Loạt "Phim ngắn cuối tuần" do đạo diễn Nguyễn Phương Điền thực hiện (phát sóng lúc 19 giờ 50 phút chủ nhật mỗi tuần trên THVL1) liên tục vào tốp 10 chương trình truyền hình được xem nhiều nhất các tuần qua cho thấy phản ứng tích cực từ khán giả.
“Phim ngắn cuối tuần” đang thu hút sự chú ý của khán giả. (Ảnh từ Facebook của đạo diễn Nguyễn Phương Điền)
Thông điệp nhân văn
Trước đó, một số loạt phim thời lượng ngắn thể loại khác như "Xin chào hạnh phúc", "Những ngày không quên"… cũng tạo được dấu ấn riêng. Nó cho thấy tiềm năng lớn từ phim ngắn trên truyền hình và xu hướng làm phim không tập trung quá nhiều vào những câu chuyện kéo dài thời lượng phát sóng.
"Phim ngắn cuối tuần" có khoảng 52 tập, mỗi tập là một câu chuyện phản ánh chân thật cuộc sống với góc nhìn nhân văn. Mỗi câu chuyện với chủ đề phong phú như tình cảm gia đình, tình người, tệ nạn xã hội, chuyện xóm làng... truyền cảm hứng qua các tập: "Máu đào", "Gia tài của ba", "Mẹ già", "Chiếc điện thoại", "Mẹ anh mẹ em", "Chị Hai", "Gã hoàn lương"…
Trong mỗi câu chuyện đều lồng ghép thông điệp nhân văn, hướng con người đến sự thiện lương. Hiện phim đã phát sóng 14 tập và nhận được các ý kiến bình luận tích cực của khán giả. Họ đưa ra những lời ngợi khen: "Câu chuyện trong phim thực tế, ý nghĩa", "Phim rất hay, tính nhân văn ở mỗi phim đều làm người xem xúc động. Diễn viên đóng rất đạt!", "Mỗi phim là một bài học, tôi rất thích theo dõi những phim ngắn như thế này"…
Một số phim ngắn truyền hình đáng chú ý gần đây có thể kể như "Xin chào hạnh phúc" - phát sóng trên VTV3, do Vietcomfilm phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện. Nội dung phim chọn lọc từ những chất liệu gần gũi trong cuộc sống, truyền tải thông điệp nhân văn; giúp khán giả nhận ra nhiều bài học bằng góc nhìn chân thật về cuộc sống xung quanh.
Phim ngắn "Những ngày không quên" được sản xuất với chủ đề mang tính chất tuyên truyền phòng chống đại dịch Covid-19 năm 2020 cũng mang đến sự thú vị cho khán giả khi tái hiện đời sống của 2 không gian điển hình là thành phố và nông thôn khi dịch bệnh ập đến.
Phim là phiên bản đặc biệt cho sự kết hợp của 2 bộ phim "Về nhà đi con" và "Cô gái nhà người ta". Với thời lượng hơn 25 phút/tập, phim là một câu chuyện xuyên suốt kéo dài 50 tập, khác hoàn toàn với 2 loạt phim ngắn trên.
Truyền hình Việt đã có không ít phim thuộc thể loại "sit-com" (hài tình huống), thời lượng mỗi tập khoảng 20 - 30 phút nhưng chủ yếu tập trung vào các tình huống hài hước, truyền tải cảm xúc cho khán giả. Trước đây, phim "sit-com" từng nở rộ khắp các đài truyền hình với số lượng sản xuất lớn nhưng rồi không giữ được chất lượng dẫn đến sụt giảm mạnh so với các nhánh khác của phim ngắn truyền hình.
Xu hướng của thời đại
Theo nhà báo Cát Vũ, phim ngắn truyền hình trước đây đã có nhưng không được để ý nhiều. Có thể do nội dung các phim trước đó chưa tạo được sức hút với khán giả. So với nhiều thể loại, phim ngắn có lợi thế như sản xuất nhanh, kinh phí không cao, khán giả dễ xem, dễ cảm được thông điệp truyền tải.
Tuy nhiên, để làm tốt thể loại này không dễ dàng như lợi thế vốn có. Nó đòi hỏi một câu chuyện giản dị, dễ hiểu nhưng cũng phải đong đầy cảm xúc. Đạo diễn - NSƯT Nguyễn Phương Điền cho biết: "Phim chỉ có 15 phút nên đòi hỏi phải súc tích, cô đọng, có ý nghĩa, bảo đảm phát huy hài hòa giữa nội dung câu chuyện, diễn xuất, bối cảnh, âm nhạc. Phải làm sao để chỉ trong chừng đó thời gian diễn tả trọn vẹn câu chuyện và chạm được trái tim khán giả, để họ cảm xúc theo nhân vật. Đây không phải việc dễ dàng mà đòi hỏi sự cân đong đo đếm vừa đủ, không quá dư, không quá thiếu".
Đạo diễn Nguyễn Phương Điền nói thêm là phim ngắn nhưng quy trình sản xuất, chất lượng đầu tư cũng giống như sản xuất phim dài; phim dài mỗi tập nhiều phân đoạn nên chi phí khá cao, ngược lại phim ngắn chỉ khoảng vài phân đoạn cho 1 tập nên ít chi phí. Những thông điệp nhân văn truyền tải trong phim cũng phải xử lý tự nhiên, tránh giáo điều, áp đặt dẫn đến gượng ép để tập phim vừa mang đến bài học vừa có tính giải trí, thu hút khán giả.
"Phim ngắn truyền hình phát triển là xu hướng chung bởi khi thấy đài này thành công thì những đài khác cũng sẽ bắt chước làm theo. Hơn nữa, phim ngắn sản xuất không cần quá nhiều chi phí, thời gian quay, dựng cũng nhanh. Tuy nhiên, thể loại này đòi hỏi phải có những biên kịch sâu sắc để tạo ra kịch bản hay, không nhàm chán, chất lượng vẫn là yếu tố quan trọng để xác định xu hướng có đi đường dài được hay không" - nhà báo Cát Vũ cho biết.
Biên kịch Đông Hoa bổ sung: Phim ngắn truyền hình hiện rất tiềm năng, do có khá nhiều phim truyền hình dài tập khiến khán giả ngán ngẩm vì tình tiết kéo dài, bi kịch hóa câu chuyện phim.
Mặt khác, xu hướng của thời đại cũng dần ảnh hưởng đến khán giả, họ muốn thưởng thức những gì giản dị, nhanh gọn nhưng vẫn có ý nghĩa, giá trị nhân văn, hướng đến chân - thiện - mỹ.
Bình luận (0)