Cuốn sách thuộc hàng bán chạy nhất năm 2017, "Nguồn cội" của Dan Brown, được độc giả kỳ vọng nhưng khi xuất bản tại Việt Nam, sách in khá cẩu thả, đầy lỗi biên tập, lỗi chính tả. Đây không phải là trường hợp hiếm hoi của sách dịch nhưng vì việc này xảy ra ở một ấn phẩm được đông đảo công chúng chờ đợi nên gây bức xúc trong dư luận.
Lỗi do gấp gáp?
Dịch giả Xuân Hồng cho biết cuốn sách do Công ty Sách Bách Việt mua bản quyền và mời ông dịch nên sau khi bàn giao bản dịch, toàn bộ quyền biên tập, tổ chức ấn bản là thuộc đơn vị sản xuất.
"Nguồn cội" là cuốn sách thứ 3 của Dan Brown mà dịch giả Xuân Hồng chuyển ngữ, sau "Biểu tượng thất truyền" và "Hỏa ngục", cho nên khó có thể nghi ngờ dịch giả thiếu trách nhiệm với bản dịch của mình. Hiện trạng của bản dịch "Nguồn cội" thể hiện trình độ của biên tập viên ở Công ty Sách Bách Việt khá thấp. Khi được hỏi về vấn đề này, ông Lê Thanh Huy - Giám đốc Công ty Sách Bách Việt, đơn vị sản xuất cuốn sách - cho biết do thời điểm sản xuất của ấn bản là để chuẩn bị đón đầu và tham gia Hội sách TP HCM lần X, thời gian quá gấp gáp nên đã để xảy ra những lỗi đáng tiếc đó.
Làng dịch thuật Việt Nam từng xảy ra nhiều "thảm họa" dịch thuật, như cuốn "Vô tri" (tác giả: Milan Kundera, người dịch: Cao Việt Dũng) từng được Công ty Sách Nhã Nam thừa nhận hồi năm 2012 rằng có 264 lỗi cần sửa, trong đó 87 lỗi sai nghĩa, 67 lỗi chệch nghĩa, 77 lỗi diễn đạt, 33 lỗi sót từ/câu so với nguyên bản. "Bản đồ và vùng đất" (bản dịch của Cao Việt Dũng, Công ty Sách Nhã Nam ấn hành) cũng là một trong những cuốn sách "nổi như cồn" vì lỗi dịch thuật. "Mật mã Da Vinci" của Dan Brown, bản dịch của Đỗ Thu Hà bị đánh giá là sai vì kém cả tiếng Anh và tiếng Việt ở mức sơ đẳng, kém cả kiến thức về tôn giáo, lịch sử và địa lý…
Không hiểu có phải cách làm sách của các công ty sách là quen thói chụp giật, cẩu thả hay không nhưng với bạn đọc khi mua sách, vấp phải sách làm cẩu thả này, đọc thấy lỗi, sai sẽ ức chế và ngán ngẩm.
Tự mình đánh mất lòng tin
Dịch giả Xuân Hồng thừa nhận: "Chắc chắn mỗi bản dịch từ tác phẩm của Dan Brown đều là thách thức, bởi dày đặc những kiến thức thú vị về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, nghệ thuật…, trong đó có rất nhiều kiến thức chưa hề được dịch ra tiếng Việt. Do đó, việc tìm phương án chuyển dịch những kiến thức đó sang tiếng Việt luôn là một "bài toán" không dễ đối với dịch giả".
"Với "Nguồn cội", tôi còn gặp một thử thách nữa khi dịch mật khẩu (password) mà nhân vật Edmond Kirsch lựa chọn. Đó là một câu thơ gồm 47 mẫu tự. Việc lựa chọn từ ngữ làm sao để vừa dịch được đúng nghĩa câu thơ mà vẫn bảo đảm đủ số mẫu tự như chủ ý của tác giả thật sự không dễ chút nào. Do thời gian dịch gấp gáp và cá nhân tôi lại phải phân tâm giải quyết công việc chính hằng ngày của mình nên có một số tình tiết, khái niệm kỹ thuật... tôi đã không bỏ thời gian tra cứu kỹ để chuyển tải cho đúng, độc giả có chuyên môn sẽ thấy chưa hài lòng" - dịch giả Xuân Hồng giãi bày.
Ảnh bìa cuốn sách "Nguồn cội" của Dan Brown, dịch giả: Xuân Hồng, Công ty sách Bách Việt sản xuất, bị cho là quá nhiều lỗi
Theo dịch giả Trịnh Lữ, dịch phẩm trước hết phải là một bản dịch chính xác trước khi là một bản dịch nghệ thuật dù rằng trên thực tế, rất nhiều bản dịch được coi là không chuẩn xác nhưng người đọc lại đón nhận nồng nhiệt thay vì những bản dịch nghiêm cẩn tôn trọng bản gốc.
Nhà phê bình - dịch giả Phạm Xuân Nguyên khẳng định: "Trong lĩnh vực dịch thuật văn học không thể đo đếm chuyện dịch sai, dịch đúng mà quan trọng là dịch hay, dịch dở. Dịch giả Nguyễn Xuân Hồng khi chuyển ngữ các tác phẩm của Dan Brown luôn phải trích lục thêm tới hàng trăm chú thích về các địa danh, tích truyện... Theo tôi, cách làm của dịch giả là đúng".
Ông Lê Thanh Huy, Giám đốc Công ty Sách Bách Việt, cho biết: "Sau khi nhận bản dịch "Nguồn cội" từ dịch giả Xuân Hồng, chúng tôi thấy bản dịch không có vấn đề gì nên không cần tìm người hiệu đính. Những lỗi sai đã được xác định chỉ thuộc khâu biên tập thôi".
"Cần phải tẩy chay thói làm ăn cẩu thả, tắc trách, phải nâng tầm của mình lên chuyên nghiệp. Ngành xuất bản đã rất khó khăn mới có được độc giả, lại còn tự mình đánh mất lòng tin của độc giả nữa sao?" - nhà phê bình, dịch giả Phạm Xuân Nguyên nói.
Phải có động thái sửa sai
Sau khi phát hiện còn nhiều lỗi trong cuốn sách "Nguồn cội", Công ty Sách Bách Việt và dịch giả Xuân Hồng đã ngồi lại họp bàn, chỉ rõ những lỗi sai để phía công ty tiến hành chỉnh sửa, in lại ấn phẩm hoàn chỉnh trong đợt tái bản sắp tới. Nhưng bao giờ có thể ra mắt ấn phẩm tái bản đã chỉnh sửa thì ông Lê Thanh Huy chỉ nói: "Tùy thuộc vào thị trường, chúng tôi chỉ hy vọng làm sớm nhất có thể".
Quyền lợi của độc giả ở đâu khi phải chen chân xếp hàng chờ đợi và bỏ số tiền lớn ra mua sách (sách dày 712 trang, giá 250.000 đồng), để rồi thất vọng não nề, cảm thấy mình bị xem thường?
Người trong giới và nhiều bạn đọc cho rằng đáng lý ra Công ty Sách Bách Việt phải có động thái sửa sai, nhanh chóng chỉnh lý để phát hành bản mới, cho thu hồi ấn bản bị lỗi, đổi lại sách cho bạn đọc lỡ mua.
Bình luận (0)