xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

sức sống bài chòi

Đinh Bá Hòa

Nghệ thuật bài chòi là thú vui tao nhã của người dân Bình Định và cư dân Duyên hải miền Trung mỗi dịp Tết đến, Xuân về

1. Có dịp ghé về các làng quê Bình Định, đâu đó ta vẫn còn nghe văng vẳng câu hát của trẻ mục đồng mãi vui chơi và nghêu ngao hát :

"Rủ nhau đi đánh bài chòi

Để cho con khóc mà lòi rún ra"

hay:

"Thà rằng ăn mắm mút dòi

Cũng nghe bài chòi cho sướng cái tai"...

Nghệ thuật diễn xướng mang tính sáng tạo ngẫu hứng vừa là trò chơi dân gian vui nhộn trí tuệ này ra đời từ nhu cầu liên lạc giữa các chòi canh nương rẫy "từ thuở mang gươm đi mở cõi" ở vùng trung du rồi dần lan ra cả miền Nam Trung Bộ. Để chơi bài chòi, người ta dựng 9 hoặc 10 cái chòi bằng tre, nứa, lợp tranh như chòi canh nương rẫy, xếp theo hình chữ U. chòi cái U gọi là chòi cái. Người điều khiển cuộc chơi gọi là anh Hiệu. Muốn giữ một chân bài trước khi lên chòi phải bỏ tiền mua một thẻ bài cái, cũng có thể người tham dự cuộc chơi bước lên chòi.

sức sống bài chòi - Ảnh 1.

Ông Hai Ðúng, nghệ nhân Bình định hô bài chòi và hò bả trạo đang chuẩn bị phục trang

Khi bắt đầu cuộc chơi, anh Hiệu mang ống bài cái leo lên từng chòi rút bài, trả tiền cho vào một cái khay. Anh Hiệu đứng ở chòi cái rút trong thẻ đựng con bài, một thẻ. Rút được con nào, anh hô con đó. Các chân bài ngồi trên các chòi nhìn vào thẻ bài cái của mình. Nếu thẻ bài cái có hai con bài đã hô thì chân bài đánh ba tiếng mõ hoặc ba tiếng trống tum, báo hiệu tên con bài đó đã ứng vào thẻ bài cái của chòi mình. Anh Hiệu leo lên trao bài trong tiếng nhạc chúc mừng.

Hô tên con bài nhưng thực chất là hát lên những điệu có liên quan tới con bài, thường là một câu đố vui, dí dỏm để các chân bài và người dự hội đoán được tên con bài. Vì thế, anh Hiệu phải là người thuộc hàng trăm bài thơ, ca dao, có tài xuất khẩu thành thơ và ứng khẩu linh hoạt để thu hút mọi người tham gia dự hội.

sức sống bài chòi - Ảnh 2.

Thẻ bài chòi

Nếu như các loại bài xì, tổ tôm, tứ sắc hay như bài roullete đều là loại hình của Trung Quốc, phương Tây thì những con bài cho đến cách đánh của bài chòi đều hoàn toàn thuần Việt. Ngay cái tên gọi của con bài đều rất lạ và dân dã. Trước hết tiếng Hán, tiếng Nôm lẫn lộn trong các lá bài, khi thì lục chạng, bát bồng khi thì sáu thường, ba bụng. Những cái tên gọi đọc ra chẳng có nghĩa gì như Tử cẳng, Ngũ dít, Nhứt nọc. Nhìn vào hình vẽ trên lá bài có gì đó ngô nghê, chân chất như lá Ba gà, Sáu hộc nhưng đôi khi lại có nét vẽ nguệch ngoạc rất giống nét vẽ của trường phái hội họa siêu thực, lập thể như ở các lá bài Nhì nghèo, Tứ tượng...

Dưới bóng dừa xanh, người dân Bình Định tụ quanh tấm chiếu hoa bài chòi để nghe "chàng Bảy" "nàng Bốn" quê mình đưa giọng dẫn nhịp cho vơi bớt nỗi cực nhọc hằng ngày. Lớp trung niên trở lên ngồi trầm tư qua khói thuốc miếng trầu mà thấm điều nhân ái, đạo nghĩa trong những câu chuyện ngày xưa. Thường các bà, các chị lại thích có chút bi thảm. Cứ mỗi lần Thoại Khanh tự róc thịt cắt tay nuôi mẹ chồng trên đường tìm Châu Tuấn hay nàng Cúc Hoa hiện hồn bắt chí cho con trong truyện "Phạm Công - Cúc Hoa" là mỗi lần chéo áo, khăn trầu thấm đầy nước mắt.

