Phim "Hoa Mộc Lan" được hãng Walt Disney quyết định phát hành lên nền tảng mạng Disney+ vào đầu tháng 9 tới khiến làng phim thế giới xôn xao. Đây là bước thử nghiệm mạo hiểm của Disney, một cú sốc với hệ thống rạp phát hành truyền thống nhưng lại phù hợp với sự vận động và phát triển của thế giới, nhất là thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành và vắc-xin phòng dịch chưa có.
Lực bất tòng tâm
Trước đó, hãng Universal từng gây chú ý khi tung "Trolls world tour" lên nền tảng mạng với mức thuê xem 15 USD, thu về 100 triệu USD chỉ sau 3 tuần.
Rạp chiếu ở Việt Nam được mở cửa trở lại sau giai đoạn đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19 nhưng khán giả vẫn chưa trở lại thói quen ra rạp khiến hầu hết phim Việt chiếu rạp dịp này đều thua đậm và khi dịch bệnh bùng phát lần hai thì rạp chiếu phim càng thêm ảm đạm khiến nhiều người trong giới nghĩ đến thị trường online. Nhưng thực tế lại cho thấy thiếu khả thi.
Cảnh trong phim “30 chưa phải Tết”, phim Việt liên tục lọt vào bảng xếp hạng ăn khách của Netflix Việt Nam trong 2 tuần gần đây. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Thị phần online cho phim Việt hiện chưa nhiều, các đơn vị kinh doanh nền tảng mạng có thu phí tại Việt Nam chưa đủ lực để mua phim kinh doanh bảo đảm hoàn vốn, chưa nói đến lợi nhuận. Các nền tảng xuyên biên giới OTT (Over The Top - giải pháp cung cấp các nội dung cho người sử dụng có trả phí trên các nền tảng internet) hiện chiếm gần 50% thị phần Việt nhưng họ chỉ mới khai thác thị trường tiềm năng này ở giai đoạn đầu, chưa có dấu hiệu dốc sức đầu tư. Trong đó, Netflix "nhiệt tình" nhất cũng chỉ mới tập trung thu mua bản quyền những phim điện ảnh cũ để làm đầy kho phim Việt của mình. Họ chưa bỏ vốn đầu tư sản xuất hay tìm mua phim Việt mới để phát hành độc quyền như cách làm với phim Hàn.
"Nền tảng OTT của Việt Nam chưa phát triển, người thuê bao chưa nhiều nên nhà sản xuất phim khó có thể thu hồi vốn. Việc phát hành thẳng qua nền tảng mạng có thể phù hợp ở những nền điện ảnh phát triển nhưng với Việt Nam thì chưa phù hợp, còn tùy thuộc vào tình hình mỗi nơi. OTT Việt Nam chỉ tập trung ở đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội… còn ở tỉnh, vùng sâu thì không tiếp cận nhiều. Thêm vào đó, đa phần các nền tảng nội địa đều đang trong quá trình xây dựng, chưa có hệ thống server mạnh đủ sức tạo ra một kho phim lớn cạnh tranh được với nền tảng mạng xuyên biên giới" - đạo diễn Bảo Nhân phân tích.
Cần sự hợp lực, nâng chất
Thị trường online ở Việt Nam nhiều tiềm năng với gần 100 triệu dân nhưng thị phần của OTT nội đã bị xâm chiếm 50%, đang có dấu hiệu ngày càng thu hẹp lại trước sức ép từ các nền tảng xuyên biên giới. Đó là chưa kể bên cạnh các nền tảng lộ diện, nhiều nền tảng ngoại khác còn "ngấp nghé" chờ đợi cơ hội khai thác thị trường Việt bằng nhiều hình thức khác nhau. Mới đây, Netflix công bố trong tháng 8 sẽ bổ sung thêm 11 phim Việt lên nền tảng của họ, nâng kho phim Việt lên 56 tác phẩm điện ảnh và một phim truyền hình, sau khi đo được độ quan tâm của khán giả Việt qua nền tảng này. Những phim này đều là phim cũ đã ra rạp một thời gian, còn những phim mới độc quyền ở các nền tảng nội, Netflix cũng không mua được, như "Mắt biếc".
