Phim "11 tháng 5 ngày" của đạo diễn Nguyễn Đức Hiếu và Lê Đỗ Ngọc Linh thực hiện đã tạo được ấn tượng với khán giả khi khai thác về người trẻ. Một loạt phim truyền hình khác như "Hương vị tình thân", "Hãy nói lời yêu", "Yêu hơn cả bầu trời", "Nhà trọ Balanha", "Cô gái nhà người ta"… cũng khai thác về người trẻ theo cách riêng.
Giải bớt "cơn khát"
"11 tháng 5 ngày" đang tiến dần đến hồi kết (dự kiến vào ngày 10-11 trên VTV3) và vẫn thu hút sự chú ý từ khán giả. Theo số liệu Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Media Vietnam công bố, "11 tháng 5 ngày" có tỉ lệ người xem cao nhất trong tốp 10 chương trình truyền hình tháng 9-2021. Trước đó, vào tháng 8, phim này giữ vị trí thứ 2 trong tốp 10 nhờ lượng người xem ngày càng tăng mạnh.
Nội dung "11 tháng 5 ngày" xoay quanh câu chuyện về đời sống tình cảm, công việc của 4 người trẻ: Đăng (Thanh Sơn đóng), Tuệ Nhi (Khả Ngân đóng), Long (Hà Trung đóng) và Thục Anh (Lương Trung đóng). Trong đó, hành trình trưởng thành của Tuệ Nhi từ một cô tiểu thư ích kỷ, đỏng đảnh trở thành một cô gái biết sẻ chia, cảm thông với mọi người, hết lòng vì công việc, lo toan cuộc sống được nhấn mạnh. Một lối kể chuyện mới mẻ, đan xen giữa bi và hài, hướng đến sự lạc quan, tươi sáng đã giúp phim chinh phục được khán giả.
Phim “11 tháng 5 ngày” thu hút nhiều khán giả theo dõi Ảnh: VFC
"Phim có cách kể mới, không theo lối mòn lâu nay khi khai thác về người trẻ, mang đến làn gió tươi mát. Câu chuyện gần gũi, chân thật, đời thường phối hợp cùng dàn diễn viên diễn xuất tốt, lột tả được nội tâm nhân vật. "11 tháng 5 ngày" cũng đưa ra những bài học nhân văn để người xem từ đó rút ra kinh nghiệm sống" - nhà báo Cát Vũ nhận xét.
Trước phim "11 tháng 5 ngày", khán giả từng bị thu hút bởi hành trình trưởng thành của 2 cô gái Phương Nam (Phương Oanh đóng) trong "Hương vị tình thân" và Hoàng My (Quỳnh Kool đóng) trong "Hãy nói lời yêu". Cuộc sống của các chàng trai Thiên (Thanh Sơn đóng), Lâm (Mạnh Quân đóng), Hải (Bình An đóng) trong trường sĩ quan không quân ở phim "Yêu hơn cả bầu trời" cũng mang đến trải nghiệm thú vị cho khán giả. Câu chuyện về cuộc sống và ước mơ lập nghiệp của những thanh niên vùng nông thôn Bắc Bộ trong "Cô gái nhà người ta" cũng đạt hiệu quả tương tự.
Tuy nhiên, ngoài "11 tháng 5 ngày" và "Yêu hơn cả bầu trời", các phim còn lại đều không thể chinh phục hoàn toàn khán giả, tạo nhiều ý kiến trái chiều bởi kết cấu "đầu voi đuôi chuột", nội dung dài dòng, nhiều chi tiết vô lý, chưa lột tả chân thật hình ảnh người trẻ Việt. Trong đó, những phim Việt hóa hoặc làm lại từ các phim nước ngoài như "Hương vị tình thân", "Nhà trọ balanha", "Tình yêu và tham vọng" càng lộ rõ điểm yếu này.
Không dễ thành công
Với nhiều người trong nghề, việc có tác phẩm về người trẻ tạo được sức hút như "11 tháng 5 ngày" không phải dễ dàng.
Trong quá khứ, từng có những tác phẩm về người trẻ được đánh giá là kinh điển. Vì vậy, kịch bản của những phim mới đòi hỏi phải có sáng tạo, không đi vào lối mòn để khán giả dễ đoán tình tiết tiếp theo, cách kể mới lạ nhưng nội dung gần gũi, có hơi thở cuộc sống.
"Viết về người trẻ tưởng dễ nhưng thật ra lại rất khó. Tôi thấy cái khó nhất là làm sao để một câu chuyện gần gũi, không nhiều cao trào theo kiểu giật gân, kịch tính nhưng vẫn có thể lôi cuốn khán giả. Nhiều nhà sản xuất không tự tin với những kịch bản thiếu kịch tính, khai thác các nội dung không thuộc xu hướng được khán giả quan tâm như mâu thuẫn gia đình, ghen tuông, ngoại tình… cũng làm cho nhà biên kịch khó khai thác chủ đề này. Thêm vào đó, với một câu chuyện nhẹ nhàng, tươi sáng hơn các chủ đề khác, yếu tố bi - hài đan xen vừa phải, phim về người trẻ đòi hỏi diễn viên diễn xuất tốt, có lượng người hâm mộ nhất định" - biên kịch Đông Hoa nhìn nhận.
Điều này được minh chứng trong "11 tháng 5 ngày", dàn diễn viên đồng đều và diễn xuất tốt đã góp phần vào thành công của phim. Trong đó, độ "chemistry" (sự tương tác giữa các diễn viên trong phim) giữa 2 diễn viên chính là Khả Ngân và Thanh Sơn khá cao. Chuyện tình của họ thu hút đến mức khán giả cho rằng "phim giả tình thật", tận tình gán ghép và kỳ vọng 2 người yêu nhau ở ngoài màn ảnh, góp phần tạo độ lan tỏa cho phim.
Biên kịch Kim Ngọc đánh giá kịch bản phim về người trẻ hay bất cứ chủ đề nào cũng đòi hỏi người viết phải có nhiều vốn sống, trải nghiệm. Tuy nhiên, điều đó cũng chưa đủ mà cần phải có sự quan sát, tìm hiểu thêm về người trẻ hiện tại để biết cách hành xử thông thường, cách đối thoại, suy nghĩ của họ, từ đó sáng tạo một câu chuyện hấp dẫn nhưng gần gũi, chân thật. "Tôi ủng hộ việc thúc đẩy phát triển các phim chất lượng như "11 tháng 5 ngày", hướng đến sự lạc quan, tươi sáng, có những thông điệp giá trị và giúp người xem rút ra được bài học cho riêng mình" - nhà báo Cát Vũ bày tỏ.
Nhiều người trong giới kỳ vọng sự bứt phá, tạo được sức hút của "11 tháng 5 ngày" sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất tự tin đặt hàng phim khai thác chủ đề về giới trẻ. Hiện nay, lượng phim về các chủ đề tình cảm gia đình đan xen tình yêu, hận thù với nhiều kịch tính, cao trào đôi khi khiến khán giả "mệt mỏi". Họ cần được thư giãn bằng những tác phẩm đầy năng lượng sống, hướng đến điều tích cực của tuổi trẻ.
Bình luận (0)