Sau khi nhận nhiều lời chê nhằm vào nội dung, phim "Kiều @" hiện vẫn ra rạp nhưng với số suất chiếu ít ỏi. Trước "Kiều @", phim "Cậu Vàng", "Lôi báo", "Fan cuồng"... cố gắng khai thác yếu tố độc lạ, mới mẻ liên quan đến kỹ thuật, diễn viên, nội dung nhưng cũng thất bại về doanh thu. Nguyên nhân chủ yếu của các thất bại này được quy tựu trung là chưa thể kể được một câu chuyện chạm trái tim khán giả, thuyết phục để tạo được hiệu ứng truyền miệng đưa khán giả đến rạp.
Doanh thu ảm đạm
Phim "Kiều @" được quảng bá là tác phẩm xây dựng cảm xúc từ "Truyện Kiều" của cố đại thi hào Nguyễn Du và xây dựng ý tưởng từ vở cải lương "Nửa đời hương phấn". Phim quay bằng kỹ thuật "one shot" (một cú máy) xuyên suốt từ đầu đến cuối. Đây là phim điện ảnh Việt đầu tiên thực hiện kỹ thuật này trong cả tác phẩm dài hơn 90 phút. Vì đặc thù của kỹ thuật này, các diễn viên phải làm việc kỹ lưỡng với nhau trong từng phân cảnh, tập dượt để khi lên trường quay chỉ cần một cú quay.
Hậu trường một cảnh trong “Kiều @”. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Với kỹ thuật quay mới này, việc thực hiện phim gặp nhiều khó khăn. Đạo diễn Đỗ Thành An cho biết mất đến 3 năm dồn hết tâm huyết để tạo nên bộ phim với sự hỗ trợ từ PGS-TS - họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú và các thành viên trong ê-kíp. "Kiều @" với sự mới lạ về kỹ thuật quay đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận xác lập kỷ lục "Bộ phim điện ảnh đầu tiên ở Việt Nam quay bằng kỹ thuật "one shot" - cú máy tiếp diễn có thời lượng phim trên 90 phút".
Dù tạo được sự chú ý ban đầu nhưng "Kiều @" bị nhiều chỉ trích khi chính thức ra rạp từ ngày 26-2. Thậm chí, phim còn bị cho là "thảm họa điện ảnh" Việt. Sự chê bai tập trung vào kịch bản thiếu thuyết phục, tâm lý nhân vật phát triển chưa phù hợp, thiếu hơi thở thời đại, nhiều tình tiết vô lý.
Thêm vào đó, một số diễn viên của phim diễn xuất chưa tốt. Phần kỹ thuật "one shot" lẽ ra là lợi thế nhưng lại trở thành điểm khiến người xem mệt mỏi do nhiều cú máy chao đảo, nhiều đoạn tua nhanh, cách xử lý hậu kỳ chưa thể tạo được dấu ấn thị giác đặc biệt. Phim có tâm huyết, nỗ lực nhưng chưa đủ sức thuyết phục.
Theo thống kê của trang Box Office Việt Nam (trang thống kê phòng vé độc lập với sai số nhỏ), "Kiều @" hiện đạt doanh thu hơn 800 triệu đồng và khó tránh bị lỗ nặng. Đạo diễn Đỗ Thành An từng chia sẻ: "Tôi làm "Kiều @" khi quyết định đưa thêm kỹ thuật mới vào phim điện ảnh, bạn bè cản tôi, bởi họ biết nó mạo hiểm. Nhưng nếu cứ nằm trong vùng an toàn mãi, điện ảnh sẽ nhàm chán. Và "Kiều @" đã ra rạp, lúc này nó giống như một trái sầu riêng, người thích mùi vị của nó thì thấy ngon, còn người không thích bảo rằng nó có mùi khó chịu. Ngon hoặc không ngon đó là khẩu vị của mỗi người, tôi không có quyền phán xét!...".
Số phận phim "Cậu Vàng", lấy cảm hứng từ tác phẩm kinh điển của nhà văn Nam Cao và do Trần Vũ Thủy đạo diễn, cũng tương tự. "Cậu Vàng" tập trung vào quảng bá việc sử dụng diễn viên "bốn chân", đẩy lên làm nhân vật chính, trung tâm của phim - điểm mới của điện ảnh Việt nhưng doanh thu chỉ được khoảng 3 tỉ đồng.
Phim "Lôi báo" của đạo diễn Victor Vũ, "Fan cuồng" của đạo diễn Charlie Nguyễn... được nhà sản xuất kỳ vọng khi rẽ hướng khai thác những chủ đề "độc, lạ" như siêu anh hùng Việt, vượt thời gian cũng thất bại gây sốc.
Mấu chốt nhất vẫn là kịch bản
Vì sao những phim điện ảnh Việt khai thác chủ đề "độc, lạ" hoặc tìm kiếm cái mới qua các yếu tố kỹ thuật quay, diễn viên đặc biệt đều không thành công? Các phim này cũng được nhà sản xuất dồn tâm huyết, sẵn sàng chi kinh phí lớn, không ngần ngại thử nghiệm. Nhiều người trong giới nhận định một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại là các nhà sản xuất quá chú tâm vào yếu tố mới, độc đáo và lạ mà chưa thể tạo ra một câu chuyện hay, chạm được cảm xúc, đúng với thị hiếu hiện tại của khán giả.
Chẳng hạn như với phim "Kiều @", nội dung chưa đủ thuyết phục khán giả, nhất là lý do để Hương chấp nhận cuộc sống gái bán hoa hạng sang. Những tình tiết được diễn giải thiếu hẳn hơi thở thời đại, không có sự gần gũi khiến khán giả phải đồng cảm dù rằng nhiều người biết đến câu chuyện "tình chị duyên em" từ vở cải lương nổi tiếng "Nửa đời hương phấn".
Nội dung phim "Cậu Vàng" cũng gặp vấn đề tương tự. Trong khi đó, "Fan cuồng" có mạch phim chậm, tình tiết nhạt, thiếu điểm nhấn. Phim cũng có những tình tiết thiếu thuyết phục như một người chỉ cạo râu, cắt tóc, đeo kiếng đã khiến cho mọi người không nhận ra.
"Một tác phẩm điện ảnh hiện nay, dù bất kỳ thể loại nào thì điểm mấu chốt nhất vẫn là kịch bản và kịch bản. Một câu chuyện hay được kể thuyết phục, chạm được cảm xúc khán giả thì khán giả có thể bỏ qua cho những điểm chưa hay khác về kỹ thuật, dựng, hóa trang… Như phim "Bố già" xoay quanh chủ đề tình cha con, anh em, được kể một cách gần gũi, nhiều người xem sẽ thấy bản thân mình trong nhân vật. Vì nội dung phim, họ có thể bỏ qua cho các yếu tố bị chê như phim còn mang dáng dấp phim truyền hình, còn chất kịch và thiếu chất điện ảnh…." - biên kịch Thanh Hương nhận định.
Việc sáng tạo, khai thác đề tài "độc, lạ", mới mẻ là việc mà nhà sản xuất phải làm để thị trường phim Việt ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, sự tập trung chủ yếu của một phim vẫn nên là kịch bản thật hay trước rồi sau đó mới là những phần khác. Đặc biệt, nhà sản xuất Việt vẫn chưa đủ tài lực để tạo nên các tác phẩm kỹ thuật vượt bậc như Hollywood làm được thì nên nỗ lực tập trung sáng tạo ở những gì mình có, nhất là những câu chuyện bắt kịp thời đại, đáp ứng những điều khán giả cần.
Bình luận (0)