"Quẫn" lấy chủ đề từ câu chuyện công tư hợp doanh của nhà nước Việt Nam, thời kỳ đầu xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, sau hòa bình lập lại năm 1954. Câu chuyện kịch đề cập đến ứng xử của những nhà tư sản hồi đó, luôn canh cánh nỗi lo bị mất của, trong việc đối phó với chính sách "công tư hợp doanh" của nhà nước nên đã tìm đủ cách để giấu vàng, đến mức bị… quẫn trí. "Quẫn" đến thế nào, số phận tư sản, con cái và của cải của họ sẽ ra sao... chính là lời giải thật hài hước, mà nhà viết kịch lão luyện Lộng Chương đã đưa ra thật tinh tế, nhuần nhị từ kịch bản hài thật xuất sắc này…
Từng thành công với 2.000 đêm diễn
Tiếng cười hài hước từ kịch bản "Quẫn" đã được cất lên vô cùng sảng khoái, hấp dẫn qua ngôn ngữ dàn dựng vở "Quẫn" độc đáo của đạo diễn Trần Hoạt cho Nhà hát Kịch Việt Nam. Năm 1960, vở "Quẫn" đã công diễn thành công 2.000 đêm trên sân khấu thủ đô Hà Nội. Người xem Hà thành được cười no nê, thỏa thích trước thông điệp hài hước của vở diễn, thông qua những cảnh diễn thông tuệ, những xử lý tình huống rất hề chèo của đạo diễn, dù diễn viên đang sắm những vai kịch tư sản đầy mưu mô, cũng đầy lo âu sợ hãi, trong việc cuống cuồng cất giấu của cải, tiền bạc. Đạo diễn Trần Hoạt đã phả vào kịch bản độc đáo, vốn đã được Lộng Chương khéo lồng ghép cái bi kịch trong cái hài, theo kiểu dân gian Việt từng ghép đôi quan hệ tiếng cười - tiếng khóc, trong cả cuộc đời lẫn trên sân khấu truyền thống: "Khóc lên tiếng cười" và "Cười ra nước mắt". Dàn diễn viên tài năng của Nhà hát Kịch Việt Nam thời đó: Song Kim, Trần Tiến, Chu Xuân Hoan, Thu Hà… đã diễn xuất nhân vật hài rất linh hoạt, uyển chuyển, dưới sự dàn cảnh tài hoa của đạo diễn Trần Hoạt. "Quẫn" thành công lớn, thể hiện rất mạnh "tư duy đạo diễn mảng miếng", mang phong cách bậc thầy của NSND Trần Hoạt về hài kịch hiện đại, trong hình thái dân gian sống động của hề chèo.
Cảnh trong vở "Quẫn" của đạo diễn Trần Lực
"Quẫn" qua sáng tạo của Trần Lực
Dựng "Quẫn" sau bậc thầy Trần Hoạt gần 60 năm, Trần Lực là đạo diễn sinh sau đẻ muộn, phải đối đầu với thách thức: làm sao dựng mới và khác bậc cha chú Trần Hoạt? Cách dựng lại phải tân kỳ với người xem thủ đô thế kỷ XXI, đã lâu chẳng mấy mặn mà xem kịch, từ chính kịch đến bi kịch, nhất là hài kịch. Sân khấu kịch ở thủ đô đã bỏ lại sau lưng thời hoàng kim, từ những năm 1980, 1990 và đang lâm cảnh đứt mạch kịch trường hằng đêm và khủng hoảng người xem.
Dựng "Quẫn" trong sự ngặt nghèo ấy, quả là thách thức sinh tử về nghề đạo diễn. Nhất là với Trần Lực, từ lâu đã rẽ sang hoạt động điện ảnh và truyền hình, dù đã học nghề đạo diễn kịch, bài bản và hệ thống, ở ĐH Sân khấu Bulgaria. Tuy thành công trên điện ảnh và truyền hình, Trần Lực vẫn chưa thỏa chí tang bồng về nghề đạo diễn kịch, dường như đã có từ trong huyết thống. Cha anh là NSND Trần Bảng (sinh năm Bính Dần 1926, con trai Trần Tiêu, nhà văn hiện thực giai đoạn 1932-1945, đỗ tú tài Tây, song quyết ném cả đời mình vào nghề đạo diễn sân khấu chèo). Trần Bảng là đạo diễn xuất sắc hàng đầu trong công cuộc bảo tồn và phát huy sân khấu chèo, đã từng suy ngẫm đến nửa thế kỷ để thử nghiệm 3 lần thay đổi mô hình thẩm mỹ, dàn dựng thành công vở chèo cổ "Quan Âm Thị Kính", mang vẻ đẹp hiện đại, lặn sâu trong nhan sắc rực rỡ, cổ điển của chèo truyền thống.
