Với đạo cụ được quy định là con heo, nhân vật được quy định tên Hoàng Anh, nghề nghiệp là nhà sưu tập và dòng thoại buộc phải có: "(Anh/chị/em/tao/tôi…) không muốn nghe những lời bảo chữa của (anh/chị/em/tao/tôi…)", các đội bắt đầu cuộc thi từ ngày 23-8 và nộp sản phẩm ngày 25-8.
Trong số hơn 30 phim được đề cử, 9 phim lọt vào hạng mục "Phim ngắn 48 giờ" xuất sắc nhất Việt Nam mùa 2019 với tổng giá trị giải thưởng tiền mặt và hiện vật lên đến hơn 200 triệu đồng.
Sau hơn 2 tháng chấm giải, ban giám khảo đã chọn "Bi, không sợ nữa" là quán quân cuộc thi năm nay. Nhóm FGS của "Bi, không sợ nữa!" từng 4 năm liền tham gia cuộc thi này và 2 lần đoạt giải thưởng cao nhất.
Dàn giám khảo của cuộc thi
Thành viên nhóm FGS vui mừng với giải cao nhất
"Bi, không sợ nữa!" là câu chuyện ngắn gọn, súc tích kể về một cậu bé tò mò với phim người lớn, cố tìm cách tìm hiểu. May thay, cậu bé được người tốt định hướng, giúp hiểu được những việc cần biết phù hợp với lứa tuổi. Bộ phim mang tính giáo dục, thông điệp rõ ràng. Đây cũng chính là bộ phim được khán giả bình chọn nhiều khi công chiếu tại rạp.
Hai giải thưởng hạng nhì và ba lần lượt thuộc về: phim "Đông" của nhóm Coda, phim "Đồng vị" của nhóm Viseur. Một số hạng mục khác: Đạo diễn xuất sắc thuộc về phim "Đông", nhóm Coda; Quay phim xuất sắc thuộc về "Đồng vị" của Viseur; Kịch bản xuất sắc thuộc về "Bi, không sợ nữa!"...
Nhóm Coda đoạt giải nhì và tuyên bố đây là mùa cuối họ tham gia, sẽ dành mọi tâm lực cho dự án phim dài đầu tay
Ban tổ chức hy vọng "Bi, không sợ nữa!" sẽ được chọn là 1 trong 15 đại diện của "48 giờ" quốc tế có mặt tại Liên hoan phim Cannes 2020.
Lễ trao giải năm nay đánh dấu 10 năm "Dự án làm phim 48 giờ" có mặt tại Việt Nam. Nó cũng là lời chia tay của nhà sản xuất Ross Stewart – người đồng hành và tổ chức sự kiện này trong 10 năm qua. Sắp tới, một nhà sản xuất khác thay Ross Stewart cầm trịch dự án này.
Ross Stewart
"10 năm qua, chúng tôi chứng kiến rất nhiều nhà làm phim tham gia dự án trong các năm trước, đã phát triển và bước thêm những bước đi lớn trong sự nghiệp của họ. Đạo diễn Luk Vân, Đạo diễn/Biên kịch Lê Bình Giang, Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng, Đạo diễn Tô Gia Tuấn và gần đây nhất là Đạo diễn Trần Hữu Tấn, Đạo diễn Chung Chí Công và một số thành viên trong ê-kip đến từ bộ phim "Trời sáng rồi, Ta ngủ đi thôi".
Tôi luôn cố gắng duy trì "Dự án Làm phim 48 giờ" theo một định hướng trong sạch, thuần điện ảnh để tập hợp những cá nhân/đội nhóm có cùng chí hướng, tạo ra một cơ hội để giúp họ thử thách chính bản thân dưới áp lực của thời gian. Nhưng tôi kì vọng sẽ được thấy sự phát triển thêm, những bước tiến xa hơn từ các đội dự thi, sau khi đã tham gia các cuộc thi và sân chơi như thế này, cũng như sự nghiêm túc trong việc theo đuổi đam mê điện ảnh của các bạn... Sự rời đi của tôi sẽ không gây ra nhiều thay đổi gì vì tôi hi vọng sẽ được tiếp tục đóng góp 1 phần công sức nhỏ nhoi của mình cho các bạn trong tương lai" - Ross Stewart tâm sự.
Khoảnh khắc khi được công bố chiến thắng các hạng mục đêm trao giải
Giám khảo hào hứng
Trấn Thành đưa vợ đến hỗ trợ em rể - người thay Ross Stewart sản xuất "Dự án làm phim 48 giờ"
Ông hé lộ sẽ tiếp tục phát triển "Dự án làm phim 48 giờ" tầm Châu Á và mong muốn có thể tổ chức được một vòng chung kết riêng cho khu vực Châu Á trước khi đến với quốc tế.
Dự án "Làm phim 48 giờ" là một "cuối tuần không ngủ" thú vị khi các đội phải làm tất cả mọi công đoạn như viết kịch bản, quay phim, hậu kì chỉ trong 48 giờ. Vào ngày thứ 6, các đội bốc thăm thể loại phim từ một hộp kín. Các đội được giao cho một nhân vật, đạo cụ và dòng thoại để đưa vào phim của mình. Vào tối Chủ nhật, các đội nộp phim và tham gia một buổi tiệc để chúc mừng. Sau đó, các bộ phim được trình chiếu tại rạp dành cho các nhà làm phim, bạn bè, người thân và công chúng.
48 giờ đặt một giới hạn thử thách dành cho các nhà làm phim – phát huy sự sáng tạo và tinh thần làm việc nhóm. Với thời gian bị giới hạn, dự án cũng nhấn mạnh vào việc thúc đẩy các bạn trẻ thực hiện đam mê của mình thay vì chỉ nói về chúng. Cho đến nay, đã có 30,000 phim ngắn được ra đời và "Dự án làm phim 48 giờ" đã trở thành cầu nối cho các nhà làm phim trên khắp thế giới.
Bình luận (0)