Bức tranh sơn dầu "The Foxes" (Những con cáo) của tác giả Franz Marc vừa được bán tại cuộc đấu giá của nhà đấu giá Christie’s với giá 47,4 triệu USD, vượt qua giá trị ước tính ban đầu là 35 triệu bảng Anh (46,8 triệu USD).
Hốt bạc từ đấu giá
Bức tranh "The Foxes" (Những con cáo) được họa sĩ Franz Marc sáng tác vào năm 1913 với chất liệu sơn dầu. Họa sĩ Franz Marc là người đề xướng chính cho chủ nghĩa biểu hiện Đức.
Các tác phẩm đặc trưng của ông mô tả động vật được thể hiện bằng màu sắc tươi sáng. Ông gia nhập quân đội Đức trong Thế chiến I và chết trong trận Verdun năm 1916. Sau đó, tác phẩm của ông bị Đức Quốc xã coi là "thoái hóa", hơn 100 bức tranh do ông vẽ đã bị thu giữ.
Bức tranh “Phong cảnh Phnom Penh” của họa sĩ Lê Quốc Lộc .Ảnh: ASIUM
Cuộc đấu giá này được tổ chức ở cả London (Anh) và Thượng Hải (Trung Quốc) hôm 1-3 và thu được tổng số tiền 334 triệu USD cho các tác phẩm nghệ thuật trong thế kỷ XX, XXI. Cuộc đấu giá của nhà Christie’s đánh dấu lần đầu tiên chương trình "giảm giá buổi tối giữa mùa ở London" được tổ chức một phần ở châu Á.
Theo thống kê, các nhà đấu giá quốc tế đã thu về hàng tỉ USD khi bán tác phẩm nghệ thuật trên các nền tảng trực tuyến trong năm 2021 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng kỷ lục (dựa trên báo cáo doanh thu của các nhà đấu giá) trong năm nay. Trong đó, nhà đấu giá Sotheby’s đạt doanh thu 7,3 tỉ USD trong năm 2021 - cao nhất trong lịch sử 277 năm của nhà đấu giá, Christie’s cán mốc 7,1 tỉ USD - cao nhất trong 5 năm, Phillips thu về 1,2 tỉ USD.
Tác phẩm đấu giá đắt nhất trong năm là "Femme assise pres d’une fenetre" của danh họa Picasso thu về 103,4 triệu USD thông qua nhà đấu giá Christie’s. Tác phẩm cao thứ hai là bức vẽ đầu lâu "In This Case" của Jean-Michel Basquiat được bán với giá 93,1 triệu USD. Bức "Portrait of a young man holding a roundel" của Sandro Botticelli có giá 92,1 triệu USD - cao thứ ba trong năm.
Nhà đấu giá Sotheby’s thu hút hơn 200.000 lượt đặt giá thầu trực tuyến trong năm, chiếm 92% tổng số lượt đặt mua và 16,6 triệu người theo dõi các phiên. Doanh số bán hàng trực tuyến đạt 800 triệu USD, tăng hơn 71% so với năm trước đó. Các nhà đấu giá cũng không nằm ngoài cuộc chơi NFT (các vật phẩm giao dịch dựa trên nền tảng blockchain). Christie’s đã bán được hơn 100 NFT với doanh thu 150 triệu USD. Sotheby’s thu về 100 triệu USD khi ra mắt nền tảng Sotheby’s Metaverse (vũ trụ ảo nơi các nhà sưu tập có thể tương tác, đấu giá).
Những nhà sưu tập trẻ
Ông Guillaume Cerutti, giám đốc điều hành của Christie’s, cho biết hồ sơ đấu giá cho thấy sự gia tăng tài sản toàn cầu trong thời kỳ đại dịch. Chính phủ kích cầu, ngân hàng trung ương nới lỏng, giá trị tài sản tăng vọt và nhu cầu tiêu dùng phục hồi đã tạo ra một làn sóng thanh khoản lớn cho những người mua các tác phẩm nghệ thuật.
