng trai thừa nhiệt huyết, thiếu kinh nghiệm này và họ liên tục vấp phải thất bại. Ngoài hành trình khởi nghiệp gập ghềnh của Khoa, phim còn mô tả cuộc sống làng quê những tưởng thanh bình nhưng bên trong lại đầy biến động với cô giáo Uyên (Phương Oanh thủ vai) - con gái trưởng thôn, với Mận (Hương Giang thủ vai), bộ ba "Cường (Trọng Lân thủ diễn) - Đào (Việt Hoa thủ diễn) - Quất (Hoàng Du Ka thủ diễn).
Phim không chỉ cho khán giả thấy một khía cạnh khao khát làm giàu, muốn lập nghiệp từ làng quê của một bộ phận thanh niên trẻ ở nông thôn miền Bắc ngày nay mà còn lột tả nhiều vấn đề khác. Trong đó, "Cô gái nhà người ta" lên án lề thói soi mói, ganh ghét của người dân thôn quê trước các ý tưởng mới xuất hiện trong làng; nạn ô nhiễm môi trường khi nhà xưởng mọc lên; nạn mê tín dị đoan; tình trạng tham nhũng, hối lộ và sự tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ địa phương khiến cho luật pháp bị vô hiệu hóa bởi những kẻ giàu có, làm cho đời sống người dân nông thôn nhuốm màu đen tối...
Cảnh trong phim “Cô gái nhà người ta”. (Ảnh chụp từ màn hình)
Có thể nói, so với những phim đề tài nông thôn mà VFC từng làm trước đó như "Đất và người", "Ma làng"... "Cô gái nhà người ta" là một bước thay đổi trong tiếp cận với đời sống hiện đại của một bộ phận thanh niên trẻ ngày nay ở các vùng nông thôn. Mặc dù có không ít sạn, phần kịch bản càng về sau càng bị cho là phi lý, thiếu sức hấp dẫn vì xây dựng nhân vật một chiều, "Cô gái nhà người ta" vẫn đang là phim thu hút khán giả trên màn ảnh nhỏ. Đây cũng là tác phẩm ít ỏi khai thác đề tài nông thôn sau thời gian dài vắng bóng, nhường chỗ cho những phim đề tài mẹ chồng - nàng dâu, ngoại tình, người thứ ba... nở rộ.
"Tôi thấy "Cô gái nhà người ta" cũng nói về hiện thực xã hội nhưng bằng một cách kể khác biệt, mới mẻ. Trong làng Yên có những người trẻ khao khát khởi nghiệp thì cũng có những người làm giàu bất chính, dùng tiền mua chuộc tất cả. Phim cũng có xen lẫn hài hước, tăng yếu tố giải trí chứ không hoàn toàn chính luận" - nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long cho biết. Theo bà, phim "Cô gái nhà người ta" sở hữu dàn diễn viên đóng rất tốt, từ gạo cội đến trẻ - một yếu tố tạo thêm sức hút. Dẫu vậy, việc xây dựng hình tượng nhân vật nam chính khá "ngốc" không được lòng khán giả bởi tạo tâm lý ức chế cũng như không thấy hiệu quả của hành trình trưởng thành mà nhân vật nhận được qua các bài học vấp ngã.
Đa dạng "mâm cỗ"
Nhiều người trong giới cho rằng phim đề tài nông thôn luôn hấp dẫn khán giả ở cả hai miền Nam - Bắc. Tuy nhiên, một thời gian dài khai thác quá độ khiến dòng phim này trở nên "bội thực" vì không có ý tưởng kịch bản nào mới dẫn đến nhàm chán. Các nhà sản xuất cũng lơ là đề tài này, tập trung vào những chủ đề theo xu hướng của giới trẻ ở đô thị hiện đại. Nhưng nếu tập trung khai thác đề tài nông thôn theo một hướng mới, gần gũi, pha lẫn bi hài như đời thực thì sẽ tạo nên một diện mạo nông thôn mới trên màn ảnh nhỏ. "Những đề tài nông thôn khai thác gần gũi có thể tạo sự đa dạng trong mâm cỗ "món ăn" tinh thần, giúp giữ chân khán giả với phim truyền hình nhiều hơn các nền tảng giải trí khác" - biên kịch Đông Hoa nhận định.
Theo biên kịch Kim Ngọc, phim về nông thôn miền Nam vẫn được khán giả miền Tây yêu thích, chứng tỏ sức hút của đề tài này rất lớn. Cụ thể, phim "Con ông Hai Lúa" thuộc dạng sit-com (hài tình huống), khai thác cuộc sống nông thôn ở miền Tây dài 225 tập trên sóng Truyền hình Vĩnh Long vẫn tạo được lượng khán giả riêng. "Sau phim "Con ông Hai Lúa", tôi và ê-kíp tiếp tục dự án mới có tên "Sui gia đại chiến", cũng xoay quanh cuộc sống của những người dân miền Tây. Những câu chuyện được chọn lựa đa phần đều là đời thường, gần gũi cuộc sống nên khán giả ở quê xem rất thích. Tôi thấy những phim về nông thôn nhưng làm theo cách mới như "Cô gái nhà người ta", không quá đặt nặng câu chuyện theo hướng chính luận mà thay vào đó là sự gần gũi từ nội dung đến lời thoại vẫn tạo được sức hút. Ở miền Nam khi xem những bối cảnh sinh hoạt ở nông thôn miền Bắc thể hiện trên phim vẫn khiến tôi thấy lạ và thích" - biên kịch Kim Ngọc bày tỏ.
Nông thôn hiện đại nhiều chất liệu
Các nhà chuyên môn cho rằng kịch bản cho phim đề tài nông thôn khó nhất là phần lời thoại, vì phải giữ nét quê vừa phải cập nhật xu hướng hiện đại cùng cách xây dựng câu chuyện sao cho gần gũi với cuộc sống nông thôn mới ngày nay. Thế giới phẳng, người nông thôn, nhất là giới trẻ, cũng cập nhật công nghệ, hiểu rõ xu hướng thời trang, tư duy hiện đại... Chính đó là chất liệu. Về phần bối cảnh, những phim về nông thôn xưa mới gặp nhiều khó khăn vì phải phục dựng, tìm kiếm những cánh đồng không dây điện nhưng còn nông thôn hiện đại phần này không khó bởi tất cả cũng bê-tông hóa ít nhiều. "Điều đáng quan tâm là đề tài, xu hướng nào cũng thế, nếu không có sự sáng tạo thì rất khó duy trì theo thời gian" - biên kịch Kim Ngọc nói.
Bình luận (0)