* Phóng viên: NSƯT Thanh Thanh Tâm có thể chia sẻ về dự án mà chị đang ấp ủ?
- NSƯT THANH THANH TÂM: Đó là dự án số hóa những bài học kinh nghiệm về diễn xuất để truyền lại cho thế hệ diễn viên trẻ. Ngày 27-6, ban biên soạn sách "Sân khấu cải lương giai đoạn 1975 đến nay" do Hội Sân khấu TP HCM chủ biên sẽ có cuộc họp khởi động việc đầu tư ấn phẩm chào mừng 50 năm thống nhất đất nước, trong đó tôi được mời viết lại những bài học quý về diễn xuất.
* Có thông tin cho rằng Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long dự định mời chị tham gia biểu diễn?
- Chuyến về nước lần này tôi muốn dành thời gian nhiều cho gia đình. Sau khi ba tôi qua đời, NSƯT Tô Kim Hồng sống trong nỗi nhớ nên tôi sẽ đưa cô đi nhiều nơi, cùng tôi nhớ về những ký ức của ba. Nghệ sĩ Bình Tinh đã mời tôi thực hiện một đêm live show nhưng tôi chưa dám hứa. Song, việc tôi hào hứng chính là tham gia giảng dạy cho các diễn viên trẻ của đoàn vì tôi đã có hơn 10 năm cộng tác với Huỳnh Long, hiểu rõ khuynh hướng sáng tác, căn bản vũ đạo, cấu trúc dàn dựng, cách sử dụng, vận hành âm nhạc trong biểu diễn mang phong cách của cô Bạch Mai và chú Đức Lợi.
* Suy nghĩ của chị về hậu duệ của Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long?
- Nghệ sĩ Bình Tinh quá giỏi, sau chuyến đi diễn tại Canada, rồi đưa đoàn sang Pháp, sắp tới là chuyến lưu diễn tại Mỹ, Bình Tinh đã thay cha mẹ của mình thực hiện di nguyện "đem chuông đi đánh xứ người" một cách rất chuyên nghiệp. Đây là cơ hội trải nghiệm quý của các diễn viên trẻ, đồng thời mở rộng thị trường biểu diễn cho thế hệ hậu bối của Huỳnh Long. Tuy nhiên, tôi khao khát bên cạnh những vở tuồng tích Trung Quốc, Huỳnh Long cần chăm chút, khai thác đề tài lịch sử Việt.
NSƯT Thanh Thanh Tâm và nghệ sĩ Bình Tinh
* Phải chăng dự án của chị cũng xuất phát từ việc góp phần nâng niu các tác phẩm tuồng cổ sử Việt?
- Tôi tối kỵ việc diễn tuồng sử Việt mà mặc trang phục Hồ Quảng. Đôi khi chạy theo cái đẹp mà bỏ quên ý thức làm đúng trước khi muốn làm hay. Tôi có dự án mời các nhà sử học, các nhà nghiên cứu cùng đối thoại về những kịch bản cải lương tuồng cổ dựa theo sử Việt, từ đó chuẩn hóa cách truyền nghề theo phương pháp của riêng tôi. Việc này đòi hỏi thời gian, công sức, để những buổi talk show bổ ích đó sẽ tác động đến ý thức bảo vệ cội nguồn từ thế hệ diễn viên tuồng cổ hôm nay. Mừng là nghệ sĩ Bình Tinh, Thái Vinh - hai trụ cột của Huỳnh Long - cũng cùng tâm nguyện với tôi, cố gắng từng bước thực hiện chuỗi đối thoại ý nghĩa này.
* Điều gì về sân khấu cải lương khiến chị quan tâm nhất hiện nay?
- Như tôi đã nói, Hội Sân khấu TP HCM thực hiện công trình biên khảo thứ 2 tiến đến việc in sách. Tôi hào hứng với dự án này, vì nhờ sân khấu Xung kích Thanh niên của Nhà hát Trần Hữu Trang, tôi đã được đào luyện để trở thành diễn viên. Tôi nhớ ơn NSND Phùng Há, nghệ sĩ Kim Cúc, Công Thành, Hoàng Ba... - những người thầy đã truyền nghề cho tôi. Nhắc đến để biết rằng tôi không bao giờ quên những vai diễn, bài học quý từ chiếc nôi này: Mai Ly trong vở "Mùa xuân cho em", Kim Thông trong vở "Dệt gấm"... Năm tôi học nghề là 15 tuổi, nay tôi đã 60 tuổi rồi, được truyền nghề là tâm nguyện của tôi.
* Dư luận cho rằng chị chính là mẹ ruột của Hồng Loan - con gái của cố NSƯT Vũ Linh?…
- Hoàn toàn là tin thất thiệt, không có cơ sở. Tôi và anh Vũ Linh chỉ là đồng nghiệp. Lúc trẻ đã từng có cảm tình nhưng rồi chúng tôi chỉ dành hết trái tim yêu thương cho vai diễn. Tôi cảm ơn sự yêu mến của số đông khán giả dành cho nghệ sĩ và sân khấu nhưng xin đừng thêu dệt chuyện sai sự thật. Tôi chỉ có hai người con, không liên quan gì đến Hồng Loan như lời đồn đại.
Bình luận (0)