Phim "Song lang" của đạo diễn Leon Lê và "Chàng vợ của em" của đạo diễn Charlie Nguyễn ra rạp cách nhau một tuần. Tuy nhiên, các suất chiếu sớm của phim "Chàng vợ của em" lại bắt đầu từ 17-8, cũng là ngày công chiếu phim "Song lang". Dù là vô tình hay cố ý, cả hai phim cũng vào thế đối đầu và cùng cạnh tranh với hai phim ngoại đang thu hút khán giả là "Cá mập siêu bạo chúa" và "Thử thách thần chết 2".
"So găng" bất đắc dĩ
Sau thời gian dài, Charlie Nguyễn quay lại vai trò đạo diễn với phim "Chàng vợ của em", tiếp tục hợp tác cùng Thái Hòa. Đây là tác phẩm được chuyển thể từ tiểu thuyết "Busy woman seeks wife" của tác giả người Anh Annie Sanders. Nhưng đúng như những gì đạo diễn Charlie Nguyễn từng chia sẻ, "chàng vợ của em" là câu chuyện rất Việt Nam, đời thường, không ảnh hưởng nhiều bởi tác phẩm văn học của phương Tây. Phim có chi tiết hài rất duyên, khác hẳn các phim trước của bộ đôi Charlie Nguyễn - Thái Hòa (đạo diễn - diễn viên) như: "Long Ruồi", "Tèo em", "Để Mai tính 2"... Những thông điệp nhân văn về tình mẫu tử, anh em, tình yêu đôi lứa thời hiện đại được cài cắm khéo léo.
Cảnh trong phim "Song lang". (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Thái Hòa diễn xuất tốt nhất trong khi các diễn viên khác chỉ tròn vai. Nhiều người trong giới nhận xét mặc dù chưa phải xuất sắc nhưng đây là tác phẩm ấn tượng nhất từ trước đến nay của bộ đôi Charlie Nguyễn - Thái Hòa. Phim chất lượng, chủ đề hợp thời, hứa hẹn bùng nổ phòng vé. Trong khi đó, phim "Song lang" của đạo diễn Leon Lê là một tác phẩm nghệ thuật tâm huyết, được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương. Phim được đánh giá cao về nghề, tái hiện rất tốt bối cảnh Sài Gòn những năm 1980 bằng sự tỉ mỉ, tâm huyết đến từng chi tiết nhỏ. Cái đẹp của "Song lang" toát lên từ màu phim cổ điển cho đến ánh sáng xuyên qua khung cửa sổ, từng khung hình đều được chăm chút. Nghệ thuật cải lương trong phim cũng được ưu ái với những trích đoạn vở diễn khá dài, chăm chút từ cách trang điểm cho đến phục trang. Hai diễn viên chính là Isaac và Liên Bỉnh Phát hóa thân tốt thành chàng kép hát tài danh và gã giang hồ "gốc" cải lương.
Cảnh trong phim "Chàng vợ của tôi". (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Phần nội dung, vì nhiều yếu tố khách quan, vẫn chưa thể thỏa mãn tất cả người xem khi có nhiều nhận định khác nhau. Tuy nhiên, về tổng quan, đây vẫn là một trong những tác phẩm nghệ thuật tốt của điện ảnh Việt, tái hiện một phần ký ức, tôn vinh cải lương trong nhịp song lang và tiếng đàn kìm day dứt. Ngay tại buổi công chiếu, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân thừa nhận "Song lang" là phim kén khán giả nên cũng lo lắng về doanh thu. Cô nói: "Với chủ đề áo dài, việc quảng bá tạo chú ý khán giả trước khi công chiếu dễ hơn vì áo dài là quốc phục. Tuy nhiên, cải lương lại khác, giới trẻ - đối tượng khán giả chính ra rạp, không phải ai cũng hiểu và yêu thích cải lương".
Khán giả nghiêng về giải trí
Sau nhiều phim trung bình trở xuống, điện ảnh Việt xuất hiện hai tác phẩm phong cách khác nhau nhưng chất lượng tốt, cùng cạnh tranh. Người trong giới đều mong cả hai phim thắng doanh thu bởi sự tâm huyết, chỉn chu. Nhưng trong cuộc "so găng" bất đắc dĩ này, phần thắng vẫn nghiêng về phim giải trí tử tế hơn là tác phẩm nghệ thuật tâm huyết.
