Bộ sách "Thiên đường không tuổi" do NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành gồm những tác phẩm của 6 tên tuổi: Từ Kế Tường, Mường Mán, Hoàng Ngọc Tuấn, Đinh Tiến Luyện, Đoàn Thạch Biền và Nguyễn Thị Minh Ngọc vừa ra mắt bạn đọc.
Trở về vùng trời kỷ niệm
Ơ hay, các tập sách này đã xuất bản từ rất lâu, được viết lúc tác giả mới ngoài đôi mươi, nay đã ngoài "lục, thất" rồi, làm sao lại "Thiên đường không tuổi" cơ chứ?! Nhà văn Từ Kế Tường giải thích: "Bởi lẽ đời người chỉ có một, nhưng trải qua nhiều giai đoạn: trẻ con, mới lớn, trưởng thành, vào đời, trung niên và chạm ngưỡng tuổi già sống với hoài niệm. Ai cũng sẽ có lúc náo nức để trở về với những tháng năm đẹp nhất đời người, đó là vùng trời kỷ niệm, là Thiên đường không tuổi".
Nói cách khác, đây là bộ sách của 6 tác giả chuyên viết về tuổi ô mai, tuổi mới lớn, tuổi teen, tuổi "17 bẻ gãy sừng trâu". Từ khi bước chân vào làng văn, họ đã chọn tâm thế lấy văn chương "phục vụ" cho đối tượng bạn đọc này.
Một số cuốn sách trong Tủ sách “Thiên đường không tuổi”
Như ta đã biết, trong thị trường sách báo của miền Nam thời trước có sự phân chia rõ rệt về đối tượng bạn đọc đang ở độ tuổi cắp sách đến trường. Chẳng hạn, bấy giờ đang tuổi trung học đệ nhất cấp, tôi chỉ đọc "Thằng Bờm", "Thiếu nhi"; các anh chị lớp trên lại đọc "Tuổi hoa", "Ngàn thông"; lớn hơn chút nữa thì đọc "Tuổi ngọc", "Mây hồng". Vào đại học thì có tạp chí "Văn", "Văn học"… Mà khi đã đọc "Tuổi ngọc" cũng là lúc: "Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn/ Tuổi hai mươi đến có ai ngờ/ Một hôm trận gió tình yêu lại/ Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư" (Huy Cận).
Về sách, có Tủ sách Tuổi hoa, tùy theo độ tuổi mà có Hoa xanh, Hoa đỏ, Hoa tím; Tủ sách Tuổi ngọc, Tủ sách Trăm hoa dành cho tuổi mới lớn; Tay ngà dành cho tuổi "chíp hôi chanh cốm"…
Các ông Từ Kế Tường, Mường Mán, Hoàng Ngọc Tuấn, Đinh Tiến Luyện, Đoàn Thạch Biền và Nguyễn Thị Minh Ngọc đều xuất thân từ "cái lò" "Tuổi ngọc". Tờ báo này, ngay dưới măng-sét có dòng chữ: "Tuần báo của yêu thương". Có lần gặp nhau tại Biên Hòa, nhà văn Đinh Tiến Luyện từng giữ chức Thư ký tòa soạn tờ này cho biết ngay từ thời đó đã tạo ra: "Một dòng văn thơ Tuổi ngọc. Thơ mộng, nhẹ nhàng. Không quấn gai, không đeo đá… trên lưng mà chỉ thiết tha tình người". Có thể nói, đây là tờ báo sáng giá nhất dành cho lứa tuổi mới lớn, có số lượng in nhiều nhất, trình bày đẹp, văn chương câu cú gãy gọn và nhất là không… sai lỗi chính tả! Thời trung học, hầu như thế hệ chúng tôi rất mê đọc thơ văn của họ khi in trên "Tuổi ngọc".
Trình diện thế hệ bạn đọc hoàn toàn mới
Nay, Tủ sách "Thiên đường không tuổi" ra đời đã tạo cơ hội cho họ có dịp cùng hội ngộ, cùng "trình diện" trước một thế hệ bạn đọc hoàn toàn mới. Ra quân lần này là một loạt tác phẩm chọn lọc của 6 nhà văn: "Anh Chi yêu dấu" (Đinh Tiến Luyện), "Tình yêu có màu gì" (Từ Kế Tường), "Cạn chén tình" (Mường Mán), "Ở một nơi ai cũng quen nhau" (Hoàng Ngọc Tuấn), "Đâu phải cái gì cũng mong manh" (Đoàn Thạch Biền), "Tuổi ngọc ngày chưa xưa" (Nguyễn Thị Minh Ngọc).
