Đọc "Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà" của Trầm Hương (NXB Văn hóa Văn nghệ TP HCM, 2018), cảm hứng kiêu hãnh như một thứ hương lan tỏa khắp tập thơ, thấm đẫm trong từng ngữ ngôn, ảnh hình của mỗi câu thơ tạo nên một thi giới thơ thấm đẫm "vị đàn bà". Song, sự kiêu hãnh đó lại là sự kiêu hãnh về nỗi đau thân phận của người đàn bà trước những đổ vỡ, mất mát, dối gian, phụ bạc, bất hạnh đã gánh chịu trong cuộc đời nhưng họ vẫn trụ vững, vẫn đứng lên, vẫn vượt qua mọi trở lực để khẳng định sự hiện hữu của mình trước những bão giông của cuộc sống.
Nỗi đau thân phận
Trung thực với mình trong từng khoảnh khắc hiện hữu dù là hạnh phúc hay khổ đau là điều cần thiết trong cuộc sống nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng thực hiện được. Bởi, trước những tham vọng, những cám dỗ của cuộc đời, con người nhiều khi phải đóng kịch, phải diễn tuồng, phải đeo mặt nạ để che giấu, chối bỏ, phủ nhận cả niềm hạnh phúc và nỗi đau của mình, biến mình thành một kiểu "kép Tư Bền" trên sàn diễn cuộc đời. Song, người phụ nữ trong thơ Trầm Hương thì khác. Họ sống "trung thực với nỗi đau/suốt đời không dối trá" và xem đây là niềm kiêu hãnh vì họ dám chấp nhận sự thật, những cay đắng của phận số mà họ gặp phải trong cuộc đời vốn đầy những bất an. Điều này đã kết tinh thành nỗi đau thân phận và hiển hiện trong thơ Trầm Hương như một tâm thức hiện sinh đi suốt hành trình sống của một phụ nữ từ "thời thiếu nữ" với biết bao "khao khát, trăn trở, kiếm tìm" cho đến khi được làm "người mẹ". Suốt hành trình ấy, người phụ nữ phải trải qua biết bao trạng thái cảm xúc trước những được mất ở cuộc đời, trước những khổ đau và hạnh phúc trong tình yêu nhưng người đàn bà ấy vẫn giữ cho mình "niềm tin thầm lặng" dẫu đang đối diện với "cô đơn", "tuyệt vọng".
Bìa tập thơ mới xuất bản của Trầm Hương (Ảnh do nhà thơ cung cấp)
Tin yêu và lạc quan là thế nhưng đó cũng chỉ là tin yêu và lạc quan của một thiếu nữ khi mới bước vào tình yêu với biết bao khao khát và lãng mạn của thời con gái hồn nhiên và vô ưu, nhìn cuộc đời và tình yêu chỉ một màu tin yêu, hy vọng. Nhưng cuộc đời không bao giờ đứng yên, mọi sự vật rồi cũng biến thiên theo lẽ tuần hoàn của tạo hóa. Cái thời con gái đầy mơ mộng ấy rồi cũng qua đi với những buồn vui không đếm được, nên tất cả tin yêu rồi cũng thành hư ảo trôi theo tháng ngày mà những lời thơ đắng chát trong thi phẩm "Phút thinh lặng mùa xuân" là một minh chứng. Để rồi, người thiếu nữ ngày nào nay đã trở thành "Người đàn bà nhạt nhòa/ lẫn vào mưa bụi" để gánh chịu"những hạt thương khó cuối mùa". Đọc những câu thơ này, lòng ta không khỏi xa xót trước những nỗi đau như một tất yếu của phận số mà người đàn bà phải gánh chịu. Bởi, đối với phụ nữ, thời con gái sẽ qua đi rất nhanh, thậm chí qua đi khi họ chưa kịp sống với nó, chưa kịp ý thức về sự hư hao của nó, để có thể tận hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc nhỏ nhoi nếu có trong cuộc đời.
Là phụ nữ, lại là phụ nữ viết văn, hơn ai hết, Trầm Hương rất có ý thức về những nỗi đau trong cuộc đời người phụ nữ mà phận số đem lại. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, trong sự nghiệp văn chương của mình, Trầm Hương viết nhiều về phụ nữ cả trong văn xuôi, trong kịch bản văn học, điện ảnh và trong thơ. Đây xem như một chọn lựa hiện sinh, trong hành trình sáng tạo văn chương của mình. Cho nên có thể nói chọn lựa đề tài về người phụ nữ để dấn thân, Trầm Hương không chỉ viết cho phụ nữ mà đó còn là viết cho chính cuộc đời mình, cho niềm kiêu hãnh của chính mình, của người đàn bà sống với nhiều nỗi đau, niềm cô đơn dằng dặc nhưng không bao giờ gục ngã.
Thơ Trầm Hương tuy không mới, không hiện đại, không có những thủ pháp lạ, ngữ ngôn, hình ảnh thơ giản dị, gần gũi với đời sống và vẫn chảy trong nguồn mạch của thơ ca truyền thống nhưng không phải không có những ảnh hình, những ý tưởng lạ, thể hiện một nỗ lực kiếm tìm, một điều rất cần cho sáng tạo của thơ mà những câu như "Uống cô đơn ngọt ngào dòi dõi phía xa" (Tâm tưởng) hay "Bàn tay của những người si tình kia/ nâng trái đất này/ tồn tại" (Vết nhẫn trên ngón tay thiếu nữ); "... Ngày anh về/ vườn xưa không còn nữa/ Gió quét lá khô nát cả chiều đông/ Em co ro trong chiếc áo len/ Cái yếu đuối rất đàn bà/ Sững sờ như hóa đá" (Khung cửa chiều đông); "Chiều nao/Con chim thôi tha rơm về tổ/ Bay qua hàng cây trụi lá/ Sau lưng gởi lại nỗi buồn" (Âm ba) và "Em, người đàn bà làm thơ/ quyết liệt và kiêu hãnh/ Đã tát anh/ Như tát vào sự yếu đuối của chính mình" (Người đàn bà làm thơ) là một minh chứng. Tôi đánh giá cao những câu thơ có tính "nổi loạn" mang ý thức hiện sinh như thế.
Tuyên ngôn sống của tác giả
Có thể xác quyết "Người đàn bà làm thơ" không chỉ là một tuyên ngôn nghệ thuật mà còn là tuyên ngôn sống của Trầm Hương trong tư cách của thi nhân: "Em người đàn bà làm thơ/ Vắt kiệt sức cho từng con chữ/ Mỗi trang viết đầy thêm/Máu mình vơi một ít/ Thơ không nuôi nổi con/ Nên em phải xuống đường/ Nhặt thống khổ, nhặt đắng cay, nhặt dối lừa, cam phận/ Chắp vá những mảnh vỡ cuộc đời/ Lấy yêu thương hóa giải/ Lấy nước mắt chữa đau/ Lấy yếu mềm chống đỡ". Và lạ lùng thay, từ trong những yếu mềm ấy người đàn bà đã đứng lên để khẳng định mình, để được làm mẹ, làm nhà thơ, làm nhà văn, làm một người "phu chữ" giàu sáng tạo để mang đến cho đời những mùa gặt trù phú trên cánh đồng văn chương như chị đã sẻ chia: "Người đàn bà làm thơ/ Như bao bà mẹ tảo tần/ Lội trên cánh đồng chữ nghĩa/ Một tay bịt trái tim đau/Tay kia lau nước mắt/ Tay bồng con tay viết sách/ Mà trải lòng. Mà phẫn nộ, đớn đau" (Người đàn bà làm thơ). Có thể nói, bài thơ "Người đàn bà làm thơ" đã mang đến một thông điệp đầy tính nhân văn chứa đựng trong đó những nỗi đau trong phận số không chỉ của một người đàn bà (!?).
