Đạo diễn Nguyễn Bảo Dung, thành viên của Sân khấu nhỏ Ibsen, đã thực hiện đề án thành lập CLB sân khấu ứng dụng thuộc Hội Sân khấu TP HCM, khởi đầu cho việc đưa nghệ thuật sân khấu đến với những đối tượng khán giả cần được chia sẻ, chữa lành.
Âm nhạc trị liệu
Cách đây không lâu, chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc "Biển của hy vọng" - Việt hóa từ bản gốc "Sea of Hope" của Hàn Quốc - phát hành trên các kênh của HTV. "Biển của hy vọng" có sự tham gia của các ca sĩ: Hòa Minzy, Isaac, Đức Phúc, Quân A.P, Chế Nguyễn Quỳnh Châu và giám đốc âm nhạc Tiên Cookie. Chương trình là sự kết hợp giữa âm nhạc, ẩm thực và hoạt động bảo vệ môi trường mang đến cho khán giả sự thích thú vì khả năng chữa lành những áp lực từ cuộc sống, bệnh.
Theo các nhà chuyên môn, âm nhạc trị liệu rất cần trong cuộc sống hiện nay. Sự ra đời của những chương trình âm nhạc chữa lành sẽ là vùng đất tiềm năng để các nhạc sĩ dấn thân sáng tác. Nhạc sĩ Vũ Hoàng bày tỏ: "Âm nhạc là yếu tố quan trọng trong việc chữa lành những tổn thương từ tâm hồn trước áp lực của cuộc sống. Cuộc sống hiện nay phát triển rất nhanh khiến nhiều lúc con người cảm thấy choáng ngợp và mau kiệt sức. Âm nhạc sẽ là người bạn tâm giao trên hành trình chăm sóc tâm hồn".
Đạo diễn Nguyễn Bảo Dung và các thành viên của Sân khấu nhỏ Ibsen trong một lần giao lưu với trẻ em khuyết tật. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Sàn diễn chữa lành
Đề xuất thành lập CLB sân khấu ứng dụng thuộc Hội Sân khấu TP HCM của đạo diễn Nguyễn Bảo Dung đã nhận được sự đồng cảm từ NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM. Theo đó, CLB sẽ tập hợp những nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn trẻ thực hiện các vở kịch ứng dụng, vở diễn với các nhân vật có thể khiến người cần chữa lành tâm sự, nói lên những bí bách trong suy nghĩ của mình. Không chỉ khoanh vùng ở bệnh tật, mất mát, cô độc mà còn mở rộng cho những dự tính ở tương lai, khi mà sự khởi nghiệp của các bạn trẻ rất cần sự động viên từ những người có vị trí nhất định trong xã hội.
"Lời khuyên từ một nghệ sĩ tên tuổi, lời chúc mừng, động viên từ một diễn viên hài, niềm vui từ những diễn viên đồng trang lứa sẽ là liệu pháp giải tỏa căng thẳng cho người cần điều trị" - NSƯT Lê Thiện thích thú về mô hình sân khấu ứng dụng.
Theo đạo diễn Nguyễn Bảo Dung, quan trọng nhất là khâu chế tác những vở diễn ứng dụng. Chẳng hạn, các chuyên gia tâm lý học sẽ tham gia ra sao để kéo người xem - đối tượng đang cần điều trị - cùng tham gia biểu diễn. Chính sự tương tác đó sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực cho vở diễn.
"Nếu vở kịch chuyên nghiệp mang đến những suy ngẫm cho khán giả về tư tưởng thì vở diễn ứng dụng tâm lý mang chủ đề chữa lành là đúc kết từ sự chia sẻ của đối tượng khán giả đặc biệt. Vì thế, vở diễn không mang tính chất biểu diễn, mà như một cuộc giao lưu, chia sẻ, nhẹ nhàng đi vào ngóc ngách những khó khăn của người xem" - đạo diễn Nguyễn Bảo Dung cho biết thêm.
Năm 2017, đạo diễn Nguyễn Bảo Dung có dịp thăm Bảo tàng của Ngài Henrik Ibsen, kịch tác gia nổi tiếng của Na Uy, tại TP Skien - Na Uy. Chị đã bị cuốn hút bởi mô hình sân khấu nhỏ chữa lành.
Nguyễn Bảo Dung bộc bạch: "Ở thời đại bận rộn, con người ít có cơ hội để trò chuyện thật sự, cởi mở thật lòng. Hầu hết ai cũng chất chứa những nỗi lòng, từ đó ảnh hưởng đến hành động và quyết định trong cuộc sống". Từ trăn trở này, nữ đạo diễn đã hình thành Sân khấu nhỏ Ibsen, hướng đến việc chia sẻ chữa lành.
Sân khấu này hoạt động với những buổi tổ chức trò chơi và rối tương tác, giúp tạo môi trường an toàn, thoải mái, hài hước, để người tham gia có cơ hội kết nối và trò chuyện với chính mình và với mọi người. Hiệu quả tùy thuộc vào từng người đón nhận và cảm nhận. Sau 4 năm hoạt động, tới thời điểm này, Sân khấu nhỏ Ibsen đã tổ chức được khoảng 250 buổi chơi và dự án (offline), 40 buổi chơi Ibsen online cho khoảng hơn 7.500 lượt người.
Bình luận (0)