Bộ đôi Robin Thicke và Pharrell Williams được nhận định là đã đạo ca khúc "Got to give it up" của Marvin Gaye cho ra bài hát đình đám năm 2013 là "Blurred Lines". Ca khúc này mang đến danh tiếng cùng lợi nhuận khổng lồ cho Robin Thicke, Pharrell Williams và nhiều nhà sản xuất khác.
Thông qua hình thức bỏ phiếu, tòa án đưa ra quyết định giữ nguyên mức bồi thường. Ngoài ra, các con của Marvin Gaye - những người thừa kế cố nhạc sĩ này, sẽ nhận được 50% tiền bản quyền trong tương lai của những ai sử dụng ca khúc "Blurred Lines". Những bị cáo khác cùng vụ việc là Hãng thu âm Interscope, Clifford Harris, Rapper T.I, không bị truy cứu trách nhiệm.
Bộ đôi Robin Thicke, Pharrell Williams
Tòa án Los Angeles – Mỹ trong phiên sơ thẩm năm 2015 đã tuyên án với phần thắng thuộc về những người thừa kế cố nghệ sĩ Marvin Gaye. Robin Thicke, Pharrell Williams phải bồi thường cho nguyên đơn 7,4 triệu USD (hơn 150 tỉ đồng). Trong đó, 4 triệu USD đền bù thiệt hại thực tế và cộng thêm 3,4 triệu USD tiền lợi nhuận mà cả hai thu được từ hành vi vi phạm bản quyền.
Trước đó, trong phiên điều trần vụ án này, Robin Thicke chối bỏ việc đạo nhạc cho rằng anh chẳng góp công sức gì cho việc tạo ra ca khúc "Blurred Lines". Hầu như toàn bộ ca khúc do Pharrell Williams viết vì lúc đến phòng thu anh đã trong trạng thái lơ ngơ do uống thuốc giảm đau vicodin pha với rượu. Khi được hỏi vì sao trước nay Robin Thicke luôn khẳng định mình cùng Pharrell viết ca khúc "Blurred Lines", ca sĩ này nói cảm thấy ghen tị với Pharrell.
"Ca khúc thành công nhất trong sự nghiệp sáng tác và sản xuất nhạc của tôi lại do một người khác viết. Tôi thấy ganh tị và bắt đầu huyễn hoặc bản thân mình cũng góp phần vào ca khúc này" - Robin Thicke nói.
Pharrell Williams nói trước tòa rằng anh là người hâm mộ Marvin Gaye từ thuở nhỏ nhưng hai ca khúc trên chỉ giống nhau về thể loại.
Sau đó, trong một phiên tòa khác, thẩm phán John Kronstadt quyết định giảm số tiền phạt xuống còn 5,3 triệu USD nhưng thêm vào 50% tiền bản quyền cho nguyên cáo. Đồng thời, thẩm phán này cũng cho rằng các bị cáo khác gồm rapper T.I. Và hãng Interscope có tội nhưng cuối cùng tòa phúc thẩm tuyên trắng án.
Vụ kiện bản quyền đình đám này là một bước chuyển mới của nền âm nhạc thế giới với vấn đề đạo nhạc, tôn vinh các tác phẩm nổi tiếng của những nhạc sĩ đình đám.
Những phán quyết được đưa ra ngày 21-3 gây nên những tranh cãi mạnh mẽ. Thẩm phán hạt Jacqueline Nguyen cho rằng nó sẽ tạo ra tiền lệ chưa từng có về bản quyền phong cách âm nhạc. Việc này sẽ mở rộng tiềm năng kiện tụng vấn đề bản quyền xa hơn nữa.
Những năm gần đây, các vụ kiện cáo về đạo nhạc tăng vọt. Tháng trước, Miley Cyrus bị cáo buộc đạo ca khúc năm 1988 của nhạc sĩ người Jamica để cho ra tác phẩm "We can't stop". Ed Sheeran cũng vướng kiện tụng đạo nhạc năm 2016...
Bình luận (0)