Từ website Chợ kịch (chokich.vn) ra đời với mong muốn tạo cầu nối giữa tác giả và các đơn vị nghệ thuật, các nhà chuyên môn muốn tận dụng công nghệ thông tin chung tay gầy dựng "ngân hàng" kịch bản cho hoạt động biểu diễn của sân khấu.
Gian nan nhưng cần thiết
Biết rằng đây là việc làm gian nan, không dễ đạt hiệu quả tức thì nhưng để kéo được khán giả đến sàn diễn ngày một đông hơn, lời giải cho bài toán kịch bản phải chăng rất cần đến việc gầy dựng "ngân hàng" kịch bản, tạo nguồn cho sân khấu tìm kiếm khả thi kịch bản mới?
Trước thực trạng ngày càng khan hiếm nguồn cung kịch bản, cách nghĩ táo bạo này đã được giới chuyên môn đồng tình. Bởi nhiều năm qua, các sân khấu tư nhân, thậm chí với một số sân khấu công lập không còn tin tưởng hiệu quả của các trại sáng tác, nơi mỗi năm tiêu tốn không ít tiền thuế của dân nhưng chẳng thu hoạch được mấy kịch bản sống được trên sàn diễn, thì việc cần có một tổ chức mang hình thức khác biệt với trại sáng tác, nhằm cung cấp kịch bản cho đời sống sàn diễn hôm nay là điều quá hợp lý.
Cảnh trong vở “Chuyện tình Khau Vai” của đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên, một trong những tác phẩm hướng đến số đông khán giả bằng hình thức thể hiện mới về âm nhạc, diễn xuất .Ảnh: THANH HIỆP
NSND Trần Ngọc Giàu trăn trở từ lâu trong hoạt động sân khấu, tên tuổi của các tác giả "có tiếng" luôn được "săn đón". Khoan nói đến hiệu quả của những tác phẩm đó, chỉ tên tuổi của họ cũng dễ tạo sự chú ý đối với người xem, với hội đồng nghệ thuật của đoàn, thực tế này khiến sân khấu vắng bóng hoàn toàn những tác phẩm của các tác giả trẻ. "Đó là một thiệt thòi hay nói đúng hơn là tác giả trẻ cứ bị những rào cản khiến sự xuất hiện của những tài năng mới ngày càng hiếm trong làng sáng tác".
Tác giả Vương Huyền Cơ cho rằng hình thức này thực sự là cầu nối giữa nhu cầu tiếp cận nguồn kịch bản của các sân khấu với nhu cầu giới thiệu, quảng bá kịch bản của tác giả. "Đôi bên cung, cầu về kịch bản có nhiều cơ hội giao thoa, để có thể từ ý tưởng ban đầu, sẽ tạo điều kiện để tác giả viết thành kịch bản và quan trọng là tạo đầu ra cho vở" - tác giả Vương Huyền Cơ nhận định.
Mở ra hướng đi mới
Thế nhưng, việc gầy dựng "ngân hàng" cần có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, nhà tài trợ, để ngay từ ý tưởng ban đầu đã được "chốt đơn hàng", tác giả nhận ngay thù lao của ý tưởng. Sau đó "ngân hàng" kịch bản kêu gọi sự đầu tư cho tác phẩm sân khấu. Phương thức này mở ra hướng đi mới cho giới trẻ yêu thích sân khấu, ngay cả với những người không thuộc ngành sân khấu, có những câu chuyện đời, chuyện nghề hết sức độc đáo cũng có thể tham gia để kích cầu hoạt động "ngân hàng" kịch bản.
NSND Trần Minh Ngọc cho rằng khác với trại sáng tác thường tập trung vào chủ đề hoặc trao đổi ý tưởng trong một chuyến đi với những tác giả chuyên nghiệp, mô hình "ngân hàng" sẽ mở rộng đối tượng tham gia. Và từ ý tưởng ban đầu được trả phí, tổ chế tác gồm những ngòi bút chuyên nghiệp sẽ bàn luận để xây dựng cấu trúc kịch bản. Người đưa ra ý tưởng tiếp tục viết theo sự thống nhất của kết cấu kịch bản, theo thời gian quy định để kịp tiến độ chào hàng với đơn vị sản xuất.
Từ "chợ kịch" đến "ngân hàng" kịch bản
Từ trang web chokich.vn với quy mô nhỏ lẻ, những người thực hiện trang web này mong muốn gầy dựng "ngân hàng" kịch bản để website đầu tiên chuyên về nghệ thuật biên kịch được các tác giả và đơn vị hoạt động nghệ thuật đặt nhiều niềm tin. Các đơn vị nghệ thuật có nhu cầu sử dụng tác phẩm nào thì "ngân hàng" sẽ làm trung gian thực hiện giao dịch mua bán và thu mức phí là 15% - 20% giá trị hợp đồng đó. Với những hoạt động ban đầu như việc đăng tải các tác phẩm của những tác giả hoàn toàn được miễn phí.
Các nhà chuyên môn cho rằng sự xuất hiện của "chợ kịch" đã cân bằng cuộc so tài giữa tác giả tên tuổi, có mối quan hệ sâu rộng với các đoàn và tác giả trẻ. Thế nhưng "chợ kịch" chỉ là nơi rao bán, dễ bị đánh cắp ý tưởng, nên từ khi ra đời đến nay vẫn chưa hiệu quả.
NSND Triệu Trung Kiên - người thành lập trang web chokich.vn - cho biết: "Từ các đơn đặt hàng của các đơn vị nghệ thuật với các ý tưởng sáng tác xuất hiện trong không gian "chợ kịch", ban điều hành gồm tôi và Công ty Truyền thông HK sẽ lựa chọn các tác giả tùy theo sở trường và thực hiện đơn hàng. Về vấn đề bảo vệ bản quyền, "chợ kịch" có hợp đồng ghi rõ tác phẩm của tác giả đã được "chợ kịch" bảo vệ quyền tác giả từ giây phút ký hợp đồng".
NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, cũng tin tưởng từ "chợ kịch" cho đến "ngân hàng" điện tử giao dịch kịch bản sẽ giúp các đơn vị nghệ thuật không còn mất quá nhiều công sức trong việc tìm và lựa chọn kịch bản. Nguồn cung và cầu sẽ được giao dịch dễ dàng hơn. Đây cũng sẽ là kênh tham khảo của công chúng khi giao diện được công bố trực tiếp, để biết rằng vở diễn nào, sân khấu nào sắp dàn dựng, đặt niềm tin khi mua vé đến xem tác phẩm.
Bình luận (0)