Tuy chỉ là các suất chiếu sớm, "Chàng vợ của em" vẫn thu hút được lượng khán giả lớn hơn còn "Song lang" bị cắt suất khá nhiều. Đại diện truyền thông của phim "Song lang" cho biết sau 3 ngày phim này ra rạp: "Doanh thu mở màn cao hơn so với "Cô Ba Sài Gòn" từng đạt nhưng đường đến huề vốn rất khó. Những suất đầy rạp của phim là tầm 19-22 giờ, trong khi các cụm rạp khác xếp chiếu "Song lang" chỉ 1-2 suất, còn lại là suất sáng hoặc khuya, mọi người khó xem được".
Đa phần, những khán giả tìm đến "Song lang" đều là người trong giới muốn thưởng thức một tác phẩm tốt về nghề sau nhiều lời khen lan tỏa trên mạng và những khán giả từ 30 tuổi trở lên. Họ là những người từng trải qua cuộc sống ở Sài Gòn những năm 1980 muốn hoài niệm hoặc đã từng đọc, từng nghe về giai đoạn này muốn được đắm mình trong không gian thuở ấy. "Ban đầu, khi phim quảng bá có đam mỹ và còn giông giống tác phẩm "Bá vương biệt cơ", tôi ngần ngại không muốn xem. Sau khi đọc nhiều bình luận trên mạng, tôi cố gắng đi xem và thấy phim tốt. Sài Gòn những năm 1980 như hiển hiện trước mắt tôi, không sai chút nào. Với tôi, cải lương lên phim thế là đủ, tác phẩm điện ảnh là thế, nó không phải phim tài liệu mà đòi hỏi phải giống hệt từng li. Tôi chỉ thấy tiếc vì rạp chỉ gần 20 người!" - khán giả Nguyễn Thị Nguyên, ở huyện Bình Chánh, chia sẻ.
"Dù chỉn chu, thậm chí tốt hơn về mặt nghề nhưng phim "Song lang" khá nặng nề, mạch phim giai đoạn đầu chậm, chắc chắn kén khán giả nên về doanh thu dễ đoán là phim "Chàng vợ của em" tốt hơn. Dẫu vậy, tôi hy vọng khán giả ủng hộ cả hai phim để phim Việt đa dạng và những nhà sản xuất tâm huyết khai thác đề tài văn hóa Việt đi được đường dài" - đạo diễn Nguyễn Phương Điền nhận định. Thị hiếu khán giả Việt đã nâng lên nhiều, không còn dễ dãi với phim "thảm họa", "hài nhảm". Tuy nhiên, khán giả trẻ - đối tượng chính đến rạp, vẫn mang tâm lý xem phim để giải trí nhiều hơn.
Cần nhà nước bảo trợ
Chọn lựa trong thưởng thức là quyền của khán giả, nhà sản xuất phim là người kinh doanh, phải đáp ứng nhu cầu khán giả để có vốn tái sản xuất. Tuy nhiên, nếu theo đúng quy luật này, thị trường phim Việt sẽ chỉ xoay quanh phim đề tài thời thượng, thiếu những tác phẩm mang đậm màu sắc riêng. Nhiều người trong giới cho rằng cần có sự hỗ trợ từ chính sách tài trợ điện ảnh của nhà nước đối với những tác phẩm khai thác, tôn vinh đề tài văn hóa dân tộc có chất lượng nghệ thuật như "Song lang" để nhà sản xuất tâm huyết có thêm động lực tiếp tục sản xuất đường dài. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nói: "Tôi nghĩ những tác phẩm chủ đề văn hóa đầy tâm huyết như "Song lang" cần bàn tay nâng đỡ của nhà nước. Ở các thị trường điện ảnh khu vực và thế giới, luôn có sự điều tiết để bảo trợ đúng lúc, đúng người, đúng phim và liêm chính".
Bình luận (0)