Sự bùng nổ trong giao dịch tiền điện tử và chứng khoán đã tạo ra thế hệ những nhà sưu tập trẻ tuổi, giàu có - những người bắt đầu mua mọi thứ từ tác phẩm nghệ thuật, xe hơi cổ điển đến hàng xa xỉ, rượu vang, đồng hồ và kim cương. "Doanh số bán đấu giá đạt kỷ lục 15 tỉ USD trong năm qua là nhờ các nhà sưu tập trẻ tuổi, giàu có tham gia thị trường" - kênh CNBC nhận định.
Sự xuất hiện của những nhà sưu tập trẻ tuổi khiến thị trường đấu giá sôi động hơn. CEO Alex Rotter của nhà đấu giá Christie’s cho biết 35% người mua là người mới và 1/3 số đó thuộc thế hệ millennials - hay còn gọi là thế hệ Y, những người sinh từ đầu 1981-1995. Đại diện nhà đấu giá Sotheby’s cũng thừa nhận phần lớn thành công của họ năm qua nhờ lượng người tham gia đấu giá tăng lên, khoảng 39% người mua và 44% người đặt giá trong năm là người mới.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, những người mua giàu có đến từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Á. Người mua từ châu Á chiếm gần 1/3 doanh số bán hàng tại Christie’s và 46% số lượng đặt mua các lô hàng có giá trên 5 triệu USD tại Sotheby’s. "Những nhà sưu tập mới ở độ tuổi 30, 40, thậm chí là 20. Làn sóng mới của các nhà sưu tập châu Á chia thành hai nhóm chính: một là những người tự lập và kinh doanh, giống như các tỉ phú công nghệ; hai là thế hệ nhà giàu thứ hai hoặc thứ ba" - cựu giám đốc nghệ thuật đương đại của nhà đấu giá Sotheby’s châu Á Yuki Terase nhận xét.
Ông Amy Cappellazzo, chủ tịch bộ phận mỹ thuật của Sotheby’s, cũng cho rằng nhiều nhà sưu tập đến từ giới công nghệ. Điển hình như nhà đầu tư tiền điện tử Justin Sun, 31 tuổi, gây chú ý khi mua tác phẩm điêu khắc Le Nez (1947) của Alberto Giacometti với giá 78,4 triệu USD - tác phẩm đấu giá cao thứ năm trong năm 2021.
Tranh Việt lập kỷ lục về giá
Trong dòng chảy chung của thị trường tranh thế giới, tranh Việt cũng lập kỷ lục với những bức tranh có giá triệu USD trên thị trường đấu giá quốc tế. Bức tranh "Phong cảnh Phnom Penh" của họa sĩ Lê Quốc Lộc vừa được bán tại phiên đấu giá ở Paris với giá gần 1,4 triệu USD.
Trước đó, những bức tranh như "Hai người phụ nữ ngắm bể cá vàng", "Chân dung tự họa trong rừng" của họa sĩ Lê Phổ, "Người phụ nữ bên các con" của họa sĩ Lê Thị Lựu, "Cảnh ngôi chùa cổ ở miền Bắc Việt Nam" của họa sĩ Phạm Hậu, "Chân dung cô Phương" hay "Cô gái làm thơ" của danh họa Mai Trung Thứ… cũng thu về số tiền cao ngất ngưởng. Trong đó, kỷ lục là bức "Chân dung cô Phương" của cố họa sĩ Mai Trung Thứ có giá bán 24,3 triệu đô la Hồng Kông (3,1 triệu USD). Họa sĩ Mai Trung Thứ đã vẽ bức tranh này với chất liệu sơn dầu trên vải với kích thước 135,5 x 80 cm và ký tên vào năm 1930. Với bức tranh này, cố họa sĩ Mai Trung Thứ đã trở thành họa sĩ Việt Nam có bức tranh đắt giá nhất từng được đấu giá.
Bình luận (0)