Nghệ sĩ Phượng Liên cho biết những ngày chuẩn bị Tết ở California - Mỹ, bà cảm thấy rất thiêng liêng bởi Tết luôn là dịp hội tụ - sum vầy, để cả gia đình cùng nhau trò chuyện, nhìn lại một năm đã qua. Dịch Covid-19 đã khiến nhiều người không được về nhà hưởng một cái Tết trọn vẹn. Song, chọn cách ăn Tết xa quê mà vẫn giữ được văn hóa truyền thống của dân tộc thì đó là niềm hạnh phúc.
Từ trái sang: NSND Minh Vương, nghệ sĩ Đỗ Quyên, Hoài Thanh và NSƯT Cẩm Thu trong lần họp mặt tại quê nhà năm 2018
"Hai năm qua, do dịch bệnh, có lúc cộng đồng không thể tập trung được nên các suất hát phải ngưng. Hiện nay, nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ khán giả đã được tổ chức. Giới nghệ sĩ được gặp nhau và cùng biểu diễn những tiết mục ca ngợi Tết cổ truyền. Tôi mong có dịp được quay về quê nhà nhưng Tết năm nay thì không thực hiện được ước nguyện đó" - nghệ sĩ Phượng Liên tiếc nuối.
Nghệ sĩ Phượng Liên đi chợ hoa tại California - Mỹ
Nghệ sĩ Phượng Liên và các gia đình nghệ sĩ ở Mỹ vẫn giữ gìn truyền thống cúng giao thừa. Có nhà còn gói bánh chưng, làm giò chả để con cháu thưởng thức và không quên hương vị quê hương. Năm nào bà cũng được khán - thính giả gửi lời chúc Tết và yêu cầu ca những bài vọng cổ về quê hương. Đối với bà, đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất khi nhắc về Tết của các nghệ sĩ xa xứ.
Ca sĩ Lệ Thu Nguyễn
Ca sĩ Lệ Thu Nguyễn cho biết Tết cổ truyền năm nay rơi vào ngày thường, một phần cũng do dịch bệnh bùng phát nên mọi hoạt động lễ hội ở Pháp đều bị hoãn, hủy. Những kế hoạch tổ chức Tết cộng đồng của kiều bào đã không thể thực hiện như mọi năm. Bà đã sang California để tham gia biểu diễn phục vụ khán giả kiều bào tại Mỹ.
"Tuy không khí đón Tết có phần trầm lắng nhưng hương vị của món ăn ngày Tết ở miền Nam Cali thì không thể thiếu. Truyền thống gói bánh chưng, bánh tét vẫn được duy trì ở nhiều gia đình người Việt tại Mỹ nên không khí rất đầm ấm, cùng hướng tâm hồn về quê nhà và nguyện cầu sự bình an" - ca sĩ Lệ Thu Nguyễn cho biết.
Nghệ sĩ Linh Tâm và Tiểu Phụng
Vợ chồng nghệ sĩ Hoài Thanh - Đỗ Quyên (Úc) năm nay lỗi hẹn với đồng nghiệp và khán giả khi không thể về quê nhà đón Tết. Ông tâm sự qua điện thoại: "Tết đã về bên thềm cửa sổ nhà tôi rồi, khi những khóm cúc bắt đầu nở hoa. Lời chúc Tết bà con Việt kiều ở Úc nói riêng và ở nhiều quốc gia có đông kiều bào sinh sống nói chung đã giữ lại trong lòng tôi nhiều khoảnh khắc đón năm mới đầm ấm quây quần bên mâm cỗ gia đình. Tôi nhớ sân khấu, nhớ khán giả và mong dịch bệnh được sớm đẩy lùi để về hát tại quê hương mình" - nghệ sĩ Hoài Thanh thổ lộ.
Nghệ sĩ Linh Tâm cũng vọng cố hương với những bài ca cổ do anh thực hiện để đưa lên các nền tảng số phục vụ khán giả kiều bào trong và ngoài nước.
Tết này, nghệ sĩ Tiểu Phụng - con gái cố NSƯT Minh Phụng ở San Jose (miền bắc California) - đã tổ chức nhiều suất diễn phục vụ kiều bào và mong sớm có cơ hội để về quê nhà thăm mẹ - nghệ sĩ Diệu Huê, đang sinh sống tại TP HCM. "Tôi nhớ mẹ và khán giả quê nhà lắm, mong sớm được quay về biểu diễn, đóng phim" - cô ao ước.
Nghệ sĩ Chí Tâm và NSƯT Phương Hồng Thủy
Trong khi đó, nghệ sĩ Chí Tâm cứ đến đêm giao thừa thì khai bút sáng tác bài ca cổ viết về quê hương và nhớ ơn những bậc tiền bối trong nghề. Ông muốn thông qua những sáng tác của mình nhắc giới trẻ hiểu và trân quý sự cống hiến to lớn của những thế hệ nghệ sĩ dày công vun đắp nghệ thuật dân tộc.
