Sự phối hợp lạ lùng giữa lối viết tả thực trần trụi, dữ dội với văn phong thanh thoát, trữ tình, bay bổng, lãng mạn đã làm nên nét riêng trong những tác phẩm kịch văn học của Lê Thu Hạnh.
Người xem phải suy ngẫm
Sân khấu kịch những năm gần đây xuất hiện nhiều vở diễn được dàn dựng từ kịch bản của Lê Thu Hạnh. Đó là những câu chuyện từ sâu thẳm cuộc sống, khiến người xem phải suy ngẫm về ý nghĩa sâu sắc của chúng.
Trong tác phẩm của Lê Thu Hạnh, mỗi gia đình là một cái nôi. Ở đó, con người được sinh ra và được nuôi dưỡng bằng những bài học nhân ái mà nếu không được như thế, họ sẽ cạn kiệt niềm vui, cảm xúc và khó tránh khỏi cái kết bi thương dù tài giỏi đến đâu.
Tác giả Lê Thu Hạnh trong chuyến đi thực tế tại quần đảo Trường Sa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Vở "Bến bờ xa lắc" được NSND Lê Khanh dàn dựng tại Nhà hát Kịch nói Hải Phòng mới đây đã tạo được sức hút đối với công chúng khi cùng với tác giả vén bức màn ký ức về cuộc sống, tình yêu và những khắc khoải phận người. Các tác phẩm "Chí Phèo thời hiện đại", "Mẹ của chúng con", "Tình yêu của anh", "Mảnh vỡ"… của Lê Thu Hạnh cũng đều chất chứa tính nhân văn sâu sắc và những bài học đắt giá được gửi gắm vào từng số phận nhân vật. Với bà, bài học tốt là bài học luôn đến đúng lúc và con người chỉ nên lưu giữ những ký ức đẹp.
Nhà hát Tuổi Trẻ cũng đã dàn dựng vở "Sau lưng là cả bầu trời" của Lê Thu Hạnh, do NSND Lê Khanh làm đạo diễn. Thuộc dòng kịch hiện thực tâm lý, vở diễn này là câu chuyện với nhiều câu hỏi hồn nhiên, thật và thẳng của những người trẻ đặt ra cho thế hệ đi trước. Sự thật phũ phàng cùng những quyết định táo bạo, bất ngờ của những người trẻ trong vở kịch cho người xem thấy được được một số vấn đề của cuộc sống.
Cũng trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ, "Bến bờ xa lắc" của Lê Thu Hạnh với 2 phiên bản Việt - Hàn đã mang lại thành công vang dội. Trong bản dựng Hàn Quốc, đạo diễn Lee Eun-son là người biên tập kịch bản và đảm nhận vai Thúy vì thích thú khi đọc tác phẩm của Lê Thu Hạnh.
Ủng hộ sự đổi mới
Sau chuyến tham gia trại sáng tác ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận năm 2022 do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức, tác giả Lê Thu Hạnh đã đọc nhiều đề cương, kịch bản của các thành viên. Bà cho rằng cách làm mới của Hội Sân khấu TP HCM đã giúp nhiều người cùng tìm lối đi riêng để kịch bản được "sống khỏe".
Tác giả Lê Thu Hạnh cũng là người ủng hộ sự đổi mới để trại sáng tác tạo nên những kết quả, thay đổi tích cực. Theo bà, quan hệ giữa kịch bản với con chữ không chỉ là nguồn dưỡng khí cần thiết cho sáng tác mà còn như "chất kích thích", để trong hành trình đi tìm nhân vật của mình, người "nghiện" con chữ sẽ viết về những bài học tốt luôn đến đúng lúc.
Trong từng trang viết của Lê Thu Hạnh, tình yêu không chỉ đem lại những điều đẹp đẽ, là chìa khóa mở ra những điều tuyệt vời mà còn khép lại những khổ đau, giúp con người có thêm niềm tin, ý chí. Những dòng chữ mang hồn nhân vật, thắm đượm nghĩa tình trong ký ức công chúng chính là mối lương duyên mà tác giả Lê Thu Hạnh đã tạo nên cho đời.
Lê Thu Hạnh không chỉ miêu tả con người, thiên nhiên tươi đẹp. Nhiều người trong kịch của bà vẫn đi trong nỗi cô độc nhưng bao giờ cũng đầy ắp lòng từ bi, xóa đi những vết thương, cứu chuộc lại tính người. Trong "Mảnh vỡ", gia đình ông giáo già bám vào sự hãnh tiến của cha, để rồi các con sống giả dối. Chỉ duy nhất người cháu gái Yến - vai diễn giúp nghệ sĩ Bình Tinh đoạt huy chương vàng - nhận ra điều chân thật, nhận thức mọi đau đớn trong ngôi nhà cô đang sống.
Bình Tinh thừa nhận cô bị cuốn hút bởi sự hồi hộp khi đọc kịch bản của Lê Thu Hạnh. "Nhân vật ngồn ngộn những tính cách đa chiều, trong thế giới vừa thực vừa ảo, cái kết là vị đắng nhưng đầy thú vị" - cô giải thích.
Bình luận (0)