Cây rau má thân thảo, bò lan, lá mọc từ cuống, hình tròn trông như những đồng tiền kim loại, mép khía tai bèo. Cây rau này dễ sống, lại sinh sản vô tính nên tốc độ sinh sôi rất mau, rau mọc nhiều ở nơi ẩm ướt hoặc bóng mát dưới tán cây. Quê tôi nhiều ruộng vườn, ao đìa, cây cối nên ở đâu cũng dễ dàng gặp rau má.
Rau má xuất hiện trong bữa ăn của người quê như một món ăn quen thuộc, hội đủ 3 yếu tố ngon, bổ, rẻ. À, không phải rẻ mà không tốn tiền, chỉ tốn ít công hái. Như nhà tôi hồi đó, rau má không phải ra chợ mua, mẹ đi làm đồng, thấy bên bờ ruộng có đám rau má, mẹ ngồi lại hái và chiều về sẽ có bát canh rau thơm ngọt. Những cô con gái của mẹ thấy đó mà làm theo, mỗi lần ra đồng cấy dặm hay qua sông chăn bò, hái đậu, hễ thấy rau má là hái mang về.
Rau má xuất hiện trong bữa ăn của người quê như một món ăn quen thuộc, hội đủ 3 yếu tố ngon, bổ, rẻ (Ảnh minh họa từ Internet)
Cơm nhà nghèo, mẹ thường nấu canh rau má. Ngon nhất là rau má nấu canh tôm. Những con tôm chín vàng lẫn trong những chiếc lá xanh tươi, đậm đặc làm giảm tính đắng và tăng tính ngọt mát cho rau. Nếu không có tôm thì có thể thay bằng thịt nạc. Nếu hôm nào ăn chay, mẹ sẽ nấu canh rau má với nấm, món này cũng rất ngon. Đặc biệt, những buổi trưa nồng nực nắng, tô canh rau má sẽ làm hạ nhiệt ngày hè nóng bức. Canh rau má thơm ngon, thanh đạm. Ngày làm dưới nắng mệt mỏi, cả nhà gần như lơ là với cơm nhưng canh rau má thì húp tới. Ba nói canh rau má đơn giản mà ngon, chỉ cần thấy là mát trong người.
Vâng, đúng là rau má rất mát. Hồi đó chưa có nhiều những thông tin về công dụng của các loại rau quả như bây giờ để tra cứu nhưng bằng kinh nghiệm dân gian, người nhà quê ai cũng biết rau má tính hàn, giúp thanh lọc cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa, bồi dưỡng thể lực. Để phát huy tối đa công dụng bổ ích của rau má, bữa cơm thường có món rau này để đổi vị đổi kiểu, có thể dùng rau má ăn sống, luộc hoặc xay nhuyễn uống nước.
Nước rau má là món giải nhiệt cực kỳ hiệu quả. Chỉ cần nước rau má, với đường và ít đá thì trưa hè sẽ bớt gắt gay. Hồi đó, nhà không có máy xay sinh tố, đường cát trắng tinh và những viên đá tinh khiết như bây giờ đâu. Rau má hái về rửa sạch bỏ vào cối giã, lược xác rồi thêm đường (đường đen nhà làm), thêm cục đá lạnh vậy là có một phích to thức uống thơm ngon, bổ dưỡng. Vì rau giã bằng tay nên nước có mùi ê nhưng không sao, vẫn ngon lành nhứt hạng, uống cành hông còn thèm.
Từ nhỏ, tôi đã thắc mắc cái tên "rau má", má ở đây có liên quan gì đến hình ảnh người mẹ tảo tần không? Sau này lớn lên, tôi tự lý giải tên gọi là võ đoán, không có căn cứ, không có lý do, đôi khi còn tùy tiện nên khó có thể lý giải. Chỉ biết rau má mọc trên mọi miền quê, mỗi khi nghe đến tên thì trong tim mỗi người lại hiện lên hình ảnh người mẹ tảo tần.
Bình luận (0)