Tôi không phải người Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh nhưng tôi lại yêu thành phố này đến lạ lùng!
Cứ mỗi lần đến dịp 30 - 4, má tôi lại nhắc đến câu chuyện cũ của cậu Năm, như một sự tri ân về nghĩa cử nhân ái, bao dung của người dân thành phố.
Cậu Năm là con trai một trong gia đình có chín chị em gái. Cậu bị bắt đi quân dịch mấy tháng thì Sài Gòn được giải phóng. Cũng như hầu hết những người lính chính quyền Sài Gòn khác, cậu buông súng, cởi áo, trên người chỉ độc chiếc quần đùi, chạy bộ từ Phước Long qua Sài Gòn giữa cái nắng gay gắt rồi ngã gục trên phố. Những người dân Sài Gòn đã giúp đỡ bằng cách cho cậu cơm ăn, nước uống. Một bà má Sài Gòn đã nhanh tay khoác cho cậu chiếc áo bà ba, một bác trai đã tháo đôi dép đang đi cho cậu. Một anh cán bộ quân giải phóng cho cậu cái nón tai bèo. Cậu chạy gần 80 cây số nữa thì về đến nhà ngoại tôi với đôi dép mòn vẹt từ đế lên nửa chiếc, cái áo bà ba phụ nữ chật chội cậu chỉ có thể gài một nút gần cổ, đẫm mồ hôi. Cậu bảo nếu không có tấm lòng nhân ái của người Sài Gòn, chắc cậu đã "xong" rồi. Bà ngoại tôi khóc, miệng không ngớt "Mô Phật" cám ơn những người Sài Gòn tốt bụng. Năm ấy tôi vẫn chưa có mặt trên cõi đời này. Đến nay, Sài Gòn chính thức mang tên thành phố Hồ Chí Minh được 45 năm, tính ra tôi nhỏ hơn thành phố tròn 5 tuổi!
Rồi tôi cũng có dịp lên thành phố, không chỉ một lần mà đến rất nhiều lần. Đặt chân đến thành phố Hồ Chí Minh, lòng tôi trào lên cảm xúc rất đặc biệt. Cũng phải thôi, lịch sử của Sài Gòn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh đã hơn 300 năm, thành phố đã đứng vững qua bao phen khói lửa, bao cuộc chiến đau thương và oanh liệt, xứng danh "Thành đồng Tổ quốc".
Tôi lang thang qua bến Chương Dương, qua dòng kênh Tàu Hũ - sông Bến Nghé, nhìn những đám lục bình, những chiếc đò ghe ngược xuôi, lòng bồi hồi như vừa băng qua thời gian. Những bến sông lặng lẽ như cuộc đời âm thầm dưới lòng thành phố bận rộn. Nép bên sông là những khu dân cư của người lao động tứ xứ về lập nghiệp, cuộc sống bình dị, mộc mạc; còn phía xa là khu trung tâm thành phố với nhịp sống hối hả, tất bật cùng những tòa nhà cao vút giữa trời.
Những hàng cây xanh ngắt trên các con đường ở TP HCM đẹp đến nao lòng. Ảnh: ĐỨC NAM
Tôi qua bến Nhà Rồng, nơi cách đây 110 năm người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Ai một lần đến với bảo tàng đều lặng người xúc động khi đứng trước đôi dép cao su mòn vẹt theo năm tháng khi cùng Người đi khắp năm châu.
Thành phố trẻ trung và phảng phất nét duyên thầm với những con đường rợp bóng hàng me. Tôi lang thang trên đường Nguyễn Du ngập bóng mát của hàng me cổ thụ đang mùa thay lá. Những lá me non xanh mởn mởn làm dịu đi cái nắng chói chang giữa lòng thành phố, con đường như được ôm trọn màu xanh tươi mát.
Vẫn còn đó những con hẻm dài ngoằn ngoèo nhiều ngã rẽ. Mỗi con hẻm chứa đựng vô vàn câu chuyện với đủ cung bậc buồn vui của đời thường bình dị. Phải phóng khoáng và bao dung lắm vùng đất này mới dung nạp và mở lòng với nhiều dòng người lao động mà dấu ấn riêng về ngôn ngữ, tập quán theo năm tháng đã gắn kết thành một cộng đồng người trọng nghĩa khí, cần cù, sáng tạo, tạo nên một vùng đất rộng lớn, sầm uất, tiềm năng nhất của vùng Nam Bộ.
Trong những đổi thay của thành phố mang tên Bác, không thể không kể đến những con đường mới, những công trình giao thông mang tầm cỡ khu vực. Những con đường không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện mà như những mạch máu trong sự phát triển kinh tế của thành phố sôi động bậc nhất cả nước này.
Theo thời gian, thành phố luôn có những sự thay đổi lớn, nhưng tấm lòng của người thành phố vẫn được tô đẹp thêm bởi sự bao dung, nhân ái, nghĩa tình. Tôi nhớ có lần cơn mưa chiều bất ngờ ập xuống, tôi cùng người bạn nép vội dưới chân cầu vượt Hàng Xanh. Mưa dai dẳng không dứt, chúng tôi sốt ruột quyết định về. Thấy chúng tôi không có áo mưa, bác trai đứng cạnh liền lôi ra cái áo mưa từ giỏ đệm: "Cô cậu trùm đỡ cái áo mưa này nè, nó rách cái tay nhưng che cũng được". Thấy tôi ngại ngần, bác cười: "Tui đợi hết mưa mới về lận, cô cậu cứ lấy mặc đi". Có lần tôi bắt xe đi xe ôm từ bến xe Miền Đông về ngã tư Đồng Đen - Gò Cát và ngược lại, bác xe ôm chở tôi đến nơi rồi bảo: "Bác đi đằng này một lát, khi nào xong việc, con gọi cho bác theo số này...". Tôi móc ví định trả tiền xe ôm thì bác xua tay: "Lát về tính luôn!". Tôi chưa kịp nói thêm thì bác đã chạy rồi. Vòng về, tôi hỏi bác: "Lỡ con không gọi cho bác thì coi như bác đã mất tiền". Bác cười: "Thì coi như bác chở làm phước!".
Tôi chỉ là người dân tỉnh lẻ, nhưng mỗi lần đến thành phố này, tôi vẫn nghĩ mình là người con thành phố, đi xa vừa mới trở về.
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải
Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021)
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)