xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sách hay viết về doanh nhân còn ít

HÀ GIANG

Sách viết về doanh nhân và sách do doanh nhân viết là một mảng đề tài màu mỡ, sôi động trên thị trường sách. Thế nhưng, dòng sách này hiện vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập

Ngày 5-10, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn phối hợp Hội Nhà văn TP HCM, Công ty Đường Sách TP HCM, Hội đồng Sách Doanh nhân, Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng Đại diện phía Nam tổ chức tọa đàm "Doanh nhân viết và viết về doanh nhân".

Bỏ ngỏ mảng sách về doanh nhân

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, cho rằng doanh nhân không chỉ là "người chiến sĩ" quả cảm tiên phong của thời bình mà còn là đội ngũ giàu trí tuệ, đầy trách nhiệm với cộng đồng, dân tộc, đất nước. Doanh nhân là người dám thay đổi, bứt phá để vươn lên, giành lấy cơ hội hội nhập toàn cầu và là hình tượng quyến rũ đối với nhà văn.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - Trưởng Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn TP HCM, cho biết sách viết về doanh nhân trong vài năm trở lại đây chỉ đơn giản là tập hợp những bài viết nhỏ lẻ, chia sẻ bí quyết thành công hoặc kinh nghiệm làm giàu như: "Dành tặng doanh nhân Việt trong thế trận toàn cầu" của Alan Phan, "Thư gửi quý nhà giàu Việt Nam" của Nguyễn Xuân Xanh, "Giữa dòng xoáy cuộc đời" của Phan Thế Hải, "Những người làm chủ số 1 Việt Nam" của Đàm Linh…

Sách do doanh nhân viết đa dạng và phong phú hơn nhưng vẫn còn khiêm tốn về mặt số lượng; sách thường lưu hành trong phạm vi hẹp như món quà kỷ niệm, chẳng hạn các tác phẩm: "Bầu trời không chỉ có màu xanh" của Lý Quí Trung từng là hiện tượng khởi nghiệp với thương hiệu Phở 24, "Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh" của Phan Minh Thông - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, "Chuyện nhà Dr Thanh" của Trần Uyên Phương - ái nữ Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát...

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Chủ tịch Công ty CP Văn hóa Sách Sài Gòn (Saigon Books) nêu ra tình trạng kém vui, với hơn 30.000 đầu sách được xuất bản mới trong một năm, tương đương 150.000 đầu sách mới ra mắt trong 5 năm; nhưng số lượng sách viết về doanh nhân Việt Nam đang được bán trên thị trường chưa đến 100 cuốn, chiếm tỉ lệ cực kỳ thấp.

Tại các trường đại học, sách ngoại văn, tấm gương doanh nhân nước ngoài vẫn đang là nguồn cảm hứng chủ đạo trong công tác giảng dạy. Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, ông Trần Hoàng cho rằng điều này là một hạn chế. Do vậy việc cần phải có nhiều sách hay về doanh nhân Việt phục vụ nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu, truyền cảm hứng cho người học là cực kỳ quan trọng.

Hiện nay, các dòng sách bán chạy nhất trên thế giới đều là sách về doanh nhân và do doanh nhân viết. Các tác phẩm đó, khi được dịch tại Việt Nam cũng trở thành những tựa sách được độc giả Việt săn đón, tìm đọc. Có thể nói bạn đọc Việt mong muốn và kỳ vọng rất nhiều vào sách viết về doanh nhân Việt Nam, nhưng dòng sách này hiện nay chưa đủ chất lượng và số lượng để đáp ứng nhu cầu thật sự của thị trường.

Sách hay viết về doanh nhân còn ít - Ảnh 1.

Ký kết hợp tác giữa Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn và Hội Nhà văn TP HCM. (Ảnh do Hội Nhà văn TP HCM cung cấp)

Nâng cao chất lượng sách

Vì sao sách doanh nhân Việt không thuyết phục bằng sách doanh nhân nước ngoài, như những cuốn viết về Steve Jobs, Bill Gates hay Lý Gia Thành? Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhận định điểm yếu không phải ở tầm vóc nhân vật mà nằm ở yếu tố chân thực. Doanh nhân tự viết sách thì có tâm lý "xấu che", cố tình bỏ qua những tình huống hoặc những sự kiện mà họ cảm thấy nhạy cảm, có thể ảnh hưởng đến hình tượng cá nhân hoặc quan hệ đối tác.

Tác giả viết về doanh nhân thì có tâm lý của người làm thuê, nhân vật thích thế nào thì viết thế đó, không dám mạnh tay trong việc thẩm định dữ liệu và phản biện chi tiết. Cho nên, không ít cuốn sách liên quan đến doanh nhân Việt được thiết lập theo tiêu chí "người tốt, việc tốt", chứ không tuân thủ theo tiêu chuẩn "người thật, việc thật".

Theo những người trong cuộc, muốn thuyết phục độc giả, chân dung doanh nhân phải nằm trong tổng thể những tác động của đạo đức kinh doanh, triết lý kinh doanh lẫn văn hóa kinh doanh. Muốn nâng cao chất lượng của dòng sách liên quan đến doanh nhân, phải chú trọng đến lĩnh vực văn học ứng dụng.

"Bên cạnh những tiểu thuyết đề cao tính sáng tạo, rất cần sự chuẩn bị đội ngũ tác giả chuyên viết tiểu sử doanh nhân, có kiến thức chuyên môn và có bút pháp ấn tượng" - một nhà văn đề xuất.

Theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng Sách Doanh nhân, việc doanh nhân Việt Nam tham gia viết sách hoặc làm nhân vật để viết thành sách là một hoạt động cộng đồng tri thức rất ý nghĩa. Thông qua sách, các tác phẩm do doanh nhân viết hoặc sách viết về doanh nhân là một cách để công chúng hiểu hơn về những gian khó và đồng cảm với lực lượng doanh nhân trong thời đại mới.

Dịp này, Hội Nhà văn TP HCM đã ký kết hợp tác với Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn. Hai bên sẽ phối hợp tổ chức các sự kiện: viết về doanh nhân; viết bài, truyền thông trên Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn về đời sống văn hóa, cuộc sống của doanh nhân; viết sách về doanh nhân điển hình, có đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển TP HCM để đưa vào tủ sách doanh nhân Việt.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo