NSƯT Phượng Hằng vai Thị Lộ trong vở "nhiếp chính thần phi"
Phóng viên: Điều gì động lại trong lòng chị sau suất diễn ý nghĩa này khi sàn diễn cải lương ngày một ít sáng đèn như hiện nay?
-NSƯT Phượng Hằng: Hạnh phúc lắm. Người trẻ đã biết tiếp cận với khán giả qua nhiều vai diễn khó. Điều này đồng nghĩa với ý nguyện được làm nghệ thuật chuyên nghiệp và nghiêm túc. Tôi cùng với nhiều nghệ sĩ: NSƯT Ngọc Dung, NS Mỹ Chi, Công Minh, Chí Bảo, Hữu Huệ, Hiếu Cảnh, Tô Châu, Hữu Phương…đã nhìn thấy điều đó mà sánh bước cùng các em. Sàn diễn cải lương hiện nay sống nhờ các sự kiện sân khấu như thế này, còn vở diễn dài đã khó bán vé. Khán giả tối qua đến rất đông, 500 ngàn đồng/vé mà khán phòng đông kín, đó là một tín hiệu vui. Suất diễn ý nghĩa vì Hoàng Đăng Khoa và Kim Ngân đã chọn chủ đề "Giữ mãi đam mê", chủ đề chính của chương trình lần thứ 7 này lại là "Giữ lửa". Tôi thấy Kim Ngân hợp với những vai tính cách, chắc chị Kim Ngọc rất vui ở suối vàng vì cuối cùng con gái sau nhiều năm tháng bôn ba với nghề kinh doanh, nay đã ổn định, có tiềm lực hỗ trợ cho việc quay lại với nghề. Kim Ngân đầu tư chương trình rất chu đáo. Cảnh trí, âm nhạc, ánh sáng, phục trang, đâu ra đó. Hoàng Đăng Khoa cũng rất nỗ lực, chịu tập dợt, nên vai Nguyễn Trãi em diễn, dưới sự đạo diễn nghiêm khắc cúa NSƯT Hoa Hạ, em đã có nhiều tiến bộ.
NSƯT Phượng Hằng, NS Tô Châu và Hoàng Đăng Khoa trong vở "Nhiếp chính thần phi"
Với vai Thị Lộ trong trích đoạn "Nhiếp chính thần phi" của soạn giả Bạch Mai, lần đầu chị thể hiện vai diễn này, chắc hẳn có nhiều điều muốn chia sẻ với khán giả?
-Tôi chỉ được nghe qua radio NSND Ngọc Giàu và NSƯT Minh Vương diễn vai Thị Lộ và Nguyễn Trãi trong tác phẩm của soạn giả Xuân Phong. Tôi ấn tượng nhất bài thơ "Thiếp ở cầu gon bán chiếu gon, cớ chi ông hỏi hết hay còn, xuân xanh vừa chẳng trăng tròn lẻ, chồng còn chưa có, có chi con". Và tôi đã được xem NS Phượng Liên diễn vai Thị Lộ, để hôm nay tôi hóa thân vào vai diễn này trong tâm thế đúc kết những kinh nghiệm từ đàn chị đi trước. Năm nay, tôi bất ngờ có được nhiều vai diễn hay, sau vai Trưng Trắc trong vở "Tiếng trống Mê Linh", rồi Thái hậu Dương Vân Nga trong vở cùng tên, lần này là vai Thị Lộ. Các nhân vật phụ nữ anh hùng, hiên ngang chống giặc ngoại xâm và dẹp trừ bọn sâu dân mọt nước, là tấm gương ngàn đời cho nòi gióng. Trong chương trình này tôi khâm phục chị NSƯT Ngọc Dung, giỏi nghề bên lãnh vực hát bội. Chị đã yểm trợ hết mình cho NS Kim Ngân để em hóa thân thật tốt vào vai diễn Đào Tam Xuân. Phải nói lúc nào thế hệ đi trước cũng muốn góp phần giữ lửa cho thế hệ nghệ sĩ đi sau, giúp cho các em thăng tiến trong nghệ thuật. Không đặt bất cứ quyền lợi hoặc điều kiện gì. Tôi chúc chương trình "Giữ mãi đam mê" mà Hoàng Đăng Khoa và Kim Ngân thực hiện sẽ còn tiếp tục được nhân rộng.
NS Kim Ngân thích hợp với những vai tính cách - cô đóng vai Thần Phi Nguyễn Thị Anh được sự yểm trợ đắt lực của NS Chí Bảo, Công Minh
Nỗi niềm lớn nhất của chị hiện nay khi nhìn về tiền đồ sân khấu cải lương? Theo chị cần đầu tư vở diễn như thế nào để khán giả đến rạp đông hơn?
-Như đã nói sàn diễn cải lương ngày một khó bán vé, khán giả thích đi xem những chương trình qui tụ nhiều ngôi sao sân khấu. Nếu Kim Tử Long có chương trình "Ba thế hệ về lại cội nguồn" thì hai bạn trẻ Hoàng Đăng Khoa, Kim Ngân có chương trình "Giữ mãi đam mê". Ngày 20-11, nghệ sĩ Hải Long – HCV Trần Hữu Trang sẽ tổ chức tại rạp Hưng Đạo chương trình tri ân thầy cô, tri ân khán giả. Các nghệ sĩ sân khấu cải lương đã bắt đầu hướng đến những chủ đề sân khấu nhằm tôn vinh những bậc thầy, những vai diễn khó. Tôi cho đó là tín hiệu vui. Nhưng để thu hút khán giả đông hơn, vở diễn phải hấp dẫn, nói được những điều khán giả đang trăn trở, sẽ là yếu tố thành công. Tôi sẵn sàng yểm trợ các em ở vai trò diễn viên đóng những vai phụ, để các em được tỏa sáng.
NSƯT Phượng Hằng luôn hết lòng vì đàn em
Bình luận (0)