Viện Nghiên cứu trang phục Việt vừa ra mắt vào tối 14-10 tại Bảo tàng TP HCM với bộ sưu tập trang phục áo dài sắc Lemur của nhà thiết kế Sĩ Hoàng - đúng lúc công luận đang "nóng" chuyện cô ca sĩ người Mỹ Kacey Musgraves mặc áo dài Việt trình diễn không có quần dài - càng thu hút sự quan tâm của người trong giới và công luận.
Áo dài rất thiêng liêng với người Việt
Với mục tiêu tôn vinh giá trị truyền thống và tinh hoa trang phục Việt, hướng đi của Viện Nghiên cứu trang phục Việt là tìm hiểu về văn hóa trang phục của cộng đồng 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó đặc biệt quan tâm đến trang phục áo dài.
Buổi ra mắt áo dài phong cách Lemur của Viện Nghiên cứu trang phục Việt
Đối với người Việt, áo dài như là "quốc phục", mang ý nghĩa thiêng liêng. Vì thế, khi giọng ca Mỹ Kacey Musgraves chọn chiếc áo dài truyền thống Việt Nam để diện trong buổi trình diễn tại Dallas (bang Texas - Mỹ) hôm 11-10 mà không mặc quần dài, công chúng Việt phản ứng gay gắt. Hầu hết đều cảm thấy áo dài truyền thống của người Việt bị xúc phạm và văn hóa Việt bị bôi nhọ.
Nhà thiết kế thời trang - Hoa hậu Ngọc Hân khẳng định: "Bất kỳ dân tộc nào cũng có lòng tự tôn. Khi ai đó đụng chạm, làm sai văn hóa của đất nước đó, người dân của họ sẽ phản ứng".
Không riêng gì Kacey Musgraves mặc áo dài Việt không có quần dài, rapper 25 tuổi Saweetie trước đó cũng diện áo dài không kèm quần, lộ vòng ba phản cảm trình diễn trên thảm đỏ tại lễ trao giải Billboard Music Awards 2019, diễn ra ở Las Vegas - Mỹ vào tối 1-5 (giờ địa phương), thu hút nhiều ngôi sao Hollywood tham dự.
Hiện nay, "làn sóng châu Á" đang chi phối mạnh mẽ xu hướng thẩm mỹ ở phương Tây, đặc biệt là thời trang. Việc áo dài Việt Nam nằm trong sự lựa chọn của nhiều ngôi sao Hollywood trong những sự kiện lớn không phải hiếm gặp. Thay vì chọn trang phục nguyên bản, những cô nàng Tây nóng bỏng này đã chọn áo dài Việt Nam nhưng không kèm quần để "thêm phần gợi cảm" mà không biết áo dài Việt gợi cảm ở sự e ấp, kín đáo.
Nhà thiết kế áo dài Sĩ Hoàng bày tỏ suy nghĩ nên nhìn nhận việc cô ca sĩ người Mỹ mặc áo dài theo hướng tích cực hơn. Nghĩa là có rất nhiều trang phục nhưng cô ấy chọn áo dài. Điều đó chứng tỏ cô ấy bị thu hút và yêu thích áo dài. Trong khi trên thế giới, các nhà thiết kế phải trả tiền để các nghệ sĩ mặc trang phục của họ. Cho nên, thay vì "ném đá", tẩy chay cô ấy, tại sao chúng ta không góp ý chân thành? "Nếu được, tôi sẵn sàng tặng cô ấy một bộ áo dài đẹp để cô ấy hiểu hơn về trang phục truyền thống của Việt Nam. Biết đâu, khi mình góp ý nhẹ nhàng, mang tính xây dựng, cô ấy càng có thiện cảm với áo dài và giúp giới thiệu hình ảnh trang phục truyền thống Việt ra thế giới?" - nhà thiết kế Sĩ Hoàng nói.
Nên công nhận áo dài là quốc phục
Vấn đề đang được đặt ra là văn hóa áo dài - trang phục được xem là "quốc phục" này đã được quảng bá đến đâu, mọi người kể cả giới trẻ người Việt hiểu được những gì về văn hóa áo dài để tránh xảy ra những sáng tạo phản cảm tương tự?
Sự kiện ra mắt "Áo dài sắc Lemur" của Viện Nghiên cứu trang phục Việt, giới thiệu với công chúng những mẫu thiết kế vừa có giá trị kế thừa bậc tiền bối Nguyễn Cát Tường (nhà thiết kế lừng danh ở nửa đầu thế kỷ XX) vừa phản ánh rất rõ quá trình không ngừng tìm kiếm sự canh tân của nhiều thế hệ đối với trang phục áo dài truyền thống. Mong muốn bảo tồn, quảng bá vẻ đẹp trang phục có bề dày hơn 300 năm lịch sử của người Việt, nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã dày công xây dựng nên Bảo tàng Áo dài, trưng bày những câu chuyện về lịch sử chiếc áo dài Việt Nam, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật với cảm hứng sáng tạo từ áo dài.
Đến nay, Lễ hội Áo dài TP HCM được tổ chức năm thứ 6, với sự hưởng ứng nhiệt tình của người trong giới và đông đảo công chúng, không chỉ trong nước mà còn lan tỏa đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài, thành nét văn hóa đặc trưng của người Việt.
Bà Huỳnh Ngọc Vân - người phụ trách Bảo tàng Áo dài - cho rằng: "Sự ra mắt của Bảo tàng Áo dài, Lễ hội Áo dài được quảng bá rất tốt khi hoạt động trình diễn áo dài diễn ra khắp mọi nơi. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Nhà nước vẫn chưa quyết liệt trong quảng bá văn hóa áo dài như việc có văn bản pháp lý công nhận áo dài là quốc phục (khẳng định áo dài là sở hữu của Việt Nam). Những kêu gọi mặc áo dài truyền thống vẫn chưa đủ mạnh để lấn át áo dài cách tân quá độ như gần đây. Chúng ta cũng chưa có quy định cụ thể về thiết kế áo dài, sáng tạo đến đâu thì không được coi là áo dài quốc phục nữa".
Mỗi người Việt phải là một đại sứ áo dài
Khi xem trang phục áo dài là quốc phục, là văn hóa trang trọng thì mỗi người dân đều phải là một đại sứ quảng bá cho áo dài truyền thống. Trên thực tế, không ít nghệ sĩ Việt từng không tôn trọng văn hóa áo dài khi có những sáng tạo quá táo bạo đến mức phản cảm trên chiếc áo mà họ vẫn xem là quốc phục. Có người mặc áo dài với quần soóc, áo dài với quần legging da, xắn cao ống quần hoặc buộc tà áo, tạo dáng không phù hợp... Nhiều ý kiến cho rằng ý thức giữ gìn văn hóa áo dài truyền thống của người Việt còn chưa tốt sao lại chỉ trích người nước ngoài?
Trong hành trình quảng bá và giữ gìn giá trị áo dài, cần những người am hiểu áo dài trở thành đại sứ của áo dài, đặc biệt là nghệ sĩ, lúc đó văn hóa áo dài mới có đời sống đẹp và lan tỏa rộng khắp.
Bình luận (0)