Đang luống cuống để dắt xe lên vỉa hè thì một người đàn ông chừng 30 tuổi, ăn mặc lịch sự, khuôn mặt ưa nhìn từ trong quán chạy ra giúp tôi. Anh ta vui vẻ nói đầu mùa hè, mưa nắng bất chợt và dặn tôi "đi đâu cũng phải mang theo áo mưa nha chị". Tôi gật đầu đầy cảm kích nói lời cảm ơn và đi vào quán. Tôi chọn một bàn trống, có chỗ ngồi có thể nhìn ra phố để chờ bạn. Vừa ngồi xuống, người giúp tôi đẩy xe ban nãy cũng ngồi ngay bàn bên cạnh.
- Chị hẹn người yêu à?
Tôi cười lắc đầu không phải.
- Thế chị hẹn chồng à?
Tôi cau mày nghĩ người này phiền thật. Hẹn ai mặc người ta, quan tâm một cách thái quá. Tôi đã cố lơ đi để anh ta biết rằng người khác không thích bắt chuyện với mình nhưng anh ta cứ thao thao nói. Tôi khó chịu nghĩ thầm gã này trời hành phải nói sao ấy, miệng không để ăn da non nữa.
- Chị ơi, ngoài đường phố giờ họ chạy xe vèo vèo, chị nhớ đi cho cẩn thận nhé. Lỡ tai nạn ra đấy, nhẹ thì bị thương, nặng thì mất mạng. Gia đình mất đi người thân, đau xót lắm. À, chị nhớ ăn chay niệm Phật nhé. Phật sẽ độ trì cho chị. Khi đi đường chị nhớ niệm Phật A Di Đà nha. Chị cứ niệm A Di Đà Phật, A Di Đà Phật thì sẽ được bình an vô sự.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
"Trời ơi, cứ ngồi mà nghe gã điên này lảm nhảm chắc nổ não quá. Tưởng đến quán cà phê sẽ tìm được không gian riêng, ai dè…". Trong lòng tôi lúc đó còn ngột ngạt, bức bối hơn cái ánh nắng hè đang lên cao và bắt đầu rực rỡ. Tôi đứng dậy đi ra phía quầy. Người đó còn cười dặn với theo:
- Chị cứ gọi em là Hy Vọng nha. Em tên là Hy Vọng. Cái tên này ý nghĩa với em lắm đó chị.
Tôi đến chỗ cô chủ quầy, yêu cầu đổi bàn khác. Ở đây, tôi đã nghe được câu chuyện về anh chàng kia. Chủ quầy vừa nhìn anh ta vừa kể với tôi bằng một giọng nhỏ nhẹ, chỉ đủ mình tôi nghe.
Hai năm nay, dù mưa hay nắng, cứ thứ bảy anh ta lại tới đây ngồi từ sáng đến trưa và chỉ ngồi đúng một chỗ đó. Không ai biết tên anh ta là gì, toàn gọi là Thằng Điên, còn anh ta cứ nói mình tên Hy Vọng.
Chuyện là lúc gần Tết của hơn 2 năm trước, anh ta đến đây, cũng ngồi bàn đó. Anh ta cứ nhìn ra phía đường, có vẻ vui lắm. Nhưng cả quán bất ngờ ồn ào lên, xô hết ra ngoài cửa khi nghe tiếng hét lớn. Rồi những lời hoảng hốt: Tai nạn rồi, chết người rồi. Anh ta phi ra giữa đường ôm một cô gái mặc chiếc váy hồng dính đầy máu. Cô ấy bị một chiếc xe con tông khi vội sang bên đường. Anh ta gào khóc thảm thiết. Rồi anh ta lại cười, cười mà nước mắt giàn giụa. Có lẽ đó là khoảnh khắc đau xót nhất của đời người mà không lời nào có thể diễn tả được. Anh ta móc trong túi áo ra một chiếc hộp nhỏ, cẩn thận đeo chiếc nhẫn vào tay cô gái. Khuôn mặt trắng bệch của cô gái như hồng trở lại, nhìn như đang cười. Mọi người có mặt ở đó ai cũng lặng người, không cầm được nước mắt. Anh ta cứ ngồi ôm chặt người yêu giữa đường như vậy cho đến khi xe cứu thương đến đưa cả hai người đi. Bặt đi cả nửa năm, anh ta quay lại quán thì thành ra như vậy. Chỉ chọn đúng một chỗ ngồi đó và lúc nào cũng nói mình tên Hy Vọng.