2. Về đất An Nhơn, ai mà chả nghe danh cụ bà Lê Thị Đào ở thôn Mỹ Thạnh, xã Nhơn Phúc, nổi tiếng về hô bài chòi. Ngay từ nhỏ, cụ Đào đã được trời ban cho cái chất giọng thanh thoát. Khi lên 10 tuổi, cụ đã học lỏm về hô bài chòi. Năm 14 tuổi, cụ trở thành đào nhứt (đào chánh), bôn ba khắp nơi cùng những gánh bài chòi với nghệ danh Minh Trạng.

Những năm 90 của thế kỷ trước, cụ Đào gia nhập CLB bài chòi cổ dân gian Bình Định do cố NSƯT Phan Ngạn làm chủ nhiệm. Đến năm 80 tuổi, cụ mới chính thức giải nghệ nhưng nỗi nhớ nghề vẫn đau đáu. Trong suốt quãng thời gian theo đuổi nghệ thuật bài chòi, cụ đã có công không ít trong việc truyền lửa nghề cho những thế hệ hậu bối. Theo các nhà nghiên cứu, cụ Đào là "hạt ngọc" của bài chòi cổ theo phương thức dân gian. Cụ nắm giữ và tích tụ những tinh hoa của loại hình nghệ thuật này. Hiện nay, cụ là nguồn tư liệu quý để khai thác, phục vụ bảo tồn bài chòi. Đã ngoài tuổi 90, chợt quên, chợt nhớ nhưng cụ Đào vẫn thuộc những câu hô, điệu hát bài chòi mỗi khi bật ra đều ngọt ngào, êm dịu... và còn biết bao nhiêu hạt nhân nữa trên mảnh đất này đang góp phần làm cho Bình Định sống dậy, xứng đáng là cái nôi khởi nguồn làn điệu dân ca ấy.

sức sống bài chòi - Ảnh 3.

Hát bài chòi ở Hội An, Quảng Nam. (Ảnh tư liệu)

Sinh ra ở mảnh đất giàu truyền thống bài chòi và hát bội, từ thuở nhỏ, nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Đức (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) đã thấm đẫm những làn điệu bài chòi. Tuổi thơ của bà đã đi qua từ những gánh hát nghiệp dư, rong ruổi trong các làng quê. Người phụ nữ chất phác là thế nhưng mỗi khi diễn xướng bài chòi lại có một khả năng tư duy, nhanh nhạy lạ thường.

15 tuổi, cô đào Minh Đức đã lĩnh hội được tinh hoa của dân gian và lấy đi nhiều nước mắt của khán giả bằng chất giọng đặc biệt của mình. Cũng như hát bội, bài chòi ra đời từ dân gian nhưng hát bội đi vào cung đình và trở thành nghệ thuật bác học, còn bài chòi phát triển thành nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng vẫn bám trụ trong lòng người dân lao động nông thôn.

Đẹp đẽ là thế nhưng ít ai biết rằng nghệ thuật bài chòi từng bị lãng quên bởi sự nghèo khó mưu sinh. Chính những nghệ nhân tâm huyết, những gánh hát bài chòi tan rã, giọng hô nức tiếng của chị Hiệu Minh Đức cũng tan tác. Thời buổi khó khăn đã đẩy bà xuống tận đáy sâu vũng nghèo nhưng giọng hô bài chòi của bà như một thứ vàng ròng bị khuất lấp trong những cơm áo đời thường. Nghệ thuật bài chòi dường như có một sức sống bất tận, như một mạch nguồn âm ỉ chỉ chợt bùng cháy tuôn trào cho thỏa nỗi niềm đam mê, khát khao của người nghệ nhân tâm huyết.

Trong căn nhà ngói hai gian đơn sơ, người ta vẫn thấy rộn ràng thanh âm của những câu thai mà bà Đức bắt nhịp cho đứa cháu nội mới lên 5 tập hát. Và rồi đáp lại những lo toan bộn bề trong cuộc sống, người nghệ sĩ vẫn ngày ngày vượt qua đoạn đường hàng chục cây số đến khắp vùng quê truyền lại sự đam mê bài chòi cho các thế hệ người dân Bình Định. Đã qua cái tuổi 60 nhưng mỗi khi lên lớp, cô đào Minh Đức vẫn hoạt bát mềm mại trong từng động tác, điệu bộ. Giọng hát của bà vẫn ấm áp lạ thường bởi tình yêu dành cho nghệ thuật bài chòi và mong muốn giai điệu đặc biệt quê mình không bị thất truyền.

Trong năm 2018, nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định và các tỉnh duyên hải miền Trung đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vậy là từ một hình thức sinh hoạt dân gian của một địa phương, nghệ thuật bài chòi đã lan tỏa trở thành tinh hoa văn hóa của nhân loại. Song có lẽ sức lan tỏa mạnh mẽ nhất của loại hình văn hóa này chính là sự ăn sâu bám rễ vào lớp thế hệ người dân. Trong không gian yên bình làng quê, thanh âm về những câu thai bài chòi vẫn vang vọng như một sợi dây vô hình neo giữ tâm hồn những người con đất Việt.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo