Ba thế hệ nhà bà Ma Thị Châm (thôn Cốc Lào, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) hát ru bằng tiếng Tày cho bé ngủ
Ngày 3-6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ vừa công bố các quyết định ghi danh 12 di sản vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các nhà nghiên cứu văn hóa phấn khởi vì 12 di sản ở các tỉnh, thành phố được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt này đều mang giá trị tinh thần thiêng liêng đối với đời sống xã hội của nước ta.
Nhà sử học Nguyễn Đình Tư phấn khởi cho biết đó là những di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn và giữ cho nó có sức sống ngày càng mãnh liệt để du khách tìm đến đất nước ta sẽ có thêm nhiều trải nghiệm về không gian sống trong nền tảng văn hóa dân tộc đậm nét mà chỉ có ở Việt Nam.
"Di sản văn hoá là những tài sản vật chất và tài sản tinh thần chứa đựng nét đẹp mà cha ông nhiều thế hệ đã dày công xây dựng và vun đắp lên. Đó có thể là một làn điệu dân ca hình thành từ lâu đời, hay là một công trình kiến trúc mang dấu ấn của quá khứ… Những di sản văn hoá có mặt ở khắp nơi, muốn giữ gìn và bảo vệ thì cần sự quan tâm của tất cả mọi người" – Nhà sử học Nguyễn Đình Tư đã nói.
Ở hạng mục Nghệ thuật trình diễn dân gian, có Hát ru của người Tày, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn; Nghệ thuật Khèn của người Mông, huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; Nghệ thuật múa của người Lào, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên;
Nghề dệt thổ cẩm của người Tày
Hạng mục Nghề thủ công truyền thống có Nghề dệt thổ cẩm của người Tày, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng; Nghề rèn của người Mông, tỉnh Điện Biên.
Hạng mục Tập quán xã hội và tín ngưỡng, có Lễ cúng dòng họ của người Mông trắng, huyện Tuần Giáo, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên; Tri thức về cọn nước của người Tày, xã Trung Hà, xã Hà Lang, huyện Chiêm Hóa, xã Côn Lôn, huyện Na Hang, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang; Lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang; Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày, xã Hồng Quang, xã Khuôn Hà, xã Thượng Lâm, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.
Nghệ thuật làm trang phục của người Hà Nhì, xã Sín Thầu, xã Leng Su Sìn, xã Sen Thượng, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên
Hạng mục Tri thức dân gian có Nghệ thuật làm trang phục của người Hà Nhì, xã Sín Thầu, xã Leng Su Sìn, xã Sen Thượng, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Hạng mục Lễ hội có truyền thống Lễ hội đình Hồng Thái, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu nhấn mạnh, chúng ta cần phải ra sức gìn giữ và bảo vệ các di sản văn hoá của đất nước, của dân tộc, bởi đây là biểu hiện rõ nhất của lòng yêu nước. Ai yêu quê hương mình mà chẳng yêu những nét đẹp truyền thống, yêu câu hát dân ca, lễ hội của làng quê hay một ngôi chùa, một đình làng xưa cũ, nơi mang trong mình những hơi thở của đời sống bao thế hệ cha ông.
Từ đó, ta cũng thấy rằng bảo vệ, giữ gìn di sản văn hoá còn là bảo vệ nền tảng tinh thần của dân tộc. Mà nền tảng tinh thần là linh hồn của dân tộc, là bản sắc văn hoá. "Di sản văn hóa còn là sự kết nối các thế hệ con người Việt Nam. Sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, và tương lai là điều quan trọng để đất nước luôn phát triển bền vững" –Nnhà sử học Nguyễn Đình Đầu nhấn mạnh.
Người dân tộc Tày tham gia môn đánh yến tại Lễ hội Lồng tông, Ngày hội Văn hóa các dân tộc Tuyên Quang.
Bình luận (0)