Dù muốn hay không, dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động trong tương lai của nhiều sân khấu. Việc nắm bắt thị phần biểu diễn sắp tới rất quan trọng đối với từng sàn diễn, giúp các nhà tổ chức biểu diễn vạch ra chiến lược, giải pháp cần thiết. Vấn đề là các sàn diễn chuẩn bị gì để tạo năng lượng tích cực cho vở diễn được kéo dài tuổi thọ.
Hồi phục mạnh mẽ
Dù chưa biết đến bao giờ cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 mới kết thúc nhưng nghệ sĩ sân khấu tin rằng lệnh giãn cách xã hội sẽ sớm được kết thúc. Vì thế, các sàn diễn đã chuẩn bị tâm thế cho ngày sáng đèn trở lại. NSND Hồng Vân nhìn nhận: "Trước hết vẫn giữ vững tinh thần "chống dịch như chống giặc" và với sự đoàn kết, đồng tâm, các nghệ sĩ của Sân khấu Kịch Hồng Vân đã đầu tư cho sự trở lại của mình khá ổn. Vở "Số đỏ" phiên bản mới sẽ diễn tại Sân khấu Hồng Vân - Phú Nhuận, ngay khi được mở cửa đón khán giả trở lại. Còn Sân khấu Hồng Vân - Chợ Lớn sẽ tiếp tục tái diễn: "Ngẫm Kiều", "Căn hộ 4-4", "Gác cũ". Để tưởng nhớ soạn giả Nguyên Thảo vừa qua đời, có thể chúng tôi sẽ tái dựng "Hợp đồng hôn nhân", vốn là vở ăn khách trước đây".
Nhìn nhận viễn cảnh khá sáng sủa của thị trường biểu diễn sau dịch, nghệ sĩ hài Hữu Nghĩa cho biết: "Khán giả hỏi chúng tôi khi nào sáng đèn trở lại, sẽ diễn vở gì mới? Lượng tin nhắn ngày một nhiều, cho thấy sau thời gian "đóng băng", thị trường biểu diễn sẽ "ấm" dần lên. Kịch Sài Gòn đã chuẩn bị các vở mới trong thời gian tạm ngưng. Vẫn màu hài kịch pha kinh dị, có thể sẽ triển khai phần 2 vở "Suối oan hồn", "Quỷ linh chi", tôi cho đây là cơ hội hồi phục mạnh mẽ của các sân khấu, vì khán giả TP HCM rất thích xem kịch".
Ông bầu của Kịch IDECAF Huỳnh Anh Tuấn tiết lộ: "Đã có kế hoạch song song với việc diễn vở ăn khách của sân khấu, chúng tôi bắt tay dàn dựng lại vở "Cậu Đồng". Tôi rất thích chuyển thể kịch bản phim "Song lang" thành nhạc kịch để diễn tại Sân khấu IDECAF. Bên cạnh đó, NSƯT Thành Lộc đã chuẩn bị một phiên bản nhạc kịch "Tiên Nga" vừa với sân khấu nhỏ, để có thể diễn tại Sân khấu IDECAF. Tôi tin khán giả sẽ hưởng ứng".
Nhà hát Thế giới trẻ sau khi hoàn tất việc sửa chữa sàn diễn, đã chuẩn bị lịch diễn với các vở hấp dẫn người xem của thương hiệu này. Đạo diễn Ngọc Hùng cho biết sẽ tập lại vở "Âm mưu hoàn hảo" của đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu và vở "Tình Bolero" của đạo diễn Tiết Duy Hòa. "Trên thực tế, các vở trước đây bị lùi lịch diễn đã có thời gian điều chỉnh, hoàn thiện, chất lượng hơn để cống hiến cho khán giả. Tôi tin các nhà hát, sân khấu sau thời gian đóng cửa cũng sẽ "sáng đèn" và nghệ sĩ khao khát được cống hiến, được cháy hết mình với niềm đam mê sẽ có cơ hội tỏa sáng bằng những ý tưởng, vai diễn đã được thai nghén, tập luyện trong suốt thời gian nghỉ do dịch bệnh" - đạo diễn Ngọc Hùng bày tỏ.
Cảnh trong vở kịch “Số đỏ” của Sân khấu Kịch Hồng Vân
Những giải pháp gỡ khó
NSND Hồng Vân cho rằng cần phải đề ra những giải pháp gỡ khó lâu dài. "Nói gì thì khán giả cũng có người sẽ ngại đi xem, vẫn giữ tâm lý giãn cách xã hội, lượng khán giả sẽ không đông giai đoạn đầu nên giải pháp bảo đảm an toàn là cần thiết. Thay vì mỗi tuần trước đây diễn 4 đến 5 suất, có thể duy trì 2 suất/tuần. Việc bán vé theo sơ đồ giãn cách cũng được nghĩ tới, vì khán phòng Kịch Hồng Vân - Chợ Lớn nhỏ, rất ấm áp, nên không ngại việc sẽ bị che tầm nhìn. Tuy nhiên, giải pháp về dàn dựng với hình thức mới, hấp dẫn, để khán giả yên tâm đến xem vở diễn, giải trí nhưng có nhiều thông tin bổ ích sau khi dịch bệnh được đẩy lùi sẽ là mục tiêu của sân khấu hiện nay" - NSND Hồng Vân cho biết.
Giải pháp đầu tư kịch bản hay, thủ pháp dàn dựng mới mẻ là những tín hiệu tích cực, tạo đà cho thị trường biểu diễn phát triển lâu dài. Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh vẫn bám chặt chủ đề tâm lý xã hội, đạo diễn Ái Như nói: "Chất văn học và những sàng lọc từ cuộc sống về gia đình, thân phận con người vẫn là nguồn kịch bản chủ đạo của Hoàng Thái Thanh. Khán giả cũng đã quen với chất kịch đó nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm".
Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM (sân khấu nhỏ 5B) đã chuẩn bị dàn dựng các vở mới, trong đó có "Ảo và thật 2" do đạo diễn Chánh Trực thực hiện và "Kỳ án xứ mặt trời", phiên bản mới do đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng. NSƯT Mỹ Uyên nhìn nhận sân khấu nhỏ 5B vẫn mang tính thể nghiệm nên hình thức dàn dựng luôn làm khán giả bất ngờ. Giải pháp gỡ khó cho sân khấu chính là phải chọn kịch bản hay, nội dung tốt, hình thức thể hiện sinh động, vừa mang tính định hướng thẩm mỹ nhưng vẫn là những câu chuyện giải trí, cười vui, buông bỏ những lo âu với tinh thần lạc quan. Kịch Hồng Hạc diễn tại Nhà Thiếu nhi quận 4, theo đạo diễn Việt Linh, cũng chủ trương gỡ khó bằng cách giảm giá vé cho sinh viên. Vở "Diễn viên hạng ba" sẽ sáng đèn theo cách này.
NSND Trần Minh Ngọc đề xuất để sàn diễn hồi phục, vực dậy thị trường biểu diễn sau dịch bệnh không chỉ trông chờ vào sự nỗ lực đơn độc của các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ mà rất cần có sự hỗ trợ, chung tay, tiếp sức của các cấp quản lý. Miễn tiền thuê địa điểm giai đoạn đầu, tài trợ dựng vở chẳng hạn là điều nên tính tới.
Nhiều nỗi lo
Nhiều sân khấu tỏ ra lo ngại sau dịch, lượng khán giả chưa nhiều vì người dân bắt đầu có tâm lý "thắt lưng buộc bụng", ít chi phí cho những khoản chưa cần thiết nên dù sàn diễn có phục hồi thì các nhà tổ chức biểu diễn không thể mạnh tay đầu tư vốn quá cao. Điều này khó có thể dự báo hoạt động biểu diễn sẽ được như ý muốn.
Các nhà chuyên môn thừa nhận việc khéo khán giả tới rạp như trước đây quả là điều rất khó khăn. Muốn phục hồi thị trường biểu diễn cần phải có thời gian.
Bình luận (0)