Việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang xây dựng kế hoạch đặt hàng các nhà hát đưa chương trình nghệ thuật lên YouTube đã có sự tác động mạnh đến đời sống sàn diễn sân khấu, đặc biệt phía Nam, nơi có nhiều sân khấu tư nhân (thường được gọi xã hội hóa)
Tăng thêm thị phần
Trên thực tế, việc số hóa vở diễn sân khấu đã là ước mơ từ lâu của nghệ sĩ và nhà quản lý của nhiều sàn diễn, bởi ai cũng mong muốn vai diễn, vở diễn của mình được phổ biến rộng rãi trên các nền tảng internet, đến được với số đông khán giả ngoài nhà hát. Vì không được số hóa nên các tác phẩm kinh điển lâu nay vì thế rơi rụng, không lưu trữ được sự chuẩn mực trong dàn dựng vở diễn, diễn xuất của nghệ sĩ.
Kế hoạch đưa các vở kịch lên YouTube được xem là xu hướng hưởng thụ nghệ thuật mới của công chúng trong thời đại công nghệ số, vạn vật kết nối đòi hỏi người làm nghề cần thay đổi tư duy. NSƯT Trần Lực cho biết vở ballet kinh điển "Người đẹp ngủ trong rừng" của nhà hát Bolshoi danh tiếng hàng đầu tại Nga sau suất "công diễn" hoàn toàn miễn phí trên YouTube đã có 900.000 lượt người xem. "Con số đó khiến ta phải suy nghĩ, nếu biết kết hợp quảng cáo, ta sẽ thu lợi nhuận khi các vở kịch kinh điển được dàn dựng đúng với ngôn ngữ truyền hình phát trên YouTube" - NSƯT Trần Lực chia sẻ.
Cảnh trong vở “Bí mật vườn Lệ Chi” - tác phẩm sân khấu cần số hóa để phục vụ số đông công chúng yêu kịch nói
Theo kế hoạch mà bộ đã xây dựng, nếu lộ trình được thông qua, nhà hát trên YouTube sẽ thu hút sự tham gia của 12 đơn vị nghệ thuật công lập thuộc bộ. Từ phía Nam, các sân khấu cũng cho biết nếu kế hoạch được triển khai ở phía Nam, mở rộng cho các đơn vị xã hội hóa thì đây sẽ là một cách để tạo thêm thị phần biểu diễn, bảo đảm được công tác lưu trữ và cung cấp cho khán giả yêu kịch nói những tác phẩm kinh điển. Bởi, rất nhiều vở diễn phía Nam, khán giả phía Bắc chưa được xem và ngược lại. Nếu nhà hát YouTube do bộ tổ chức ra mắt, khán giả cả nước sẽ có cơ hội xem nhiều tác phẩm sân khấu hay.
NSND Trần Minh Ngọc cho rằng nếu làm tốt việc số hóa vở diễn sân khấu, sẽ giúp cho các sàn diễn tăng thêm thị phần, tạo sự tương tác với công chúng trên nền tảng số vốn có nhiều cách để người làm sân khấu ứng dụng công nghệ trong dàn dựng, biểu diễn. Theo ông: "Việc làm này ban đầu sẽ chưa quen với các nhà hát vì khán giả đến rạp xem khác với xem trên YouTube, cần có hình thức chuyển tải phù hợp. Những tác phẩm được chọn đưa lên nền tảng số cũng phải là tác phẩm kinh điển, có sức nặng và tiếng vang. Từ hiệu ứng đó sẽ lôi kéo người xem đến rạp nhiều hơn, một hình thức tiếp thị hiệu quả thông qua kênh YouTube".
Còn những nỗi lo
Cũng có những ý kiến lo ngại khi nhà hát YouTube ra đời, khán giả đến nhà hát sẽ giảm. NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, bày tỏ: "Tôi lo sẽ mất khán giả trực tiếp đến rạp, vì xem tại sân khấu mang tính nghệ thuật, khán giả thích hơn. Nghệ sĩ hóa thân cũng hạnh phúc vì sự tương tác trực tiếp với khán giả thông qua cảm xúc vai diễn, nhân vật".