Trong số những nhà văn này, Từ Kế Tường vẫn là cây bút có tác phẩm được xuất bản nhiều nhất. Tái ngộ bạn đọc, ngoài các truyện ngắn "Ngôi nhà trong vườn cây", "Nhắm mắt và mơ", "Nửa vầng trăng nghiêng", "Phong du theo gió lên trời", "Sinh nhật tuổi mười bảy"…, anh còn chọn cả thơ nữa.
Với Đoàn Thạch Biền, anh cho biết: "Để "làm mới" những truyện cũ (như phim remake), dưới mỗi truyện tôi viết thêm phần tái bút (P/S). Không phải tôi muốn kéo dài truyện ngắn đã viết mà chỉ muốn bạn hiểu thêm chuyện bên lề khi tôi viết truyện đó. Biết đâu chuyện bên lề lại thú vị hơn chính truyện!". Âu cũng là một cách trả lời rất… Biền. Và đối thoại trong văn chương anh là nhân vật xưng "em" lại gọi "ông" cực ngộ nghĩnh lẫn… tréo ngoe.
Với Đinh Tiến Luyện, ngoài việc vẽ bìa cho 6 tập sách này, anh đã chọn "Anh Chi yêu dấu" - một truyện dài đã từng in nhiều kỳ trên "Tuổi ngọc", cũng là tác phẩm làm nên tên tuổi của anh. Ngoài những gì đã viết, nay anh còn có thêm "Anh Chi ngoại truyện" - như một cách tâm tình về ngày tháng làm báo và quá trình viết quyển sách này.
Với Nguyễn Thị Minh Ngọc, tất nhiên cũng là những truyện ngắn, đoản văn đã từng in "Tuổi ngọc". Sau này, Minh Ngọc đã lấn sân qua cả lĩnh vực điện ảnh, sân khấu… Đáng chú ý là các kịch bản đã từng dựng thành phim đình đám một thời: "Hải nguyệt", "Sống trong sợ hãi", "Thương hoài ngàn năm", "Ngọc Viễn Đông"…
Với Mường Mán, là những truyện ngắn câu chữ gần như thơ. Và tạo nên một bút pháp riêng biệt, sâu lắng. Những truyện ngắn "Gió thắm", "Cô bé tên Tiên", "Cát bụi ngàn khơi", "Hạnh phúc buồn", "Ai xuôi vạn lý", "Giữa đám đông", "Mất hút vào thinh không"… đem lại cho người đọc một nỗi buồn man mác, dịu vợi không cùng.
Trong số 6 nhà văn này, có lẽ ít ngao du, đàn đúm cùng các bạn văn nhất vẫn là Hoàng Ngọc Tuấn (nay anh đã mất). Trước năm 1975, anh đã có một loạt tác phẩm ấn tượng: "Hình như là tình yêu", "Cô gái treo mùng", "Ngôi nhà có hoa mimosa vàng", "Hôn lễ"… Lần này, đọc tập truyện ngắn "Ở một nơi ai cũng quen nhau", chẳng khác gì gặp lại người bạn cũ.
Văn chương là một điều gì đó khó có thể dành cho nó một "định nghĩa" đầy đủ và chuẩn mực hóa cho mọi người. Mỗi người, tùy góc nhìn, có nhận định, đánh giá khác nhau. Qua các tác phẩm của Tủ sách "Thiên đường không tuổi", tôi lại nghĩ đến tình cảm nhẹ nhàng, tình yêu thương của một thế hệ trẻ đã trải qua. Tưởng rằng "đã qua" nhưng không đâu, ở tuổi "17 bẻ gãy sừng trâu" thì thời buổi nào lại không có lần sống trong cảm xúc mà nhà văn Từ Kế Tường cũng đã từng: "Đêm nằm thương sợi tóc rơi/ Nghe mùi hương cũ cả đời còn thương"…
Cứ thế, dòng văn chương của yêu thương lại ra đời gợi nhớ từ thế hệ trước đã đi qua. Và thế hệ hôm nay lại tiếp nối như một cách làm giàu thêm cho "Thiên đường không tuổi".
Bình luận (0)