Nghệ sĩ ưu tú Thanh Thanh Tâm
NSƯT Thanh Thanh Tâm năm qua có nhiều suất diễn phục vụ khán giả kiều bào. Chị cho biết điều khiến giới nghệ sĩ cải lương tại Mỹ phấn khởi là các suất diễn được tổ chức trở lại, dù dịch bệnh còn phức tạp nhưng bà con kiều bào vẫn đến xem, ủng hộ và cổ vũ.
"Anh chị em nghệ sĩ tâm nguyện phải giữ gìn cốt cách, tinh thần của dân tộc qua từng lời ca, tiếng hát. Vở "Tấm lòng của biển", rồi suất diễn quảng bá những sáng tác cải lương của tác giả trẻ Nguyễn Tâm với chủ đề "Kiếp tằm" đã nhận sự phản hồi tích cực của khán giả. Chúng tôi hạnh phúc lắm" - NSƯT Thanh Thanh Tâm bộc bạch.
NSƯT Thanh Thanh Tâm và NSƯT Phương Hồng Thủy chuẩn bị lên sân khấu trong một suất diễn tại Atlanta
Theo nghệ sĩ Cẩm Thu, bất cứ điểm diễn nào cũng lập bàn thờ Tổ và nghệ sĩ đều khấn nguyện các đồng nghiệp đã mất do dịch bệnh tại quê nhà. "Họ đã sát cánh với chúng tôi qua nhiều vở diễn, nay đã rời xa sân khấu mãi mãi. Chúng tôi nhớ Tết quê nhà, nhớ đến họ và mong sớm quay về để thắp nén hương tại bàn thờ của các đồng nghiệp mà mình quý mến như: soạn giả Bạch Mai, nghệ sĩ Kim Phượng, nhạc sĩ Thanh Châu, Khải Hoàn, Thanh Dũng, nghệ sĩ Thanh Linh, đạo diễn Lê Văn Tỉnh…" - nghệ sĩ Cẩm Thu xúc động.
Nghệ sĩ Cẩm Thu nhấn mạnh: "Mỗi suất hát, chúng tôi đều cố gắng gửi thông điệp yêu thương vào từng tiết mục, để góp phần bảo tồn giá trị tinh hoa của nghệ thuật truyền thống mà ông cha ta đã kiến tạo".
Nghệ sĩ Cẩm Thu và chồng - nghệ sĩ Philip Nam
Nghệ sĩ Cẩm Thu mong muốn sau khi dịch Covid được đẩy lùi, bà sẽ về nước thực hiện các chương trình YouTube tái dựng các vở diễn nổi tiếng mà cha bà - soạn giả Trương Vũ - đã sáng tác như: "Thoại Khanh - Châu Tuấn", "Suối mơ rền pháo cưới", "Cô gái rừng mai", "Người điên trên sông lạnh", "Nước mắt người điên", "Tháp đoạt hồn", "Con gái tên cướp biển", "Cha con người hát rong", "Chuyện tình trên sông", "Romeo và Juliet"... Bà cũng mong muốn được thực hiện nhiều chương trình "Sân khấu học đường" để giới thiệu đến khán giả trẻ những giá trị nghệ thuật từ bộ môn cải lương đã hơn 100 năm hình thành và phát triển.
Nghệ sĩ Minh Phượng
Trong kh đó, nghệ sĩ Minh Phượng đã về lại Canada sau một thời gian ở quê nhà. Chị định cư tại Vancouver - một trong những thành phố lớn của Canada. "Vẫn mong có cơ hội để tiếp tục được làm nghề, được gửi gắm đến khán giả những lời chúc an lành, hạnh phúc khi mà đại dịch ảnh hưởng đến toàn cầu. Nghệ sĩ dù ở bất cứ nơi đâu cũng muốn được góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống trong văn hóa, trong nghệ thuật. Tết cổ truyền dân tộc cũng là lúc nghệ sĩ hải ngoại hướng về cội nguồn, nhớ ơn các tiền nhân đã vun đắp cho nghệ thuật" - chị chia sẻ.
Nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy và nghệ sĩ Minh Cảnh
Nghệ sĩ Minh Cảnh năm nay đã hơn 80 tuổi, ông vẫn mạnh khỏe và tham gia nhiều suất diễn phục vụ khán giả kiều bào tại Mỹ. Ông cho rằng chính việc giữ gìn bài vọng cổ với chuẩn mực của nó sẽ là cốt lõi để thế hệ hôm nay góp phần gìn giữ những di sản quý mà tiền nhân để lại.
"Hơn 100 năm tồn tại và phát triển, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã tạo nhiều giá trị cho đời sống tinh thần, quý nhất là bài vọng cổ. Cho nên, tôi quan tâm đến những giá trị đạt được từ những cuộc thi ca cổ trong nước, qua đó cho thấy giới trẻ còn yêu thích bộ môn nghệ thuật này và chung sức gìn giữ nó" – danh ca Minh Cảnh nhìn nhận.
Bình luận (0)