Theo Mỹ Uyên, nên số hóa vở diễn theo từng giai đoạn. Chứ các vở đang diễn, hoặc vẫn còn khán giả, không thể đưa lên YouTube sẽ ảnh hưởng đến doanh thu. Chưa kể đến ngôn ngữ kịch chuyển tải trên YouTube khác với trên sân khấu.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn (Sân khấu IDECAF) nói rằng cách làm này không giữ được sức hút riêng cho sàn diễn. Vấn đề bản quyền sẽ bị xâm phạm vì phải có thời gian cho khán giả làm quen. Trước hết, sân khấu xã hội hóa không có tiền để tái đầu tư. Nghệ sĩ tập dợt công phu chỉ để quay hình, chiếu miễn phí. Nếu số hóa hết các vở diễn sân khấu phía Nam thì chi phí trọn gói không nhỏ, là một bài toán khó.
NSND Hồng Vân cho biết trước đây, HTV có thực hiện chương trình "Dưới ánh đèn sân khấu", mỗi tháng trực tiếp truyền hình một suất, một vở hay từ cải lương, hát bội đến kịch nói. Sau đó thấy càng ngày càng đuối, vì vở hay không nhiều, thời gian tập dợt quá cập rập. Sáng kiến nhà hát YouTube cũng tương đồng với chương trình Nhà hát Truyền hình của VTV nhưng rồi khán giả vẫn đến rạp vì họ yêu không khí được đắm mình ngồi xem câu chuyện kịch, hơn là qua màn hình. Theo NSND Hồng Vân, nhà hát YouTube chỉ nên làm theo đơn đặt hàng những vở diễn được dàn dựng theo đúng ngôn ngữ của kịch phát trên mạng. Còn lại vẫn là ưu tiên cho việc đầu tư tác phẩm đỉnh cao, để công chúng được hưởng thụ.
NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, cho rằng cần bàn kỹ dự án này khi mà trên thế giới xu thế xem YouTube rất mạnh: "Để triển khai, cần phải biết nhà hát mình làm vở cho đối tượng nào, nội dung gì phù hợp, thời lượng bao nhiêu là vừa. Bởi, muôn đời sân khấu khác với trên nền tảng số. Phải tính toán thật chu đáo để từng bước hoàn thiện".
NSND Trần Minh Ngọc cho rằng việc xây dựng nhà hát YouTube để số hóa vở diễn sân khấu sẽ mở ra kênh thông tin để các nhà hát giao lưu, quảng bá, sau đó mới đưa lên online trực tiếp vở diễn đã được biên tập đúng thời lượng, đúng điểm nhấn cần thiết của vở. "Theo cách làm này, sẽ số hóa các vở có tiếng vang, ban đầu là phát miễn phí, sau đó thu quảng cáo, sau nữa thu phí người xem đối với các vở mới. Dần dà sẽ tạo được thói quen" - ông Ngọc nói.
Cấp thiết số hóa các vở diễn kinh điển
NSƯT Ca Lê Hồng cho rằng rất cần số hóa ngay những vở diễn sân khấu kinh điển. Theo bà ở phía Bắc, là các tác phẩm của Lưu Quang Vũ, Nguyễn Đình Nghi, Xuân Trình, Doãn Hoàng Giang… còn trong Nam, mỗi đơn vị xã hội hóa đều có tác phẩm đỉnh cao, việc tái dựng trước khi đưa lên nền tảng số cũng sẽ là đợt biểu diễn có doanh thu cho số đông người xem. Đó là các tác phẩm: "Lá sầu riêng", "Dưới hai màu áo", "Bông hồng cài áo", "Dạ cổ hoài lang", "Nỏ thần", "Ngôi nhà không có đàn ông", "Tiếng vạc sành", "Diễn kịch một mình", "Hoàng hậu hai vua", "Cô gái lái xe và chiếc bình cổ"...
Theo NSND Trần Minh Ngọc, cần sớm số hóa các vở kịch lịch sử, các vở tuồng của các loại hình nghệ thuật truyền thống. Vì thế hệ nghệ sĩ tài danh của các loại hình này đang dần mất đi do tuổi tác, sức khỏe nếu không kịp làm, thế hệ mai sau sẽ thiệt thòi vì không được xem các tác phẩm kinh điển có các nghệ sĩ tài danh của thế hệ trước trình diễn.
Bình luận (0)