Được giới chuyên môn đánh giá là một kép cải lương có chất giọng đặc biệt, NSƯT Trọng Phúc không khỏi tự hào. Song, anh tâm niệm phải luôn làm mới mình để tồn tại được với nghề.
. Phóng viên: Từ một ca sĩ chuyên thể hiện những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ và trữ tình, vì sao anh lại rẽ sang lĩnh vực cải lương?
- NSƯT Trọng Phúc: Đời sống gia đình khó khăn, tôi cần phải có một nghề để mưu sinh. Tôi may mắn có giọng ca nên được đi hát "lót" tại sân khấu Thảo Cầm Viên Sài Gòn, làm luôn công việc xếp ghế. Hôm nào tôi cũng mang hờ theo bộ veston và đôi giày da. Xếp ghế cho khán giả ngồi xem xong, tôi thay đồ, ngồi trong cánh gà và… đợi. Nếu ca sĩ hoặc nhóm hài nào đó không đến kịp thì tôi được ra sân khấu hát lót để "câu giờ". Nếu họ đến kịp thì thôi, tôi chờ kết thúc suất diễn rồi vào thay đồ và dọn ghế vào kho.
Ngày qua ngày như vậy, cho đến khi tôi được bầu "sô" phát hiện có chất giọng phù hợp với dòng nhạc trữ tình, mang âm hưởng dân ca. Tôi được mời thu âm, rồi xuất hiện trong hàng loạt chương trình của Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông. Một hôm, được mời thu âm ca cổ, tôi nhận lời và lại được phát hiện có khả năng làm diễn viên cải lương… Cứ thế, tôi phấn đấu đến hôm nay.
. Được tham gia những chuyến lưu diễn mang lời ca tiếng hát đến với khán giả kiều bào khắp nơi, ấn tượng gì đọng lại nhiều nhất trong anh?
- Từ những chuyến lưu diễn, tôi nhận ra rằng khán giả kiều bào rất yêu quý dân ca và cải lương, thuộc khá nhiều tuồng tích, bài hát. Tình cảm mà kiều bào khắp nơi dành cho bộ môn nghệ thuật cải lương không gì đong đếm được. Bà con thường nói hễ có người Việt là có cải lương, có những câu ca thấm nhuần ý chí mạnh mẽ vươn tới của một dân tộc.
NSƯT Trọng Phúc và NSND Thanh Ngân trong vở “Tiếng trống Mê Linh”
. Điều gì khiến anh trăn trở nhất về sàn diễn cải lương hiện nay?
- Sau thời gian dài ảnh hưởng dịch Covid-19 , sàn diễn cải lương đã vượt qua trở ngại để sáng đèn thường xuyên, giúp khán giả có cơ hội xem lại những vở diễn hay bên cạnh các tác phẩm dàn dựng mới.
Tại TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam, từ nay đến cuối năm có đến 3 cuộc thi: "Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang", "Chuông vàng vọng cổ"" và "Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc năm 2022". Đây là cơ hội để các diễn viên trẻ phát huy sáng tạo. Theo tôi, nhà nước cần đầu tư và có chủ trương hỗ trợ các đoàn dựng, quảng bá tác phẩm về đề tài cuộc sống đương đại.
. Được mời tham gia ban huấn luyện cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ " năm 2022, vai trò này có ý nghĩa gì đối với anh?
- Tôi vinh dự được Đài Truyền hình TP HCM mời tham gia ban giám khảo khách mời từ vài năm qua, song năm nay mới là lần đầu tiên tôi nhận lời, lại trong vai trò huấn luyện viên. Đây là vị trí còn khó hơn "ghế nóng" giám khảo vì phải tạo mọi điều kiện để thí sinh sáng tạo, tìm được hướng đi riêng trong cách ca diễn, phát huy tối đa khả năng thể hiện linh hoạt bài vọng cổ.
Tôi sẽ trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức có được và cùng thí sinh vượt qua chặng đường gian nan phía trước.
Các diễn viên trẻ xuất thân từ cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" đều có giọng ca tốt. Còn về diễn xuất, một số bạn từng tham gia các vở mới có vẻ dày dạn hơn. Muốn ca hay, diễn giỏi thì phải lăn lộn trong cuộc sống; biết vui buồn, trăn trở, day dứt trước thực tế đời sống thì mới có kinh nghiệm quý để hóa thân vào vai diễn.
Sau khi được phát hiện có chất giọng phù hợp, Trọng Phúc thường xuyên xuất hiện trong các chương trình ca nhạc âm hưởng dân ca lẫn ca cổ, kể cả vai trò diễn viên trên sân khấu cải lương.
Cuộc sống gian khó đã làm nên tên tuổi của một ca sĩ - diễn viên như NSƯT Trọng Phúc hôm nay.
Bình luận (0)