Tối 6-4, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, hay còn gọi là Sân khấu nhỏ 5B (số 5B Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM), tái hoạt động sau gần 3 năm đóng cửa. Liệu những người quản lý hôm nay có vực dậy nổi một thương hiệu từng làm sinh động đời sống kịch nói của TP HCM?
Không thể ngồi yên
Gần 3 năm đóng cửa, nghệ sĩ, nhân viên của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM mỏi mòn chờ công trình xây mới nhà hát chính thức được khởi công nhưng rồi chẳng thấy đâu. Không thể ngồi yên chờ có cơ ngơi mới mới hoạt động lại, sau hơn 2 tháng thi công sửa chữa, sàn diễn "5B" đã có bộ mặt khá khang trang, chuẩn bị đón khán giả đến với những suất diễn đầu tiên.
"Ban giám đốc nhà hát đã nhận được sự ủng hộ của Hội Sân khấu TP HCM, gom góp, chạy vạy vay mượn mọi nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp nhằm đưa nhà hát sáng đèn trở lại" - NSƯT Mỹ Uyên, giám đốc nhà hát, cho biết.
Điều khả quan của "5B" là sự đồng lòng chung sức của nhiều nghệ sĩ đã từng gắn bó với sàn diễn này, để những vở ra mắt: "Gương mặt kẻ khác", "Đêm vượn hú", "Điều vô giá", "Kỳ án xứ mặt trời"… có sức thu hút khán giả.
Cảnh trong vở "Kỳ án xứ mặt trời" - một trong những vở diễn mang tính thể nghiệm cao của tác giả Vương Huyền Cơ, hứa hẹn thu hút khán giả khi diễn tại Sân khấu "5B"
Tính thử nghiệm là yếu tố sống còn
Vốn được mệnh danh là "anh cả đỏ" của sân khấu xã hội hóa tại TP HCM trong 3 thập niên qua, "5B" từng là nơi nuôi dưỡng nhiều thế hệ nghệ sĩ, đạo diễn, tác giả tài năng, cung cấp cho sàn diễn TP HCM một nguồn lực lớn diễn viên, trong đó có nhiều người trở thành ngôi sao. Lực lượng đó giờ vẫn là những tên tuổi bán vé của các sân khấu kịch tại TP HCM.
Ưu thế của thương hiệu kịch "5B" chính là yếu tố thể nghiệm, dung nạp tinh hoa của nhiều thủ pháp dàn dựng để hấp dẫn khán giả. Người xem kịch háo hức mỗi khi nơi này ra mắt tác phẩm mới. Thế nhưng, từ khi buông bỏ yếu tố thể nghiệm cách đây 5 năm, các vở diễn mang tính giải trí đã không có tuổi thọ. Sự liên kết khai thác nhạc kịch qua sự cộng tác của nhóm nhạc kịch của đạo diễn Nguyễn Khắc Duy cũng không thành công khiến "5B" rơi vào khủng hoảng.
Rứt ra khỏi yếu tố thể nghiệm, Sân khấu nhỏ "5B" không cạnh tranh nổi với thể loại kịch giải trí mà các sân khấu xã hội hóa khác đã và đang làm. Bởi trước hết, "5B" không có nguồn diễn viên cơ hữu, đa số diễn viên tham gia là theo kiểu thời vụ, sau thời gian đóng cửa, càng khó quy tụ lực lượng. Ngoài ra, nguồn kịch bản để đủ chuẩn thể nghiệm không còn nhiều. Hình thức thể nghiệm cũng không đủ sức hút vì cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng.
Việc tái hoạt động trong thời điểm hiện nay là giải pháp tạm thời. Cho thấy nỗ lực rất lớn của đội ngũ ở đây nhằm giành lại thị phần đã mất. "Khán giả yêu thích Sân khấu nhỏ "5B" là vì sức hấp dẫn của lối diễn nghệ sĩ sống thật với vai diễn của mình trong một không gian có khoảng cách rất gần với họ. Diễn viên và khán giả cùng hòa mình vào câu chuyện kịch. Khán phòng di chuyển cơ động, diễn viên lấy khán phòng làm sàn diễn, tung hứng, tương tác với chính người xem. Điều này nếu làm mất đi sẽ không còn đúng chất kịch "5B". Do vậy, dù trong khó khăn, chúng tôi vẫn cố gắng giữ đúng chất, để vở diễn đáp ứng theo thủ pháp dàn dựng của sân khấu nhỏ" - đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc, người dàn dựng vở "Gương mặt kẻ khác" cho sân khấu này, bày tỏ.
Chưa biết lãnh đạo mới của sân khấu này sẽ chèo chống thế nào nhưng trước thực trạng khó khăn đang bủa vây, việc bán từng tấm vé để khán giả quay lại với sàn diễn "5B" đang tạo áp lực rất lớn với người trong cuộc. Bên cạnh đó, chính hào quang ngày xưa cũng là sức ép cho đợt "hồi sinh" của sàn diễn này.
Vẫn theo phong cách rất riêng
Từng là một đơn vị có những tác phẩm đỉnh cao nhưng từ lúc các tên tuổi nổi tiếng của "5B" ra riêng đầu tư làm sân khấu cho mình thì sức hút của thương hiệu này đã giảm.
NSƯT Mỹ Uyên cho biết: "Nỗ lực làm cho "5B" sáng đèn buộc chúng tôi phải duy trì tổ chức hoạt động biểu diễn theo phong cách rất riêng của "5B", đó là kịch thể nghiệm. Trước mắt, các kịch bản cũ sẽ được dựng lại theo phiên bản mới, mở rộng không gian giao lưu cùng khán giả. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi để hợp tác với các tác giả, đạo diễn trẻ, hướng tới những tác phẩm hội đủ giá trị nghệ thuật và mang tính giải trí cao".
Tiếp tục định hình phong cách kịch "5B", nhà hát đã tìm đúng chìa khóa để mở cánh cửa đón khán giả. Nhưng việc quy tụ diễn viên gắn kết dài lâu sẽ là bài toán rất khó với lãnh đạo nhà hát trong điều kiện hiện nay.
Bình luận (0)