Ngày 23-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu (ĐB) thảo luận tại tổ về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Góp ý tại tổ về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), ĐB Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) đánh giá ngoài việc thể hiện góc nhìn toàn diện về ngành điện ảnh, dự thảo luật đã bổ sung, nhấn mạnh, tôn trọng quyền lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động điện ảnh. Dự thảo luật đã thiết kế để khuyến khích, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào hoạt động điện ảnh.
ĐB Trần Văn Khải lưu ý, việc thiết kế hành lang pháp lý đảm bảo chặt chẽ, phục vụ công tác quản lý nhưng phải hỗ trợ được hoạt động nghệ thuật, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, ảnh hưởng không nhỏ đến nền điện ảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
ĐB Quốc hội Trần Văn Khải cho rằng, có khoảng trống pháp lý trong việc phổ biến phim trên không gian mạng
Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm tại buổi thảo luận tổ việc phổ biến phim trên không gian mạng. Theo ĐB Trần Văn Khải, hiện nay có các hình thức phổ biến phim gồm phổ biến phim tại hệ thống rạp chiếu phim, phổ biến phim trên truyền hình và phổ biến phim trên không gian mạng. Trong đó, phổ biến phim trên không gian mạng đang có khoảng trống pháp lý. Vì vậy, dự thảo luật quy định việc phổ biến phim trên không gian mạng là rất cần thiết.
"Dự thảo luật đưa ra 2 phương án, nhưng tôi ủng hộ phương án quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim"- ĐB Khải nêu quan điểm.
Vị đại biểu đoàn Hà Nam cho rằng, cơ quan quản lý cần xây dựng bộ tiêu chí hoàn chỉnh, chi tiết, để cá nhân, tổ chức tham gia cung cấp, phổ biến phim dựa vào đó để phân loại phim. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm với tổ chức, cá nhân về việc này.
Trong điều kiện hiện nay, với sự phát triển của các nền tảng trực tuyến, các phương thức phát hành phim rất đa dạng, nếu cơ quan quản lý tiến hành kiểm duyệt từng bộ phim trước khi phổ biến thì sẽ "làm không xuể", bởi khối lượng phim trên không gian mạng là rất lớn.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn TP Cần Thơ) cũng ủng hộ phương án để tổ chức, cá nhân tự phân loại, tự chịu trách nhiệm theo quy định khi phổ biến phim trên không gian mạng. Ông Hùng cho rằng, trên không gian mạng sẽ đặt ra những vấn đề khó kiểm soát nội dung phim ở một số trường hợp như máy chủ không đặt ở Việt Nam.
ĐB Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)
Vị đại biểu nhắc đến việc các nhà làm phim, các tổ chức, cá nhân sản xuất phim và phổ biến trên không gian mạng mang về nguồn thu rất lớn. Chính vì vậy, công tác kiểm tra, rà soát và đưa vào khuôn khổ quản lý là phù hợp.
Quan tâm đến các quy định về trường quay trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), ĐB Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng, ở nhiều nước trên thế giới, trường quay ngoài chức năng sản xuất phim, đó có thể là một tổ hợp dịch vụ, du lịch mang lại lợi nhuận rất lớn.
Theo ông Long, trường quay có thể thu hút các nguồn lực đầu tư của xã hội. Chính vì vậy, cần có các chính sách để thu hút đầu tư cho trường quay. "Tư nhân có thể đầu tư được trường quay, không nhất thiết là Nhà nước"- ĐB Nguyễn Công Long đề xuất.
Ở góc nhìn tổng quát, ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, dự thảo luật cần hướng đến chiều sâu để xây dựng một nền công nghiệp điện ảnh có chất lượng, có hiệu quả, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội.
Dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim.
Theo đó nhà phát hành, phổ biến phim thực hiện theo các quy định về nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh (Điều 10) và phân loại phim (Điều 33) để tự phân loại và hiển thị kết quả phân loại, cảnh báo cần thiết về nội dung phim cho người xem. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xử lý việc tự phân loại phim phổ biến trên không gian mạng theo quy định của pháp luật. Đây được xem là cách tiếp cận mới và linh hoạt trong bối cảnh phát triển không ngừng của dịch vụ phát hành, phổ biến phim trực tuyến, giúp giảm thiểu gánh nặng về chi phí và nhân sự cho các nhà quản lý điện ảnh, tăng cường hội nhập quốc tế, tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tuy nhiên, để thực hiện phương án này, cần xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh (sửa đổi), các quy định về tiêu chí, nội dung phân loại cần hết sức cụ thể. Bên cạnh đó cần xây dựng bộ máy kiểm tra, kiểm soát, hệ thống phản hồi cùng lực lượng thanh tra hoạt động thường xuyên, liên tục để giám sát và xử lý kịp thời những vi phạm.
Thẩm tra về dự thảo luật, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, đa số ý kiến thành viên ủy ban cho rằng, cần kết hợp việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim tự phân loại phim với việc cấp phép phân loại, trong đó chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự phân loại phim. Nghiên cứu cấp phép phân loại đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong điều kiện có thể cấp phép phân loại được.
Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, minh bạch để các cơ sở sản xuất, phát hành, phổ biến phim có căn cứ tự kiểm duyệt và phân loại phim; quy định trách nhiệm của đơn vị phát hành, phổ biến phim trong việc cung cấp công cụ đo lường, kiểm duyệt tự động; hiển thị cảnh báo cho người xem, gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu, cung cấp công cụ để người xem phản ánh nội dung vi phạm; Quy định cụ thể các hành vi vi phạm để có căn cứ xử lý; tăng cường năng lực quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm tra, giám sát; nghiên cứu cơ chế huy động các tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, kiểm soát phổ biến phim.
Bình luận (0)