xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tác phẩm hễ không vi phạm là được phổ biến

Văn Nghệ

Giới chuyên môn cho rằng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang thể hiện đúng đắn đường lối chính sách của Đảng và nhà nước, vấn đề là nên xem xét việc xây dựng các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, đúng quy định pháp luật đối với quy định cấp phép biểu diễn tác phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng và nơi công cộng

Chủ trương cần thiết phải hủy bỏ quy định cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) triển khai thông qua soạn thảo nghị định mới về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, sau khi vụ cấp phép rồi rút lại rồi cấp trở lại cho 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam vào tháng 3-2017 gây bức xúc công luận, khiến ông Nguyễn Đăng Chương phải rời ghế Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo cụ thể. Mới đây, khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa nội dung này vào dự thảo của nghị định mới, công luận quan tâm trở lại.

Sự thay đổi cần thiết

Lâu nay, các tác phẩm âm nhạc, sân khấu được sáng tác trong nước sau năm 1975 là không cần xin phép phổ biến trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam do Bộ VH-TT-DL cấp. Riêng các tác phẩm ca nhạc, sân khấu sáng tác và phổ biến ở miền Nam trước năm 1975 (không kể ca khúc cách mạng và ca khúc thuộc phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên tại các đô thị miền Nam) và tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài (gọi nôm na là "hải ngoại") phải được Bộ VH-TT-DL cấp phép phổ biến thì các tổ chức, cá nhân mới được phổ biến, trực tiếp biểu diễn trước công chúng và nơi công cộng.

Muốn bỏ cấp phép phổ biến cho tác phẩm ca nhạc, sân khấu thuộc đối tượng này thì phải thay đổi quy định tại điều 29 của Nghị định 79/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012 (quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu) và Nghị định 15/2016/NĐ-CP (sửa đổi một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP).

Ông Nguyễn Quang Vinh, Cục trưởng Cục NTBD, cũng thừa nhận với phóng viên Báo Người Lao Động vấn đề cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975 và tác phẩm của người Việt định cư tại nước ngoài đã gây bức xúc dư luận thời gian qua. Ông Vinh cho rằng sẽ không còn khái niệm bài hát trước hay sau năm 1975 nữa; tác phẩm không vi phạm pháp luật, có nội dung phù hợp thì đáng được phổ biến đến công chúng. Bộ VH-TT-DL sẽ đưa vào dự thảo nghị định mới này các quy định về chính sách phát triển ngành NTBD, trong đó có nội dung quan trọng là thay đổi cách quản lý tổ chức biểu diễn.

Tuy nhiên, Bộ VH-TT-DL cũng đang nỗ lực tìm giải pháp quản lý sao cho tránh xảy ra sai phạm không lường trước khi xây dựng nghị định mới.

Tác phẩm hễ không vi phạm là được phổ biến - Ảnh 1.

Ca khúc “Đi tìm tình yêu” trong phim “Gạo nếp gạo tẻ” phát sóng trên Đài Truyền hình TP HCM, khi đưa lên sân khấu Nhà hát TP HCM biểu diễn, cơ quan cấp phép biểu diễn địa phương yêu cầu phải có giấy phép phổ biến của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vì tác giả viết lời là người Việt quốc tịch nước ngoài. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Giao quyền cho địa phương, có yên tâm?

Thay việc cấp phép phổ biến, Cục NTBD dự kiến đưa ra các tiêu chí cấm đối với tác phẩm âm nhạc, sân khấu, cứ sáng tác nào có nội dung phạm vào các quy định cấm, bất kể thời nào thì sẽ không được biểu diễn. Chẳng hạn, quy định các tác phẩm có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ tổ chức, cá nhân, đi ngược lại lợi ích quần chúng sẽ không được sử dụng dưới mọi hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc nơi công cộng... Quyền hạn và trách nhiệm cho các địa phương trong việc quản lý cũng được quy định tăng lên trong nghị định mới. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương sẽ có quyền chủ động cấp hoặc từ chối cho phép ca khúc nào đó được biểu diễn trong một chương trình nào đó dựa trên tiêu chí đã đề ra.

Cục trưởng Cục NTBD cho rằng quy định mới sẽ phù hợp hơn với thực tế vì như vậy, người dân và doanh nghiệp không cần phụ thuộc việc chờ xin - cho, ngược lại được quyền tự lựa chọn.

Giới chuyên môn cho rằng Bộ VH-TT-DL đang thể hiện đúng đắn đường lối chính sách của Đảng và nhà nước, phù hợp với điều kiện của đời sống hiện tại và nhu cầu phát triển của đất nước, còn với những ý kiến băn khoăn sẽ có tình trạng "phép vua thua lệ làng" hay có sự "vênh" nhau về nhận thức, trình độ thẩm định tác phẩm nghệ thuật thì sẽ được điều chỉnh bằng biện pháp chế tài và quản lý liên thông giữa trung ương và các địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, cũng đã cho biết Sở Văn hóa - Thể thao TP ủng hộ nội dung sẽ không còn khái niệm cấp phép cho bài hát trước hay sau năm 1975 nữa mà chỉ là cấp phép lưu hành cho các tác phẩm âm nhạc không vi phạm các tiêu chí đề ra. Theo bà Thúy, nên xem xét việc xây dựng các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, đúng quy định pháp luật đối với quy định cấp phép cho tác phẩm âm nhạc, sân khấu khi biểu diễn trên các phương tiện thông tin đại chúng và nơi công cộng trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Việc này cần được bàn thảo kỹ lưỡng và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. 

Quy định không còn phù hợp

Điều 29 (phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu) của Nghị định 79/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012 (quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu) và Nghị định 15/2016/NĐ-CP (sửa đổi một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP) quy định: Tổ chức, cá nhân phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu trực tiếp trước công chúng và nơi công cộng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài nộp hồ sơ đến Cục NTBD đề nghị cấp phép phổ biến tác phẩm; các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài phát hành dưới hình thức xuất bản phẩm phải thực hiện quy định tại khoản 3 điều này và các quy định của pháp luật về xuất bản.

Ngày 22-5-2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ VH-TT-DL rà soát, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển. Theo Phó Thủ tướng, các bài hát đã quen thuộc, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo