Sáng 29-12, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết "Nước Nga trong trái tim tôi" 2020. Cuộc thi được tổ chức nhân kỷ niệm 25 năm ký kết "Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga" (1994-2019) và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Liên bang Nga (30-1-1950 - 30-1-2020).
Sau 6 tháng phát động (kể từ ngày 1-5-2020 đến hết 30-11-2020) Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được hơn 300 tác phẩm dự thi, trong đó đã lựa chọn, đăng tải gần 100 tác phẩm trên 4 ấn phẩm là báo Quân đội nhân dân hàng ngày, báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, báo Quân đội nhân dân Điện tử và nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng.
Thượng tướng Trần Quang Phương trao giải Nhất cho tác giả Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân
Giải nhất được trao cho tác phẩm "Thầy tôi!" của Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, cựu sinh viên học tập tại Khoa báo chí Đại học Quốc tế Lomonosov.
Hai giải nhì thuộc về các tác giả Quách Đình Hợi với loạt bài 2 kỳ "Nơi trái tim Việt - Xô, Việt - Nga hòa cùng nhịp đập" và Phạm Mỹ Hạnh với loạt bài 2 kỳ "Xứ sở bạch dương - nơi chắp cánh bay cho vị tướng Việt Nam". Ba giải ba được trao cho tác phẩm "Ký ức từ Quảng trường Đỏ" của tác giả Ngô Anh Thu, tác phẩm "Những người bạn sắt son giữ yên giấc ngủ Bác Hồ" của tác giả Hồng Linh và "Điều còn lại ở nước Nga" của tác giả Phạm Quang Long.
Ngoài ra, Ban tổ chức (BTC) cũng trao tặng Giấy chứng nhận cho 14 tác giả có tác phẩm đạt điểm cao trong vòng Chung khảo.
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà Báo Việt Nam, trao giải Nhì cho tác giả Quách Đình Hợi và Phạm Mỹ Hạnh
Theo đánh giá của BTC, "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt mạch nguồn cảm hứng tuôn chảy trong mỗi tác phẩm là những ngày tháng, kỷ niệm sâu sắc, không thể quên được của chính những người trong cuộc trong những năm tháng học tập trên xứ sở Bạch dương. Những kỷ niệm ấy đã theo họ suốt cuộc đời, thậm chí ngay cả các tác giả chưa một lần đặt chân lên xứ sở Bạch dương nhưng tình yêu với đất nước Liên Xô/Liên bang Nga là vô bờ bến, nồng hậu.
Đó là những ký ức của tác giả Lê Phúc Nguyên về thầy giáo Yaden Nicolaievich - Giáo sư, Trưởng khoa Báo chí Trường Đại học Tổng hợp Moscow mang tên Nhà khoa học Lomonosov, người được tôn vinh là "tổ phụ" của báo chí hiện đại Liên Xô và Nga, người thầy đào tạo ra bao nhà báo danh tiếng của các cơ quan ngôn luận lớn.
Đó cũng là những chia sẻ của Thượng tướng Võ Văn Tuấn, một trong những phi công đầu tiên của Việt Nam học chuyển loại và lái máy bay chiến đấu hiện đại Su-27 tại Nga trong tác phẩm "Xứ sở Bạch Dương - nơi chắp cánh bay cho vị tướng Việt Nam", Cha ông là nhà ngoại giao kỳ cựu Võ Văn Sung, vị Đại sứ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp, nói tiếng Pháp nhưng tự học tiếng Nga để truyền cho con tình yêu nước Nga.
Là những người "Yêu người Nga từ thuở để tóc đuôi gà" như chị Nguyễn Thị Trâm, Việt kiều sinh sống tại Liên bang Đức, hay cụ Lê Thành Bá, nguyên Chủ tịch TP Biên Hòa, Đồng Nai năm nay 86 tuổi, cũng học tiếng Pháp, nói tiếng Pháp như tiếng Việt nhưng khi nhiệm vụ cần người phiên dịch tiếng Nga đã được "Từ khóa học Nga văn cấp tốc" để rồi có hàng loạt cuốn sách khoa học do ông biên dịch và viết đều bắt nguồn từ lớp học cấp tốc năm nào…
Bên cạnh đó, những công trình biểu tượng của sự hợp tác Xô - Việt, Nga - Việt như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủy điện Hòa Bình, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga; Liên doanh dầu khí Việt –Nga, cầu Thăng Long… cũng được truyền tải trong nhiều tác phẩm dự thi.
Bình luận (0)