Ngày 4-8, Chi hội Tác giả Hội Sân khấu TP HCM đã tổ chức chuyến tham quan Bảo tàng chứng tích chiến tranh.
Chi hội Tác giả Sân khấu TP HCM tham quan bảo tàng chúng tích chiến tranh
Tác giả Trần Văn Hưng - Chi hội trưởng cho biết, kế hoạch của chi hội tác giả sân khấu là hàng tháng sẽ tổ chức một chuyên đề, đưa tác giả sân khấu thâm nhập và tìm hiểu sâu hơn về các bảo tàng và các địa chỉ đỏ tại TP HCM.
"Đây là hướng hoạt động nhằm tìm kiếm thêm nhiều chất liệu từ thực tế để bổ sung cho nguồn kịch bản viết về chính TP nơi mình đang sinh sống, công tác. Tất nhiên đối với các thành viên của chi hội tác giả những bảo tàng, địa chỉ đỏ tại TP ai cũng đã lui tới nhiều lần, nhưng khi chi hội tổ chức, có sự chia sẻ, thảo luận và mỗi thành viên sẽ có góc nhìn mới từ những tư liệu, hình ảnh, không gian và con người để sáng tác" - tác giả Trần Văn Hưng nói.
Tác giả Mỹ Dung và Lê Thu Hạnh tham quan bảo tàng chúng tích chiến tranh
Tham gia chuyến đi có các tác giả: Trần Văn Hưng, Đức Hiền, Lê Thu Hạnh, Hà Minh Mẫn, Mỹ Dung, Trần Kim Khôi, Đặng Thanh Nga, Hồng Yến, Nguyễn Châu, Mỹ Trang, Kỳ Phương, An Nhiên, Vũ Trinh…
Tác giả Hồng Yến xúc động chia sẻ, khi đặt chân vào phòng "Chứng tích tội ác chiến tranh", ngắm nhìn những hiện vật, những khung cảnh tái hiện lại diễn biến của các cuộc chiến tranh khốc liệt, chị không kềm được xúc động. "Dù tôi đã đến nhiều lần và dường như lần nào cũng đầy cảm xúc khi xem những khoảnh khắc lịch sử đau thương mà bi tráng của dân tộc mình. Thực tế đã có nhiều kịch bản viết về cuộc chiến và tinh thần cách mạng, đề tài này chưa bao giờ cũ đối với đội ngũ tác giả sân khấu" - tác giả Hồng Yến bày tỏ.
Các tác giả sân khấu tham quan bảo tàng chúng tích chiến tranh
Tác giả Lê Thu Hạnh đã lặng người khi xem những hình ảnh, tư liệu về sự thảm khốc, những mất mát, đau thương của chiến tranh mà không từ nào có thể diễn tả hết nỗi xúc động dâng trào trong lòng chị.
Tác giả Trần Văn Hưng chia sẻ thêm, cảm xúc trong anh và các đồng nghiệp thật nghẹn ngào và quặn thắt khi nhìn bức ảnh của những người phụ nữ và những đứa trẻ nhỏ sợ hãi tột độ trước quân giặc. Ẩn sâu trong ánh mắt đó chính là những tội ác man rợ, không thể tưởng tượng được của bọn xâm lược.
Tác giả Trần Kim Khôi và Trần Văn Hưng (phải) tham quan bảo tàng chúng tích chiến tranh
Đoàn đến tham quan cùng với nhiều đoàn khách du lịch của Hàn Quốc, Anh Quốc, Trung Quốc…Họ cũng có ánh mắt đầy thương cảm khi tham quan bảo tàng, đồng thời có người đứng chết lặng trước hình ảnh những nạn nhân là các trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, đối mặt với cái chết tàn nhẫn do chiến tranh gây ra.
Tác giả Hà Minh Mẫn xúc động nói rằng đây là hậu quả đáng sợ nhất mà dân ta đến thời bình vẫn phải đối mặt. "Chiến tranh thật sự chưa bao giờ là có nghĩa, nó chỉ mang đến những mất mát, những sự hy sinh cao cả mà đau đớn cho những người ở lại. Những gì mà chiến tranh để lại chỉ toàn là máu và nước mắt của đồng bào, của nhân loại, hết sức đau thương. Qua sự trải nghiệm ở bảo tàng chứng tích chiến tranh, tôi cảm nhận được một cách sâu sắc về lịch sử chiến tranh của dân tộc, để có thể đưa vào sáng tác của mình" - tác giả Hà Minh Mẫn bộc bạch.
Tác giả Hà Minh Mẫn xúc động xem lại những tư liệu quý về trận chiến Điện Biên Phủ
Tác giả Duy Linh (trái) và Trần Văn Hưng tham quan bảo tàng chúng tích chiến tranh
Các tác giả cho biết sẽ đưa vào sáng tác của mình thông điệp lòng biết ơn, trân trọng hơn bao giờ hết hòa bình mà người Việt Nam đang có được. Luôn ghi nhớ những công lao của ông cha từ thời chiến tranh để cảm nhận được giá trị cuộc sống mà chúng ta đang có hiện nay.
Trong tháng 9, Chi hội tác giả sân khấu TP HCM sẽ tham quan hai bảo tàng "Biệt động Sài Gòn".
Bình luận (0)