"Mắt biếc" được chiếu độc quyền trên Galaxy Play sau thời gian dài chiếu rạp, tại thời điểm chuyển đổi thương hiệu từ Fim+ thành Galaxy Play. Vì thế, "Mắt biếc" được Galaxy Play sử dụng như món quà tặng người xem khi đăng ký thành công gói thuê bao Galaxy Play, biện pháp kích cầu, khuyến mại. Nhà mạng này cũng không công bố mức độ ăn khách của phim này trên nền tảng của mình như thế nào so với mức độ ăn khách khi phát hành ở hệ thống rạp.
Bỏ bước ra rạp để phát hành nền tảng mạng trong lúc này là điều không nhà sản xuất nào ở Việt Nam nghĩ tới, kể cả những nhà sản xuất có nền tảng mạng trong tay như Galaxy, BHD vì doanh thu quá thấp. "Một phim điện ảnh Việt hiện tại đầu tư ít nhất cũng mười mấy tỉ đồng nhưng chỉ được trả 1-2 tỉ đồng khi khai thác trên các nền tảng mạng trong nước thì làm sao nhà sản xuất bán cho được. Trong khi đó, bán phim cũ được xem là số tiền thu thêm nên nhà sản xuất dễ chấp nhận dù giá bán chỉ vài trăm triệu đồng" - đạo diễn kiêm biên kịch Kay Nguyễn lý giải.
Nhà sản xuất kiêm đạo diễn Luk Vân cho rằng phần lớn khán giả trẻ Việt không có nhu cầu bỏ số tiền lớn để thuê phim xem trên các nền tảng có thu phí. Nếu xem trên mạng, họ thích xem web-drama (phim chiếu mạng) miễn phí hơn. Đây là nhận định được nhiều người trong giới đồng thuận.
Khán giả Việt dần thay đổi hành vi từ xem miễn phí sang có phí nhưng để đạt được số đông là cả một quá trình dài cần thời gian. Con đường để các nền tảng thu phí nội địa chinh phục khán giả chưa rộng mở, điều đó cũng ngăn cản các đơn vị khai thác các nền tảng này có đủ tiềm lực để trả giá cao hơn cho nhà sản xuất phim. Giải pháp tốt nhất được đưa ra là đến lúc các nền tảng nội địa nên nghĩ đến chuyện hợp tác tạo nên nền tảng mạnh và đa dạng hơn là hoạt động độc lập, manh mún như hiện tại. "Netflix thường làm việc cùng các nhà phát hành lớn hoặc những công ty thu mua phim số lượng lớn cho họ. Để tìm đầu ra cho phim Việt mới sản xuất phát hành trên Netflix, các nhà sản xuất trong nước cần một đơn vị đủ lớn đứng ra thu mua phim và đàm phán với Netflix để có giá tốt" - Kay Nguyễn tin tưởng.
Đạo diễn Bảo Nhân cho rằng để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, phim Việt cần đến sức mạnh của sự đoàn kết.
Nhiều phim Việt cũ ăn khách trên Netflix
Trong số các phim Việt đã lên Netflix, có "Em chưa 18", "Thưa mẹ con đi", "Cô gái đến từ hôm qua", "30 chưa phải Tết", "Long ruồi", "Dòng máu anh hùng", "Nhắm mắt thấy mùa hè" lọt vào tốp ăn khách tại Việt Nam. Trong đó, đặc biệt phim "30 chưa phải Tết" liên tục có tên ở bảng xếp hạng này trong 2 tuần gần đây. Trên Netflix, các phim Việt (ngoại trừ "Hai Phượng") đều chỉ chiếu ở Việt Nam. "Hai Phượng" được chiếu trên tất cả các khu vực và tạo được thành tích là sau khoảng 10 giờ kể từ lúc lên nền tảng này, phim nằm trong tốp phim được tìm kiếm nhất trên Netflix. Phim Việt muốn phát hành phim qua mạng điều tiên quyết là phải mở rộng thị trường.
Bình luận (0)