NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM và đạo diễn Tôn Thất Cần, Phó Chủ tịch Thường trực hội, đã báo cáo hoạt động của Hội Sân khấu trong thời gian qua, đặc biệt là kế hoạch chuẩn bị tổng kết thành quả văn hóa nghệ thuật của Hội Sân khấu chào mừng 50 năm thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).
Bảo tồn sân khấu cải lương và kịch nói
Hội Sân khấu TP HCM đã triển khai tổ chức biên tập, in và phát hành sách biên khảo "Sân khấu cải lương TP HCM: 1975 - 2025", ngày 15-7 vừa qua, tọa đàm lần 1 đã được tổ chức, thu hút 18 bài tham luận về nhiều thông tin hay của sân khấu cải lương trong giai đoạn 1975 - 1985. Dự kiến tháng 9-2023 sẽ tổ chức tọa đàm lần 2 với các nội dung từ thực tiễn về sự biến đổi của nghệ thuật cải lương thích ứng với thời kỳ mới.
NSND Trần Ngọc Giàu nhấn mạnh: "Đây là công trình tâm huyết không chỉ của Hội Sân khấu TP HCM mà còn là của số đông văn nghệ sĩ đã cống hiến cả đời cho nghệ thuật sân khấu cải lương. Công trình mang ý nghĩa tổng kết và có những đề xuất giải pháp, đặt ra những vấn đề mới cho công tác phát triển và gìn giữ sân khấu cải lương".
"Mới đây, thông qua trại sáng tác kịch bản ở Đà Lạt, Hội Sân khấu đã chọn được một số kịch bản hay để đầu tư dàn dựng nhân sự kiện chào mừng 50 năm thống nhất đất nước" - NSND Trần Ngọc Giàu cho biết.
Giải Trần Hữu Trang do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức từ năm 1991 đến 2012 là một chặng đường tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của kịch bản cải lương sử Việt
Đạo diễn Tôn Thất Cần cho biết hội cũng đã chọn ra được một số kịch bản có chất lượng cao để đầu tư dàn dựng công diễn trong thời gian tới, phục vụ mục tiêu học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Hội Sân khấu đang khẩn trương lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị nghệ thuật về việc bình chọn 50 tác phẩm sân khấu chất lượng cao tiêu biểu cho bức tranh nghệ thuật của TP HCM trong 50 năm qua. "Công việc này đang gặp một số khó khăn là nhiều vở diễn kinh điển đã bị thất lạc kịch bản gốc, kể cả băng hình tư liệu như "Người ven đô", "Khách sạn hào hoa", "Bên cầu dệt lụa", "Tiếng trống Mê Linh", "Tiếng sóng Rạch Gầm", "Tiếng hò sông Hậu", "Chim Việt cành Nam"…" - đạo diễn Tôn Thất Cần thông tin.
Hội Sân khấu TP HCM cho biết tương tự sân khấu cải lương như đã nói ở trên, hội sẽ thực hiện tiếp tập sách biên khảo về sân khấu kịch nói TP HCM; làm rõ những nét độc đáo của kịch nói Nam Bộ tại TP HCM và sự kế thừa, phát huy của các sân khấu kịch nói tư nhân hiện nay.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Hội Sân khấu TP HCM đã thông tin nhiều vấn đề còn vướng mắc, kiến nghị cần sớm có biện pháp tháo gỡ. Đó là Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM, theo dự kiến tháng 6-2023 bàn giao về Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM nhưng đến nay cũng chưa thực hiện được. "Mong các cơ quan chức năng có giải pháp đẩy nhanh tiến độ nhận bàn giao để các văn nghệ sĩ cao niên sớm ổn định nơi ăn ở, chăm sóc y tế" - đạo diễn Tôn Thất Cần trăn trở.
Một thực trạng khác là hiện nay TP HCM có nhiều sân khấu tư nhân hoạt động nhưng gặp khó khăn về địa điểm tổ chức biểu diễn. Trong khi thành phố còn nhiều rạp hát, mặt bằng chưa sử dụng. Hội Sân khấu đề nghị lãnh đạo thành phố có cơ chế tạo điều kiện cho các sân khấu tư nhân được thuê sử dụng nhằm ổn định hoạt động.
Một kiến nghị khác là cần sớm có chiến lược đầu tư, tạo điều kiện, khuyến khích các đơn vị xã hội hóa sáng tác nhiều kịch bản sử Việt cung cấp cho các đoàn cải lương tuồng cổ để giảm bớt tình trạng nhiều vở diễn hiện nay là từ các tuồng tích của Trung Quốc.
Ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, cho biết sẽ ghi nhận tất cả những vấn đề Hội Sân khấu TP HCM đã trình bày và sẽ tổng hợp để báo cáo, tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố sớm có hướng giải quyết.
Bình luận (0)