xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thiếu kịch bản gốc hay trên màn ảnh nhỏ

MINH KHUÊ

Kịch bản là cái gốc, nền móng cho sự phát triển của thị trường phim. Cần phải có kế hoạch tạo ra nhiều kịch bản gốc tốt để cân bằng với các phim Việt hóa và chuyển thể

Nhiều phim Việt hóa tạo được sự chú ý như "Cây táo nở hoa" được Việt hóa từ phim "Chuyện nhà Poong Sang" của Hàn Quốc, "Hương vị tình thân" được Việt hóa từ phim "Vì con mà sống" cũng của Hàn Quốc. Song dòng phim này có dấu hiệu chững lại và giảm sức hút.

Chọn lựa an toàn

Phim "Giấc mơ của mẹ" được Việt hóa từ phim "Câu chuyện mẹ tôi" của Hàn Quốc đã không tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh trong công chúng như các phim trước đó làm được. Phim "Hành trình công lý" được Việt hóa từ kịch bản gốc "Người vợ tốt" của Đài Truyền hình CBS - Mỹ, đang phát sóng trên VTV3, gây tranh cãi vì cảnh nóng bị cho là phản cảm, lạm dụng để lôi kéo khán giả. Phim cũng chưa tạo được hiệu ứng tương tự "Hương vị tình thân", "Thương ngày nắng về"… đã làm được về mặt nội dung ngay từ các tập đầu.

Thay thế cho sức hút của phim Việt hóa, khán giả màn ảnh nhỏ thích thú trở lại với phim bối cảnh xưa, chuyển thể từ các vở cải lương kinh điển như: "Duyên kiếp", "Rồi 30 năm sau". Trong đó, phim "Duyên kiếp" được chuyển thể từ vở cải lương cùng tên của soạn giả Hoàng Song Việt, còn phim "Rồi 30 năm sau" được chuyển thể từ vở cải lương cùng tên của Hà Triều - Hoa Phượng.

Theo thống kê của Kantar Media, "Duyên kiếp" và "Rồi 30 năm sau" đạt rating (chỉ số lượng khán giả bình quân trên 1 phút) cao, không ít lần dẫn đầu bảng xếp hạng "10 chương trình truyền hình được khán giả xem nhiều nhất nước". Các phim này có sức hút vượt trên những phim do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) thực hiện, phát trên giờ vàng đài quốc gia, độ phủ sóng mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng phim Việt hóa dù nỗ lực thế nào vẫn là câu chuyện của nước ngoài, góc nhìn của nước ngoài, nó không chân thật, gần gũi bằng những câu chuyện do chính người Việt viết cho khán giả nội địa. Phim chuyển thể dù không phải kịch bản gốc nhưng chuyển thể từ vở cải lương kinh điển, đẫm chất Việt, gần gũi hơn phim Việt hóa là điều tất yếu.

"Kịch bản gốc hay cho phim truyền hình Việt không nhiều nên chúng tôi mới chọn hướng chuyển thể. Các vở cải lương kinh điển đã từng khiến khán giả bao thế hệ say mê, câu chuyện đã được kiểm chứng, bảo đảm" - bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp giải trí và truyền thông Mega GS, cho biết.

Thiếu kịch bản gốc hay trên màn ảnh nhỏ - Ảnh 1.

Phim “Mẹ rơm” lên sóng từ ngày 2-11, là tác phẩm có kịch bản gốc được ấp ủ suốt 4 năm. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Hướng đến sự bền vững

Nhìn vào các phim trên màn ảnh nhỏ hiện nay, dễ thấy nếu không phải chuyển thể cũng là Việt hóa. Các phim kịch bản gốc Việt vẫn được phát sóng xen kẽ nhưng số lượng tạo được sự đột phá, thành tiêu điểm chú ý của khán giả màn ảnh nhỏ lại không nhiều.

Ngoài những phim đã từng gây sốt như "Về nhà đi con", "11 tháng 5 ngày", "Lối về miền hoa", "Vợ quan"…, nhiều phim kịch bản gốc được phát sóng thời gian qua như: "Anh có phải đàn ông không?", "Lối nhỏ vào đời", "Gara hạnh phúc", "Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ", "Đấu trí"… đều không mang đến hiệu ứng trong công chúng.

Trong đó, phim chính luận "Đấu trí" từng được kỳ vọng nhiều khi được chờ đón và ủng hộ ở những tập đầu nhưng rồi cách kể lan man, dài dòng, không khác nhiều tình tiết đã được khán giả biết qua báo, đài khiến tác phẩm mất sức hút.

Theo các nhà chuyên môn, làm phim Việt hóa không dễ dàng vì điều kiện cần là tạo ra kịch bản gần gũi với khán giả Việt. Còn thách thức của phim chuyển thể là phải biến vở cải lương, kịch với thời lượng chỉ vài giờ thành vài chục tập phim. Phim kịch bản gốc hay, hấp dẫn lại càng khó bởi đó là sự ấp ủ của nhà biên kịch trong nhiều tháng và có khi tính bằng năm.

"Biên kịch Việt hiện nay không thiếu, nhất là các biên kịch trẻ, song lực lượng này chủ yếu viết kịch bản hài tình huống (sit-com), phim chiếu mạng (web-drama). Rất ít người viết được kịch bản phim truyền hình dài tập" - nhà biên kịch Kim Ngọc cho hay.

Mới đây, đạo diễn - NSƯT Phương Điền cùng nhà biên kịch Tô Tô Chan, Kim Ly Bắc giới thiệu phim "Mẹ rơm" và cho biết tác phẩm này được ấp ủ suốt 4 năm. Phim sẽ phát sóng trên VTV1 từ ngày 2-11, được kỳ vọng sẽ tạo chú ý với khán giả.

"Việt hóa đến lúc nào đó cũng hết tác phẩm phù hợp và bão hòa. Chuyển thể từ các vở cải lương hay văn học cũng đến lúc cạn kiệt nguồn. Các nhà sản xuất, nhà đài nên có sự cân nhắc để tập trung phát triển kịch bản gốc hấp dẫn, tạo sức hút khán giả hơn là chỉ dựa vào nguồn kịch bản Việt hóa, chuyển thể" - nhà biên kịch Đông Hoa nêu.

Các chuyên gia cho rằng việc vay mượn từ kịch bản nước ngoài hoặc chuyển thể chỉ là giải pháp nhất thời cho thực trạng thiếu kịch bản gốc hay. Muốn phát triển bền vững, nhà sản xuất cần sớm xây dựng đội ngũ biên kịch giỏi, để tạo nguồn kịch bản gốc chất lượng, làm nền móng cho thời điểm thị trường phim truyền hình đang phát triển.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo