UBND TP HCM tối 14-3 đã có công văn khẩn yêu cầu tạm ngưng hoạt động các rạp chiếu phim, quán bar, game online, điểm massage, karaoke, vũ trường, sân khấu trên địa bàn TP. Tất cả sẽ tạm đóng cửa từ 18 giờ ngày 15-3 cho đến hết ngày 31-3.
Ưu tiên chống dịch
Nguyên nhân tạm dừng hoạt động loại hình này, theo UBND TP là nhằm hạn chế sự tụ tập đông người, phòng tránh nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn. Đây là việc làm được công chúng nhận định là thiết thực, cần thực hiện để ngăn dịch và hẳn nhiên tất cả cơ sở trên đều tuân thủ, phối hợp tốt cùng cơ quan chức năng thực hiện.
Phim “Trạng Tí” dời lịch chiếu đến tận ngày 12-2-2021. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
(Mời bạn đọc xem tin video về việc triển khai quy định tạm đóng cửa các rạp phim, trung tâm giải trí, vui chơi... ở TP HCM bằng cách bật camera điện thoại, rà vào mã QR code trên nền hình để nhận link).
Trên trang web của các rạp chiếu phim lớn như CGV, Galaxy, BHD... cũng đã cắt thông tin các suất chiếu vào tối 15-3 ở khu vực TP HCM và để trống hoàn toàn cho những ngày sau, đúng như yêu cầu từ phía cơ quan chức năng. Điều đó có nghĩa rằng các phim Việt lẫn phim ngoại đều rơi vào tình trạng không có doanh thu cao bởi TP HCM là trung tâm giải trí của cả nước, quy tụ số lượng lớn rạp chiếu phim.
Thời gian vừa qua, lượng doanh thu của phim chiếu rạp bị sụt giảm nhiều nhưng vẫn có một số phim "mạo hiểm" ra rạp như "Sắc đẹp dối trá", "Chuyến xe nửa đêm", "Nắng 3: Lời hứa của cha". Trong đó, phim "Sắc đẹp dối trá" chỉ thu gần 23 tỉ đồng, "Chuyến xe nửa đêm" doanh thu không đáng kể, còn "Nắng 3: Lời hứa của cha" mới thu gần 25 tỉ đồng (số liệu tham khảo từ Box Office Việt Nam).
Phim "Nắng 3: Lời hứa của cha" là tác phẩm có thương hiệu từ loạt phim "Nắng" nhưng do tình hình dịch bệnh chuyển biến phức tạp nên vẫn khó tạo được mức doanh thu như kỳ vọng. Phim "Nắng 2" trước đó từng thu đến hơn 60 tỉ đồng. Việc tạm ngưng hoạt động rạp chiếu phim ở TP HCM chắc chắn khiến "Nắng 3: Lời hứa của cha" chật vật trong hành trình hòa vốn chứ khó có thể chốt lời.
Năm 2019, điện ảnh Việt có những bước phát triển ấn tượng với nhiều phim tạo dấu ấn doanh thu như "Hai Phượng", "Cua lại vợ bầu" vào giai đoạn đầu năm và "Mắt biếc", "Chị chị em em" vào cuối năm. Nhưng sang năm 2020, sau thành công của "Gái già lắm chiêu 3" nhờ mùa phim Tết, ngay khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, điện ảnh Việt chưa có tác phẩm nào doanh thu ấn tượng.
Thực trạng này cũng khiến các phim Việt phải nhanh chóng dời lịch phát hành là "Trạng Tí", "Thanh Sói" và "Chị 13: 3 ngày sinh tử". Trong đó, phim "Trạng Tí" quyết định dời đến ngày 12-2-2021 (nhằm mùng 1 Tết), thay cho dự kiến ban đầu là dịp lễ 30-4. "Thanh Sói" cũng vì thế mà dời lịch công chiếu vào thời gian khác.
"Chúng tôi rất khó khăn để đưa ra được quyết định dời ngày công chiếu của phim lần này. Việc chọn lựa ngày khởi chiếu mới khá xa so với hiện tại là một việc làm nhiều thử thách, rủi ro. Tuy nhiên, đây là điều cần thiết phải làm để bảo đảm bộ phim có được thời gian đến với khán giả phù hợp nhất. Trong thời gian dịch bệnh như hiện tại, việc phối hợp cùng cơ quan chức năng và làm đúng theo chỉ thị của các cấp chính quyền, hạn chế tụ tập đông người, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan là yếu tố ưu tiên hàng đầu của chúng tôi" - nhà sản xuất Ngô Thanh Vân chia sẻ.
Năm buồn của điện ảnh
Nhiều người trong giới cho rằng 2020 là năm buồn của điện ảnh Việt và cả thế giới. Bởi không chỉ phim Việt dời lịch chiếu mà phim "bom tấn" thế giới cũng có động thái tương tự trong hoàn cảnh nhiều rạp chiếu phim đóng cửa, khán giả ngại đến rạp.
Một số phim "bom tấn" buộc phải dời lịch có phần mới của "James Bond", "Quá nhanh, quá nguy hiểm 9" (Fast & Furious 9), "Vùng đất câm lặng 2" (A quiet place, part II), "Hoa Mộc Lan" (Mulan), "The New Mutants", "Antlers", "Peter Rabbit 2"...
Ban đầu, khi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản lao đao vì Covid-19, thị trường điện ảnh thế giới dự kiến thất thu 5 tỉ USD. Sau khi Mỹ cũng bùng phát Covid-19, Hollywood - theo dự đoán - mất đến 20 tỉ USD. Nhiều sự tiếc nuối khi nhìn lại thành tích ấn tượng của nền đại ảnh thế giới gặt hái được trong năm 2019.
"Ông lớn" trực tuyến cũng gặp khó
Một điều đáng lo ngại là không chỉ phim chiếu rạp chịu tổn thất mà ngay cả các nền tảng mạng lớn cũng gặp rắc rối nếu tình hình dịch bệnh không khả quan do thiếu nguồn cung sản xuất. Vì các trường quay toàn cầu đều không an toàn, số lượng phim, game show, chương trình truyền hình khác sẽ sụt giảm, dẫn đến ngay cả các "ông lớn" trực tuyến những tưởng hưởng lợi từ mùa dịch do lượng khán giả ở nhà nhiều cũng gặp khó.
Bình luận (0)