Tại tọa đàm "Hướng đến những vấn đề đổi mới sân khấu chuyên nghiệp" do HTV tổ chức ngày 16-6, NSND Giang Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban Sáng tác - đã nêu lên nhiều vấn đề trăn trở về hướng phát triển của sân khấu Việt Nam.
.Phóng viên: Mỗi năm có nhiều đạo diễn trẻ tốt nghiệp nhưng rất ít người được làm nghề. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
NSND Giang Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (Ảnh: THANH HIỆP)
- NSND GIANG MẠNH HÀ: Điều tôi quan ngại chính là giám đốc các đơn vị nghệ thuật công lập có mạnh dạn trao quyền sáng tạo cho đạo diễn trẻ hay không? Mỗi năm có nhiều lứa đạo diễn tốt nghiệp, tôi thấy sự khát vọng trong đôi mắt của họ và nhiều bạn đã tìm đến sân khấu xã hội hóa (XHH). Tuy nhiên, các đơn vị XHH lại hạn chế về trang thiết bị, vật chất, lại phải bỏ tiền ra đầu tư nên ý tưởng dàn dựng là một chuyện nhưng khi thực hiện thì điều kiện không cho phép. Đó là sự thiệt thòi khiến tôi chạnh lòng. Thiệt thòi lớn hơn chính là công chúng không được hưởng thụ những hình thức đổi mới trong dàn dựng sân khấu.
.Ông nghĩ gì khi có nhận định sân khấu chuyên nghiệp đang lạm phát tổ chức liên hoan?
- Quả thật, thời gian gần đây chúng ta tổ chức nhiều cuộc thi mà nhiều như vậy thì sự sàng lọc chất lượng nghệ thuật của tác phẩm khi đưa đến công chúng sẽ không cao. Tổ chức quá dày thì sức sáng tạo, đầu tư chưa đủ độ chín. Hơn nữa, nghệ sĩ cần có điểm dừng để thẩm thấu, thai nghén những vấn đề trăn trở trong cuộc sống hôm nay mới có tác phẩm đạt chất lượng cao.
Một cảnh trong vở kịch “Mẹ hát rong” của Sân khấu Trương Hùng Minh. (Ảnh: THANH HIỆP)
.Phải chăng chính vì thế vở diễn tham gia liên hoan dù đoạt HCV, HCB cũng có ít tác phẩm được ra mắt công chúng?
- Trên thế giới họ phân chia rất rõ, vở dự thi mang tính hàn lâm, học thuật và vở để tạo doanh thu, đưa vào du lịch, họ phân chia thị phần với nhiều đối tượng khán giả khác nhau. Ở nước ta, vấn đề nằm ở chỗ là đơn vị công lập đưa vở dự thi và đoạt giải, tuy có giải nhưng những vở diễn này lại không thuộc dạng vở giải trí, tạo doanh thu.
.Ông nghĩ gì về mô hình sân khấu kịch cà phê của TP HCM?
- Đây là mô hình độc đáo, anh chị em nghệ sĩ TP HCM luôn đi tìm cái mới để trăn trở, dấn thân, khám phá. Đáng trân trọng hơn khi Hội Sân khấu TP HCM đã vào cuộc, chính sự quan tâm của cơ quan quản lý sẽ giúp các nhóm kịch cà phê của TP HCM phát triển thuận lợi. Không nên nghĩ chỉ có nhà hát mới là thánh đường, mà khi kịch cà phê được làm tốt cũng là nơi để nghệ sĩ làm nghề tử tế.
.Là người đứng trên bục giảng truyền nghề cho lớp trẻ, ông đang trăn trở điều gì?
- Nói về chuyên ngành đạo diễn sân khấu, giáo trình giảng dạy hiện vẫn chưa đổi mới. Khi chúng ta được hội nhập, cả nhân loại đều được phơi bày trên mặt phẳng số mà vẫn đào tạo theo khuôn mẫu cũ thì đó là sự gò bó khuôn mẫu. Hình thức của sân khấu phải thay đổi, đặc biệt theo nhu cầu hiện hữu của giới trẻ.
.Là Trưởng Ban Sáng tác của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, ông nghĩ gì về những nghịch lý của trại sáng tác sân khấu?
- Tại sân khấu phía Nam, vẫn chưa mở được khoa biên kịch. Đây là điều quá thiệt thòi vì không phát hiện hạt giống mới. Sắp tới, hội sẽ mời các nhà văn trẻ tham gia các trại sáng tác. Có sự tham gia của nhà văn sẽ nâng tầm chất văn học trong kịch và đội ngũ tác giả trẻ chịu lăn lộn trong cuộc sống, sẽ đặt ngòi bút vào những vấn đề mà công chúng quan tâm.
Bình luận (0)