Nhiều năm qua, các sân khấu tại TP HCM luôn trong tình trạng "đỏ mắt" tìm kịch bản hay để dàn dựng. Nhiều kịch bản từ trại sáng tác dù được đánh giá tốt nhưng để dựng thành vở diễn lại là điều không dễ. Để sớm tháo gỡ nút thắt này, hầu hết các nghệ sĩ tại TP HCM đều cho rằng cần thay đổi cách thức tổ chức, hoạt động của các trại sáng tác nhằm tìm ra nguồn kịch bản chất lượng, đáp ứng nhu cầu của công chúng.
NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, trăn trở: "Hiện nay, không nhiều nghệ sĩ, đạo diễn, tác giả chịu ngồi xem hết vở của đoàn khác để đúc kết ưu - khuyết điểm. Điều này rất tai hại vì sẽ dẫn đến việc các nghệ sĩ, đạo diễn, tác giả mất dần tư duy lý luận phê bình. Không đặt nặng việc này sẽ dễ dẫn đến suy nghĩ chủ quan, chưa đặt mình vào vị trí khán giả thì làm sao có thể viết kịch bản được tinh tế?".
Một cảnh trong vở “Ngày hội cái bang” của tác giả Trần Đăng Nhân. Sau khi đoạt giải tại trại sáng tác, kịch bản này đã được dàn dựng và thu hút đông khán giả tại sân khấu Thế giới trẻ. (Ảnh: THANH HIỆP)
Nhằm thiết thực cải thiện tình trạng khan hiếm kịch bản hay, Hội Sân khấu TP HCM đang chuẩn bị tổ chức trại sáng tác với sự tham dự của nhiều tác giả. Theo đó, mục tiêu của trại sáng tác kịch bản sân khấu lần này là những kịch bản sẽ hướng đến đời thật, phản ánh tích cực đời sống hôm nay.
Theo những người trong giới, khi sáng tác, việc đặt mình vào vị trí khán giả là chưa đủ. Tác giả còn phải phải đặt mình vào cả vị trí đạo diễn, nhà sản xuất để hiểu kịch bản mình viết có dựng được hay không. Bên cạnh đó, cần đặt tính thời sự vào câu chuyện của kịch bản và cân nhắc nên phản ánh đời sống ở góc nhìn nào, sao cho câu chuyện không bị khiên cưỡng...
Nhiều nghệ sĩ lão thành cho rằng muốn có kịch bản hay, tác giả phải đặt mình vào nhân vật, sống với câu chuyện mình đã xây dựng, để nhân vật hành động thuyết phục chứ không nói những lời sáo rỗng. Kịch bản sẽ thất bại nếu cách xây dựng tâm lý nhân vật kém tinh tế, dựa trên việc áp đặt của bản thân; luận điểm chủ quan sẽ dẫn đến sự gượng gạo...
Bình luận (0)