Có lần tôi đến phòng tranh của họa sĩ Hồ Hữu Thủ, câu chuyện của chúng tôi là tranh. Nhưng họa sĩ Hồ Hữu Thủ lại đột ngột nói sang chuyện người, những người yêu tranh. Một trong những người đó là cố ca sĩ Quang Lý.
Cuộc đời sáng tác mấy chục năm của họa sĩ Hồ Hữu Thủ tiếp xúc với nhiều người yêu tranh, say mê tranh, mua tranh của ông, trong đó có nhiều người nước ngoài. Nhưng người để lại ấn tượng mạnh trong ông như ca sĩ Quang Lý không nhiều. Anh không lý luận cao siêu về hội họa, về các trường phái tranh như những người khác thường muốn thể hiện sự hiểu biết, mà chỉ rung động theo cảm xúc.
Điều đó, Hồ Hữu Thủ đọc được qua những lần nhìn Quang Lý ngắm tranh. Lúc đó, anh bất động trước tranh, nhập vào hồn tranh. Chất nghệ sĩ từ trong máu, chỉ cần đúng tâm trạng, đúng thẩm mỹ là cảm xúc trào dâng.
Sinh thời, một hôm ca sĩ Quang Lý gọi, mời tôi đến biệt thự của anh ở quận 7, TP HCM xem tranh. "Em đến nhé, tranh đẹp lắm!" - anh tha thiết nói qua điện thoại.
Tôi cứ tưởng anh chỉ có vài bức tranh dù tin chắc khi Quang Lý yêu thích thì tranh rất đẹp, có giá trị. Một nghệ sĩ như anh, những thứ nghệ thuật tầm thường khó lọt vào mắt. Bạn bè ai cũng biết anh rất khó tính trong nghề nghiệp, trong nghệ thuật. Biết là vậy nhưng tôi quá bất ngờ trước bộ sưu tập tranh của anh. Tranh được trình bày rất đẹp, từng chi tiết từ khung tranh, đèn tranh, giá tranh đều tinh tế, ấn tượng.
Xem cách trình bày phòng tranh của anh, chỉ còn phát biểu một câu: "Rất Quang Lý". Anh không thích sự cầu kỳ mà giản dị nhưng sang trọng, thẩm mỹ cao. Cũng như anh hát, không ồn ào la hét, không gập người quằn quại nhưng hồn vía trong từng tiếng cất lên mê mải. Vì không thích ồn ào nên không mấy ai biết ca sĩ Quang Lý sưu tập tranh với gần 60 bức.
Quang Lý dẫn tôi đi xem tranh và thong thả kể từng câu chuyện dễ thương về những người bạn họa sĩ, cái duyên nào đưa từng bức tranh đến với anh. Rồi anh dừng lại trước một bức tranh, ngắm say sưa như mới gặp lần đầu. Tranh treo trong nhà anh mà anh lại như người xa lạ mới đến ngắm. Tôi yên lặng cùng ngắm tranh với anh, săn tìm cảm xúc, rung động trước bức tranh và cố gắng không cắt cơn mê đắm của anh. Khi "tỉnh giấc", anh chỉ nói: "Hôm nay, mình thấy bức tranh này khác quá!". Hỏi vì sao bỗng dưng có ấn tượng mạnh về bức tranh này, Quang Lý chỉ cười. Đúng chất của con người anh, không nói gì nhiều, chỉ cười thôi, nụ cười thường trực.
Cả hai bố con Quang Lý đều yêu tranh. Cậu con trai Phan Hữu Duy rất mê tranh, có tranh ở đâu đẹp là hai bố con cùng đi xem. Duy tốt nghiệp thạc sĩ ngành tài chính ngân hàng ở Úc, về nước năm 2000, làm việc cho một ngân hàng nước ngoài ở TP HCM nên có điều kiện để phụ với bố mua tranh. Hai bố con có bao nhiêu tiền là dành cho tranh và rất vui khi sưu tầm được một bức tranh ưng ý. Việc tiếp theo là gọi điện mời bạn "đồng bệnh tương lân" (bệnh mê tranh) đến ngắm tranh. Những người yêu tranh cùng ngồi với nhau để thưởng thức một bức tranh thú vị vô cùng.
Nhớ hôm Phan Hữu Duy đưa tôi đi xem phòng tranh của họa sĩ Quan Tho ở Gò Vấp, tôi lại hiểu thêm nhiều về bạn mình. Chỉ mới nhắc tên, họa sĩ Quan Tho say sưa nói về Quang Lý, không nói chuyện ca hát của một nghệ sĩ quá nổi tiếng vì ai cũng biết, chỉ nói về tình yêu của Quang Lý dành cho tranh. Họa sĩ Quan Tho buồn bã: "Anh Quang Lý mất, tôi quá hụt hẫng vì mình mất đi một tri kỷ tranh".
Mỗi lần đến xem tranh, Quang Lý không bình cũng không hỏi, chỉ im lặng ngồi ngắm tranh. Họa sĩ Quan Tho biết ý, dành không gian yên lặng đó cho nghệ sĩ thưởng tranh. Theo anh, đó là một khung hình đẹp, để lại trong tâm trí anh về người bạn trân quý.
Một lần Quang Lý tâm sự rằng chung quanh cây đàn piano của anh luôn có tranh. Anh thích ngồi đàn trong không gian đó, mang đến cho anh cảm xúc và anh đã sáng tác được những ca khúc nhờ chìm đắm trong âm thanh tiếng đàn và màu sắc hội họa. Một trong những ca khúc của Quang Lý sáng tác được công chúng yêu thích là "Xin cảm ơn", xin trích một điệp khúc:
Ôi! mùa xuân, mùa xuân đang hé nở
Ôi! Tình em, tình em chắp cánh ta bay
Xin cám ơn hương đời, xin cám ơn tình em
Cho ta một bài ca
Họa sĩ Quan Tho kéo tôi và Phan Hữu Duy ra quán bia để kể những kỷ niệm về Quang Lý và Quan Tho. Khi ngồi vào bàn, Phan Hữu Duy kéo thêm một chiếc ghế, đặt lên một chiếc cốc và chai bia, nói: "Đây là ghế của bố cháu. Bố cháu đang ngồi uống bia để nghe hai chú trò chuyện". Phan Hữu Duy tự hứa trong lòng tiếp tục sưu tập tranh vì Duy yêu bố và yêu tranh. Mỗi lần sưu tập được một bức tranh là nhớ đến bố.
Cũng như bố anh, Phan Hữu Duy thành đạt nhưng khiêm tốn, nhẹ nhàng, lễ phép. "Cháu sưu tập đủ 100 bức thì sẽ tổ chức triển lãm tranh mang tên bố cháu" - anh chia sẻ.
Bình luận (0)