Có lẽ Trần Lực đã đi theo chí hướng nghề nghiệp ấy của người cha đạo diễn. Và có lẽ Trần Lực còn muốn theo chỉ dẫn tâm huyết của chính Lộng Chương, khi viết kịch bản "Quẫn", đã tự hỏi: Làm sao cho kịch nói Việt Nam có sắc thái Việt Nam? Trần Lực cũng biết cả kịch tác gia Lộng Chương và đạo diễn Trần Hoạt dựng "Quẫn" đều thành công, vì đã nghĩ và tìm đến nghệ thuật chèo. Cũng quyết tìm đến chèo, song Trần Lực đã tìm cách xử lý vở diễn rất riêng và độc đáo: dựng "Quẫn" nhất quán theo phương pháp ước lệ của chèo, trong cách gây cười thâm sâu mà ngọt ngào, kiểu hề chèo truyền thống, khi xử lý khôn ngoan một vở hài kịch viết theo kiểu Tây.
Ấn tượng mạnh nhất về đạo diễn của Trần Lực là đã xử lý không gian vở diễn theo cách tối giản của chèo nhằm tô đậm rực rỡ nghệ thuật diễn xuất của diễn viên. Sàn diễn được tước bỏ hoàn toàn sự tả thực, hầu như để trống. Chỉ có chiếc hòm gỗ giấu đầy vàng, đặt ngay ở vị trí trung tâm. Mọi điều đáng cười mang tính hài kịch đều được diễn ra trên/dưới/xung quanh chiếc hòm mấu chốt đó. Không gian, thời gian vở diễn được biến ảo theo diễn xuất nhân vật của diễn viên. Theo sát cung cách ước lệ của chèo, các nhân vật đối thoại thuận theo ngữ điệu trầm bổng như hát. Các động tác tả thực của nhân vật hài kịch kiểu Tây đều được nâng lên vũ đạo kiểu chèo. Những màn trình diễn thăng hoa hình thể, tựa như múa và sự trau chuốt đài từ sân khấu, tựa như hát ấy, lại được hiện hữu trên nền tân nhạc của bài hát "Tăng gia sản xuất" cứ lặp đi lặp lại, biến tấu linh hoạt theo kịch tính từng cảnh kịch, đã khiến nữ diễn viên trẻ sắm vai bà cụ Đại Lợi bay bổng về tạo hình, gây những đợt sóng cười không dứt từ khán giả. Vai Đại Cát do Mạnh Đạt, diễn viên trẻ thủ vai rất thành công, bởi sức biến hóa sinh động của một kép chèo nhưng cách cấu tạo nhân vật lại hiện đại, với hát, múa tinh vi. NSND Lê Khanh của Nhà hát Tuổi Trẻ, mê "Quẫn" của Trần Lực đến mức được Lực mời vào vai bà Đại Cát, diễn nhẹ cứ như không, hòa đồng nhịp nhàng với cả dàn diễn viên trẻ, vừa tốt nghiệp Khoa Diễn viên Trường ĐH Sân khấu, Điện ảnh Hà Nội…
Phong cách ước lệ chiết xuất từ chèo truyền thống Việt kết hợp hữu duyên với hài kịch Tây của đạo diễn Trần Lực, đã tạo nên một cấu trúc vở diễn nhất quán, từ xử lý không gian, thời gian sân khấu đến xử lý âm nhạc (tân nhạc Việt kết hợp với nhạc hiện đại nước ngoài), trên nền chuyển động rầm rập của những bước chân dàn đế, đã tạo âm nhạc nền vững vàng cho diễn xuất ước lệ của diễn viên và bất ngờ gây những hiệu ứng tân kỳ cho cái xem của khán giả.
Có thể nói đây là một vở hài kịch Việt hoàn hảo. Với "Quẫn", khán giả vừa có cái để xem, để nghe, để cười và khi ra về, có cái để nghĩ. Như thế, vở "Quẫn" đã mặc nhiên mang rất đậm dấu ấn Trần Lực và xứng đáng được gọi là "vở diễn của đạo diễn". Kiểu thành công ngoạn mục này có thể đã khiến sân khấu hài kịch Việt có sinh khí để đi tìm người xem đã mất và đủ sức cưỡng lại kịch hài nhảm đang gia tăng trên sân khấu sàn diễn, đặc biệt là trên sân khấu truyền hình hôm nay. Đơn giản, vì cái hài nhảm ấy không phải là hài kịch đúng nghĩa tử tế của sân khấu Việt hiện đại thế kỷ này!
Dung dáng riêng
"Quẫn" là kịch bản hàng đầu trong sự nghiệp của nhà viết kịch Lộng Chương, với thành công đặc biệt về hài kịch, một loại văn bản kịch mà người Việt chỉ được tiếp xúc bằng cách đọc trên báo chí Việt những năm 1920 (khi hài kịch Molière lần đầu được dịch, đăng lần lượt 3 kịch bản trên Đông Dương tạp chí). Đến thời Lộng Chương, kịch Việt đã có dung dáng riêng về hài kịch, mang đậm bản sắc Việt hiện đại, dù được viết theo thể thức hài kịch Pháp.
Bình luận (0)