Tôi cứ bị cuốn theo lời kể của cô em đứng quầy, không ngăn nổi những giọt nước mắt đang lăn dài. Tôi bước về phía bàn mới của mình sát mé bờ sông mà lòng chợt nặng trĩu. Tự nhiên thấy áy náy khi ruồng rẫy sự khao khát được trò chuyện của một con người tội nghiệp. Ngồi một mình chờ bạn, mọi chú ý của tôi lại đổ dồn về phía anh ta.
Hy Vọng vẫn bắt chuyện với những người ngồi gần, lâu lâu lại liếc nhìn chiếc đồng hồ đeo tay rồi lại nhìn sang phía đối diện bên kia đường. Một lúc, anh ta đứng dậy lựa dòng xe đang lao đi trên đường mà băng qua bên kia, dắt tay một bà cụ qua đường. Bà cụ mỉm cười, gật gật đầu cảm ơn và nói điều gì đó. Hy Vọng cũng vui vẻ đáp lại, chỉ tay sang bên kia như muốn nói rằng mình đang chờ người.
Hy Vọng quay trở về chỗ ngồi. Tôi cũng quay lại với thế giới riêng của mình là ly cà phê sữa chưa kịp đánh bông. Gió ngoài sông thổi vào mát rượi. Đôi mắt tôi mải đuổi theo những đám lục bình đang dập dềnh trôi qua. Đến khi chợt quay lại chỗ Hy Vọng, tôi đã thấy anh ta đang giúp một em nhỏ đẩy chiếc xe lăn có bà mẹ ngồi trên lên vỉa hè. Hai mẹ con người hát rong và rổ hàng với vài phong kẹo, bao thuốc lá, vài cây bút bi… cúi đầu cảm ơn. Hy Vọng lấy trong ví ra một tờ hai mươi ngàn đồng đưa cho người mẹ, lựa lấy một thỏi kẹo Alpenliebe vị dâu đưa cho đứa bé, cười nói rằng muốn tặng nó. Đứa bé tròn mắt ngạc nhiên về vị khách lạ lùng mà lần đầu tiên nó gặp.
Bạn đến, chúng tôi vui vẻ nói chuyện, tôi không còn chú ý đến Hy Vọng nữa. Đến khi tôi và bạn tính tiền ra về, anh ta vẫn ngồi đó nhìn dòng người tấp nập lại qua. Cô em chủ quán thì thầm: "Anh ta lạ lắm chị ạ. Lúc thì như dở hơi, có lúc lại rất bình thường. Ngày anh ta mới trở lại quán sau vụ người yêu bị tai nạn, bà mẹ có đến tìm, bảo anh ta bị sang chấn tâm lý, giờ như hai con người - lúc điên lúc tỉnh".
Ánh nắng trưa hè rực rỡ như rót mật xuống mặt đường. Hy Vọng hết nhìn đồng hồ lại nhìn sang phía đường đối diện. Rõ ràng anh ta đang sốt ruột lắm nhưng lại đang mỉm cười. Có thể nhiều người cho rằng sự chờ đợi của Hy Vọng chỉ khiến cho anh ta càng thêm đau khổ nhưng tôi lại thấy anh ta đang hạnh phúc. Niềm hạnh phúc mà chỉ riêng anh ta mới cảm nhận được. Tôi chợt nhớ đã từng đọc ở đâu đó câu nói rằng "Chờ đợi là đau khổ nhưng không có gì để chờ đợi còn đau khổ hơn".
Bình luận (0)