Tác giả Lê Hoàng từng nói: "Giáo dục không phải là huấn luyện; trường học không phải trại lính; sách giáo khoa không phải là khẩu hiệu; thầy cô không phải là thượng đế. Chừng nào giới trẻ còn không thích thú với việc học, không yêu thầy cô bằng trái tim thì giáo dục thất bại". Với sân khấu, cái cách anh lồng ghép những bài học giáo dục ý nghĩa vào tầng sâu cảm xúc thông qua các nhân vật đã giúp các nghệ sĩ tìm được sự đồng cảm, để từ đó cùng thăng hoa cảm xúc. Vở "Mưu bà Tú" ra đời từ những cảm xúc cháy bỏng đó.
Cảnh trong vở "Mưu bà Tú" trên Sân khấu IDECAF
Thú vị đầy bất ngờ là cảm giác lâng lâng khi xem vở kịch tưởng chỉ là hài hước, vui nhộn nhưng ẩn sau nó là số phận khắc nghiệt, nỗi khao khát được luận tội những gã đàn ông khoái của lạ. Bà Tú làm nghề "tú bà" - danh xưng từ tác phẩm "Truyện Kiều" của Nguyễn Du đi vào đời sống, hễ nói đến "tú bà" tức nghĩ ngay đến "lầu xanh".
Bà cũng là con người, có trái tim, khao khát được yêu bằng tình yêu đích thực. Mưu của bà chính là dồn đám đàn ông thích vùi hoa dập liễu phải nếm trải số phận "bán thân" như nàng Kiều trong tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du. Để rồi 3 nhân vật: Kim Bạc, Hải Hùng, Sở Ranh xuất hiện trong kịch khiến người xem liên tưởng đến: Kim Trọng, Từ Hải, Sở Khanh. Họ chính là tác nhân khiến khán giả cảm giác ran rát nỗi đau trong tiếng cười châm biếm chua cay của Lê Hoàng.
Đạo diễn Vũ Minh đã tạo thêm dấu ấn đẹp cho hành trang nghệ thuật của anh, biến văn phong hài hước, bay bổng, sinh động pha trộn với sự đanh đá - vốn tạo nên dấu ấn thú vị ở kịch bản Lê Hoàng - thành tác phẩm sân khấu với góc nhìn đúng mực về giáo dục tri thức, lòng tử tế.
"Đừng bán đời nhau, đừng hại nhau thay vì mang đến những điều tốt đẹp cho nhau" chính là thông điệp của vở diễn. Thông qua nhân vật bà Tú do NSƯT Thành Lộc hóa thân đầy thiện nghệ, tác giả và đạo diễn đã vẽ nên thế giới "Truyện Kiều" qua lăng kính mới mẻ, vừa gần gũi, nghịch ngợm, hồn nhiên vừa cho người xem khao khát những khám phá mới trong suy nghĩ của chính mình về hạnh phúc.
Bình luận (0)