Sau thời gian "án binh bất động" do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các sân khấu kịch tại TP HCM đang trở mình mạnh mẽ. Nhiều vở kịch được dàn dựng với tư duy đổi mới ra mắt thu hút đông đảo khán giả.
Không còn "ăn may"
Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh với phiên bản mới của vở kịch cổ trang đậm tính dân gian: "Bàn tay của trời" (đạo diễn: Ái Như; ghi dấu sự trở lại của chị sau 2 tháng điều trị chấn thương cột sống).
Bám chặt triết lý nhân quả từ kịch bản của NSND Doãn Hoàng Giang, vở kịch này được dựng mới vẫn mang đậm giá trị nhân văn, gióng lên hồi chuông cảnh báo trong lúc xã hội đang xuất hiện nhiều tệ nạn.
Sân khấu Kịch Hồng Vân - Phú Nhuận với 2 vở mới "Game over" (tác giả, đạo diễn: Di Dương) và "Hung thủ" (tác giả: Tấn Nhật, đạo diễn: Vũ Xuân Trang) đã thu hút khán giả bởi 2 câu chuyện về vụ án giết người, lồng ghép vào đó nhiều bài học đạo đức.
Cảnh trong vở “Bàn tay của trời” trên Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh Ảnh: HOÀI NHƯ
Nhà hát Thế giới trẻ với vở "Vụ án cậu trời" (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn: Lê Hay), lấy bối cảnh lịch sử rối ren thời kỳ chúa Trịnh Sâm suy tàn, các thế lực xâu xé tranh quyền. Đặng Mậu Lân, em trai Tuyên phi Đặng Thị Huệ cậy thế chị mình được chúa sủng ái, là cậu ruột của thế tử Trịnh Cán nên coi trời bằng vung, hà hiếp dân lành, cuồng dâm, hung tàn gây biết bao tội ác.
Các vở diễn hướng đến sự tìm tòi đầy sáng tạo trong cách bố cục kịch bản, chọn hình thức biểu diễn mới.
NSND Hồng Vân khẳng định hiện nay không còn làm kịch theo kiểu "ăn may", nhờ vào sự "thương tình" của khán giả, mua vé ủng hộ. "Mỗi vở diễn khi được chọn dàn dựng phải nhắm tới mục đích bán được vé, sống được. Sau 2 đợt cao điểm giãn cách phòng chống dịch Covid -19, sân khấu kịch sáng đèn trở lại trong tâm thế tự tin" - bà bầu của Sân khấu Hồng Vân - Phú Nhuận và Chợ Lớn nói.
"Đáng đồng tiền, bát gạo"
Tranh thủ thời gian tạm ngưng diễn, nhiều sân khấu đã lên kế hoạch tập dượt thật kỹ, để các vở diễn ra mắt khán giả thật sự "đáng đồng tiền, bát gạo". NSND Trần Minh Ngọc, thành viên Hội đồng Nghệ thuật của Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, nhìn nhận: "Đây là giai đoạn thử lửa của các sàn diễn chuyên nghiệp trong tình cảnh khán giả chưa sẵn sàng đến rạp vì còn e ngại dịch bệnh. Do vậy, vở diễn phải thật sự hấp dẫn, mới lạ. Khi thời gian đầu tư vở không bị chông chênh như trước, diễn viên cũng không bị chi phối bởi nhiều sô diễn đã tập trung hết mình cho sàn tập, tất nhiên hiệu quả có khác".
Khâu kịch bản là vấn đề quyết định. Vở "Vụ án cậu trời" tạo được ấn tượng riêng ở góc nhìn của tác giả, đồng thời giúp khán giả trẻ hiểu hơn về những bài học lịch sử.
Đạo diễn Vũ Xuân Trang đã gia cố kịch bản vở "Hung thủ" theo góc nhìn của anh. Bởi, thời đại này khán giả trẻ tìm kiếm tư liệu, thông tin nhanh, vở diễn không thể cứ làm theo kiểu lần giở sự kiện mà phải đan xen, đánh đố, tương tác, khiến khán giả bị cuốn hút vào câu chuyện.
Bản dựng mới vở "Bàn tay của trời" (đạo diễn: Ái Như) vẫn giữ nguyên tứ câu chuyện của kịch bản nhưng thay đổi về cách kể từ diễn xuất, đường dây đến diễn viên. Vở là sự giao thoa giữa các nghệ sĩ gạo cội và những gương mặt trẻ của Sân khấu Hoàng Thái Thanh. Phần trang phục trong bản dựng mới do nhà thiết kế Sĩ Hoàng vẽ. Đó cũng là cách tái tạo mới hình thức biểu diễn khi bộ sưu tập được lấy cảm hứng theo tranh khắc gỗ dân gian từ tư liệu nghiên cứu "Technique du peuple Annamite" của Henri Oger - tư liệu vẽ lại cuộc sống "An Nam xưa".
Trang phục của các nghệ sĩ đã khiến khán giả tưởng tượng nhân vật bước ra từ các bức tranh họa đồ dưới ánh đèn sân khấu. Đây là hình thức mới, quyện với cảnh trí (thiết kế không gian của vở là sự lồng ghép tinh tế từ những bức tranh dân gian Đông Hồ vốn đã rất quen thuộc với người Việt), âm nhạc, ánh sáng mà đạo diễn Ái Như mong muốn đem lại cảm xúc mới mẻ cho người xem khi đến với vở "Bàn tay của trời".
Thức tỉnh người làm nghề
Các vở diễn mở màn sau dịch Covid‐19 nên các nghệ sĩ vô cùng phấn khởi, hăng hái và đầy nhiệt huyết cống hiến sáng tạo cho từng tác phẩm. Các vở diễn ra mắt đã không phụ lòng người xem, khi thu hút được nhiều khán giả yêu kịch qua từng suất diễn.
Sân khấu IDECAF cũng đã có câu trả lời cho sự sáng đèn bền bỉ qua vở "Cậu đồng" được chăm chút, đầu tư chất lượng. Hiện tượng sốt vé vở kịch này một lần nữa khẳng định tư duy của người làm sân khấu hôm nay cần khác trước.
Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, đây là khoảng thời gian hợp lý để lắng nghe ý kiến của khán giả, tâm tư người làm nghề tử tế và sự mong mỏi của số đông người xem để mỗi thương hiệu kịch tìm ra hướng đi phù hợp.
Bình luận (0)