Và khi nói về nỗi đau phận người, Trầm Hương cũng nói bằng chất giọng riêng có của ngòi bút đầy cá tính, mạnh mẽ như một cây xương rồng trong bão cát: "Tôi đang sống những tháng năm này/ Trong đau thương lặng thầm tiết mật/ Sức ì đời thường giẫm lên tàn bạo/ Trái tim tôi rỉ máu từng ngày/ Không, những tháng năm này tôi sống/ Giữ niềm tin trong vẻ đẹp con người/ Khi sự thật dám đổi bằng số phận/ Nén chặt nỗi đau mình không thể khác hơn" (Khúc ca xương rồng). Để rồi, thi nhân đã không chỉ tự vấn chính mình, tự vấn trước cuộc đời mà còn tự vấn cả với thượng đế. Sự nổi loạn hiện sinh này vì thế đã đưa thơ Trầm Hương đến một bến bờ khác, bến bờ của những khát khao mang tinh thần tự vấn và đây cũng là một bình diện khác trong nỗi đau đầy kiêu hãnh ở người đàn bà trong thơ Trầm Hương, tạo nên những dấu ấn độc đáo trong sự tiếp nhận của người đọc: "Hỡi Thượng đế/ Người đã không hoàn chỉnh nổi hai người đàn ông trong một con người/ Sao bắt nàng phải nhận/ Người đàn bà thu tím/ Người đàn bà đêm đen/ Người đàn bà phận bạc/ Người đàn bà muôn đời khao khát" (Không đề).
Tôi chắc thượng đế cũng không thể trả lời câu hỏi này của thi nhân. Bởi lẽ, sự hoàn thiện trong cuộc đời là điều không thể có. Nhưng đã là con người, không thể không có tình yêu và khi yêu không thể không có những mơ mộng, những khao khát kiếm tìm nhằm hướng đến một sự hoàn hảo dẫu biết rằng đó là điều không tưởng. Và đây chính là điều gây nên bi kịch không chỉ trong tình yêu mà cả trong cuộc sống của con người giữa cõi nhân gian mà Trầm Hương và thơ của chị cũng không phải là ngoại lệ.
Đọc tập thơ "Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà" của Trầm Hương, ta thấy tình yêu đã trở thành một nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh. Nó vận vào đời chị như một thứ định mệnh, có cả hạnh phúc và khổ đau, cay đắng và ngọt ngào, lành lặn và tan vỡ, hy vọng và thất vọng… Chính điều này là một trong những nguyên nhân làm nên nỗi đau của thân phận đàn bà trong thơ.
Giọng điệu riêng về nỗi đau
Viết về nỗi đau của người đàn bà và đó là nỗi đau đầy kiêu hãnh, Trầm Hương đã tìm cho mình một giọng điệu riêng, một thi pháp riêng, một thi giới riêng. Ở thơ chị, người đọc không thấy những nỗi đau ủy mị, rên rỉ đến nhàm chán trong không ít một số nhà thơ nữ đương đại. Ngược lại đó là một nỗi đau mà ngay trong sự thể hiện cũng ẩn chứa niềm kiêu hãnh của sự chịu đựng và chấp nhận như một thách thức để vượt qua sự yếu đuối thường tình ở người đàn bà, để đi về phía ánh sáng, cho dẫu phải sống trong cô đơn, thậm chí cô độc. Nhưng không phải vì thế, mùi vị của nỗi đau nhạt đi, trái lại càng bỏng rát hơn vì sự kìm nén những nỗi đau đó để mình không bị gục ngã. Bởi, hơn ai hết, người đàn bà ấy đã nhận thức rằng mình không chỉ sống cho mình mà còn sống cho bao cuộc đời khác.
Bình luận (0)