Thực tế hiện nay, đang tồn tại song song hai cách viết và từ điển cũng ghi nhận cả hai:
- Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê - Vielex): “sát nhập • 插入 [sáp nhập nói trại] đg. xem sáp nhập”.
- Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên): “sát nhập • Biến âm của “Sáp nhập”. Tuy nhiên, xét nghĩa từ nguyên, thì viết “sáp nhập” mới chính xác. Bởi “sáp nhập” 插入 là từ ghép đẳng lập Hán Việt (chúng tôi không tìm thấy trong tiếng Hán; đây có thể là từ Hán Việt tạo), trong đó “sáp” 插 (âm khác là “tháp” trong “tháp tùng” 插從) có nghĩa là nhập, cắm, gắn, chen vào.
“Sáp nhập” đã được từ điển tiếng Việt ghi nhận trước năm 1945: - Đại Nam Quấc âm tự điển: “sáp .c. Giắt (coi chữ tháp): sáp nhập; sáp về: Nhập lại với nhau (nói về làng xóm); phân tháp: Dời đi, không cho ở chỗ cũ, dời đi ở chỗ khác”.
- Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức - 1931): “sáp - nhập • Nói về đem đất chỗ này thuộc nhập với chỗ khác <> Lấy hai tổng ở huyện này đem sáp - nhập huyện kia”.
- Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “sáp nhập • đt. Nhập chung lại: Sáp - nhập thành - phố Chợ-lớn về Sài-gòn, thành Đô-thành Sài-gòn”.
- Việt Nam tân tự điển (Thanh Nghị): “sáp-nhập • đt. Đem nhập chung lại làm một, thường nói đem đất chỗ nầy thuộc nhập với chỗ khác <> Ngày trước Triều-tiên là nước đã bị sáp-nhập với lãnh-thổ Nhựt-bản // Sự sáp-nhập”.
Riêng Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) xuất bản tại Sài Gòn (trước năm 1975) còn ghi nhận: “nói sáp nhập • đt. C/g. Nói xấp-nhập, vơ đũa cả nắm, không phân-biệt, không chừa một ai”. Vì yếu tố Hán Việt “sáp” 插 còn có một âm đọc là “tháp”, nên cũng viết là “tháp nhập”: - Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “tháp nhập • đt. Xen kẽ, chen vô giữa: Tháp-nhập thêm một câu cho có mạch-lạc; mệnh-đề tháp-nhập. • Nh. Sáp-nhập”.
Đôi khi người ta cũng dùng “tháp” với nghĩa là “nhập” để thay cho “tháp nhập”, ví dụ: “Hai cơ quan mới tháp lại với nhau mấy năm, nay lại tách ra”. Có lẽ do không hiểu “sáp” trong “sáp nhập” là gì, nên nhiều người viết thành “sát nhập” với nghĩa “sát” là gần lại, tiếp xúc với nhau, lâu dần thành phổ biến; trong khi “sáp nhập” vẫn tồn tại. Theo đây, có thể xem “sáp nhập” và “sát nhập” là trường hợp “lưỡng khả” (hoặc “đa khả” nếu tính cả “tháp nhập”), tất cả đều được chấp nhận, nhưng nên dùng “sáp nhập” hay “tháp nhập” bởi đúng với nghĩa từ nguyên hơn.
Bình luận (0)